Tài liệu: Giordano Bruno (1548 - 1600) nhà bác học dũng cảm bị thiêu trên dàn lửa

Tài liệu
Giordano Bruno (1548 - 1600) nhà bác học dũng cảm bị thiêu trên dàn lửa

Nội dung

GIORDANO BRUNO (1548 - 1600)

NHÀ BÁC HỌC DŨNG CẢM BỊ THIÊU TRÊN DÀN LỬA

 

Ngày xưa, đi từ Italia sang Thụy Sỹ rất khó khăn vì hai nước láng giềng này bị dãy núi Alpes ngăn cách. Muốn đi, người ta phải vượt qua những đèo bằng con đường hẻm, hẹp và nguy hiểm.

Khi đi qua núi, người giàu có cưỡi lừa và dùng người dân bản xứ thành thạo dẫn đường. Còn người nghèo thì đi bộ, có khi bị lạc đường và bị chết cóng trong tuyết hoặc rơi xuống vực thẳm, nhất là khi gặp các cơn bão tuyết mùa Đông.

Thời ấy, người đi ngựa và người đi bộ thường họp nhau thành đoàn để dễ vượt qua những trở ngại của thiên nhiên, hoặc dễ đối phó với bọn cướp trên các ngả đường đi của họ.

Một chàng trai trẻ tuổi người Italia, ăn mặc kiểu thầy tu đã nhập vào một trong các đoàn đó để đi sang Thụy Sỹ vào mùa Đông năm 1576.

Trong các nhà trọ, anh xa lánh mọi người, ngồi ở xó tối không chịu góp chuyện chung, chỉ trả lời mập mờ những câu hỏi về mục đích cuộc du lịch của anh và khi nói, anh thường kéo mũ thầy tu để che mặt. Khi đi đường cũng vậy, chàng trẻ tuổi này cũng tách rời các bộ hành khác, thường tránh mặt các tốp lính tuần cảnh và các tu sĩ. Những bạn đồng hành có tính tò mò cũng không sao khám phá được sự bí mật của anh.

Người đó chính là Giordano Bruno. Anh rời bỏ quê hương nước Itatia để tránh một hình phạt nghiêm khắc đang đe dọa anh vì anh đã dám có những "tư tưởng tự do'', có những ý kiến riêng, không giống ý kiến của giáo hội.

Giordano Bruno sinh năm 1548 trong một thành phố nhỏ Nô la ở nước Italia. Mồ côi từ thuở nhỏ, anh được nuôi dưỡng trong tu viện. Thời xưa người nào muốn học tập đều phải tìm đến các linh mục và các thầy tu. Tất cả mọi nền học vấn đều mang tính chất tôn giáo và cả cho đến khi muốn học để biết đọc, người ta cũng phải dùng không phải là một cuốn sách đánh vần a, b, c mà là nhiều cuốn sách của giáo hội.

Những tu sĩ theo Đạo Cơ đốc chia ra thành nhiều nhóm, hay như người ta thường nói thời bấy giờ, thành nhiều giòng tu. Giòng tu Đôminích là giòng giàu sang và có thế lực hơn cả. Giordano Bruno đã đến học ở giòng đó. Kiến thức rộng rãi và thông minh của anh đã làm cho anh được nhận vào giòng, rồi sau thăng lên Linh mục.

Ngay từ thuở thỏ, Bruno đã suy nghĩ về giáo lý và đã tìm thấy nhiều điều hình như không đúng và vô lý. Chàng Bruno đã nhìn thấy chính các cha cố và linh mục là những kẻ hám giàu sang và thống trị, chính họ đã giam hãm nhân dân trong ngu đốt, hành hạ và sẵn sàng giết người chỉ vì một lời nói tự do. Trong tư tưởng của Bruno đã thoáng có những ngờ vực đầu tiên. Một hôm, trên một giá sách ở góc thư viện của nhà tu, anh tìm thấy một cuốn sách đầy bụi mà bìa bằng da đã bị chuột gậm. Mở sách, anh thấy ngay nhan đề sách bằng tiếng La tinh Nicolas Copemicus ở Tôrun: Về sự chuyển động của các thiên thể trên bầu trời.

Bruno đã được nghe mang máng về tác phẩm nổi danh đó. Nay cuốn sách quý báu ấy đây rồi! Bây giờ anh sắp được đọc trực tiếp học thuyết của Copernicus chứ không phải qua sự truyền khẩu của các cha cố, những người thường xuyên tạc chân lý, Bruno bí mật nghiên cứu cuốn sách đó trong cảnh yên tĩnh của thư viện hay trong phòng nhỏ của mình; anh lấy làm ngạc thiên về sự sáng sủa và giản dị của hệ thống mới ấy. Sự cảm phục của anh rất mạnh, đến nỗi anh không nhịn được và đã nói với người bạn cùng giòng tu, và người này lập tức đã phản bội, báo ngay cho giòng tu. Một hình phạt nghiêm khắc đe dọa anh. Bởi vậy, anh quyết định rời bỏ đất nước ra đi và từ bỏ luôn cả chức Linh mục. Anh chỉ giữ lại có bộ áo thầy tu vì đó là một cách trá hình tốt nhất trong một nước mà có tới hàng vạn thầy tu đang được kính nể.

Giordano Bruno đã trốn thoát được và sau nhiều năm mới lại nhìn thấy mảnh đất quê hương. Bruno đã cống hiến tất cả đời mình cho việc đấu tranh để truyền bá những quan điểm của Copernicus. Nhưng ông không chịu chỉ nhắc lại những điều ấy như một học sinh chăm chỉ và nhút nhát, mà ông đã phát triển các tư tưởng của Copernicus, và quan niệm về Vũ trụ đúng hơn cả bản thân Copernicus.

Giordano Bruno đã nói không phải chỉ Trái đất, mà cả Mặt trời cũng chuyển động xung quanh trục của nó; thuyết này, mãi hàng chục năm sau khi Bruno mất, mới được chứng minh.

Bruno nói rằng, có nhiều hành tinh quay xung quanh Mặt trời và người ta có thể còn khám phá ra nhiều hành tinh mới mà con người chưa biết. Điều tiên đoán của người Italia thiên tài này đã được xác minh vững vàng hai thế kỷ sau khi ông mất, khi người ta tìm thấy được hành tinh đầu tiên trong số những hành tinh đó: Sao Thiên Vương, rồi về sau, Sao Hải Vương và Sao Diêm Vương cùng với hàng trăm hành tinh nhỏ.

Copernicus chú ý rất ít về những ngôi sao xa xôi. Còn Bruno thì khẳng định rằng mỗi một ngôi sao là một Mặt trời cũng to như Mặt trời của ta, và tất cả đều có những hành tinh quay xung quanh. Nhưng ta không thấy chúng vì chúng ở cách chúng ta quá xa. Mỗi một ngôi sao với các hành tinh của nó tạo thành một thế giới tựa như thế giới Mặt trời của ta. Thế giới đó nhiều vô tận trong không gian.

Giordano Bruno nói rằng, tất cả thế giới trong Vũ trụ đều có bắt đầu và kết thúc, và chúng biến đổi không ngừng. Quan niệm ấy rất táo bạo vì giáo lý của Đạo Cơ Đốc dạy rằng, Thế giới không thể tiêu diệt được và nó sẽ vĩnh viễn tồn tại dưới hình thức mà Thượng đế đã sáng tạo ra nó.

Bruno là một người thông minh phi thường: chỉ có nhờ sức mạnh của trí tuệ ông đã hiểu được điều mà các nhà thiên văn sau này mới tìm ra nhờ kính viễn vọng. Chúng ta bây giờ khó mà hình dung được bước ngoặt vĩ đại của Bruno đã thực hiện trong thiên văn học. Ông giống như người đã dắt tù nhân từ trong ngục tối đi ra để nhìn thấy thế giới mênh mông và kỳ diệu.

Nhà thiên văn Johannes Kepler (1571 - 1630) sống sau Bruno ít lâu, đã thừa nhận rằng: ''Khi đọc những tác phẩm của người Italia danh tiếng ấy, tôi thấy bị choáng váng và cảm thấy một mối sợ thầm kín khi nghĩ đến chính bản thân mình có lẽ đang đi lang thang trong một không gian không có trung tâm, không có bắt đầu, không có kết thúc…”.

Do đó, giáo hội coi Giordano Bruno như kẻ thù nguy hiểm nhất. Học thuyết của ông cho rằng có nhiều thế giới có người ở, và Vũ trụ vô cùng tận, đã làm sụp đổ hoàn toàn những câu chuyện của Kinh Thánh về sự sáng tạo thế giới và về việc Chúa cứu thế ra đời, nghĩa là đã làm sụp đổ hoàn toàn nền tảng của Đạo Cơ Đốc. Bản cáo trạng do giáo hội xây dựng nên để buộc tội Bruno gồm một trăm ba mươi điểm.

Các “cha”' trong giáo hội tuyên bố rằng ông là người phỉ báng Chúa trời và họ dùng mọi cách để vận động các nhà cầm quyền, cấm ông không được cư trú ở nước này hoặc ở nước khác. Nhưng nhà Bác học vĩ đại đó càng đi ngao du thiên hạ lại càng phổ biến được học thuyết táo bạo của mình.

Xa Tổ quốc, Bruno bứt rứt vì nỗi lòng nhớ đất nước và muốn trở về nước Italia rực rỡ ánh sáng Mặt trời. Kẻ thù của ông lợi dụng điều đó để làm hại ông.

Một tên quý tộc trẻ tuổi Italia là Giôvanni Môsơnigô, giả vờ chú ý nhiều đến những tác phẩm của Bruno lưu hành trong các thành phố Châu Âu[1]. Hắn biên thư cho ông rằng, hắn muốn làm học trò của ông và sẽ trả thù lao rất rộng rãi. Người đã bị trục xuất, khi trở về Tổ quốc, sẽ gặp bao nhiêu nguy hiểm; thế mà Môsơnigô đã lừa dối làm cho Bruno tin được, rằng hắn có thể bảo vệ cho ông sống an toàn. Bruno càng dễ tin hơn nữa vì ông không còn hơi sức để tiếp tục cuộc sống phiêu bạt nơi đất khách quê người.

Nhà bác học vĩ đại không ngờ chút nào đến mưu mô xảo quyệt mà tòa án giáo hội đã dùng để nhử ông về Italia. Tòa án giáo hội là một thứ tòa án ghê sợ tồn tại ở Tây Ban Nha và Italia, để trừng trị những người phạm tội chống lại tôn giáo. Suốt trong thời kỳ nó tồn tại, những viên thẩm phán gọi là pháp quan của tòa án giáo hội đã giết hàng trăm nghìn người vô tội trong số đó có Bruno.

Bruno đến Venise và bắt đầu dạy Môsơnigô học. Tên này bảo ông phải hứa đến từ biệt hắn khi nào ông ra đi. Đó là một mưu kế. Môsơnigô sợ rằng, Bruno sẽ biết được âm mưu của giáo hội và sẽ biến mất một cách bí mật như trong thời thanh niên của ông. Khi Bruno đến từ biệt, người ta sẽ có thể bắt ông.

Sau một thời gian học tập, Môsơnigô tuyên bố rằng Bruno là một ông thầy tồi, đã không muốn dạy cho hắn biết những kiến thức bí mật. Bruno bèn quyết định rời bỏ Venise. Thế là Môsơnigô tố giác với tòa án giáo hội. Ngày 23 tháng 5 năm 1592, nhà Bác học bị bỏ ngục và đã sống trong đó tám năm đau khổ.

Trần nhà ngục là một mái bằng chì: mùa Hè thì nóng bỏng, và mùa Đông thì ẩm ướt và giá lạnh. Sống ở đó là một khổ hình ghê gớm, là một cái chết dần đến.

Tại sao bọn đao phủ lại giam giữ Bruno rất lâu ở trong ngục? Bởi vì chúng hy vọng rằng, có thể bắt Bruno phải từ bỏ học thuyết của mình. Nếu được như vậy là chúng sẽ thắng lợi lớn. Tên tuổi Bruno đã được tất cả châu Âu biết đến và tôn sùng; nếu Bruno nhận là mình  nhầm và giáo hội là có lý, thì sẽ có rất nhiều người quay trở lại tin vào câu chuyện thần thoại của giáo hội về sự sáng tạo thế giới của Chúa.

Nhưng Bruno là một người cứng rắn và can đảm. Ông kiên quyết giữ vững chân lý, và không lời dọa nạt nào, không cực hình nào khuất phục nổi ông.

Bởi vậy, ông bị kết án tử hình. Sau khi nghe tuyên án, ông rất bình tĩnh và bảo bọn pháp quan của tòa án giáo hội:

- Các ông nhân danh ''Thượng đế từ bi”  mà tuyên án tôi, nhưng các ông còn khiếp sợ hơn tôi là người nghe án đó.

Những lời kết án của tòa án giáo hội lúc nào cũng đầy giọng giả dối như sau:

“Ban Tư giáo tài phán đề nghị phạt kẻ phạm tội bằng cách không đổ máu''. Nhưng sự thực đó là một cái chết tàn khốc: bị thiêu sống trên giàn lửa.

Giordano Bruno đã bị thiêu ở La Mã ngày 17 tháng Hai năm 1500. Ông đã được đưa đến nơi hành hình rất trọng thể. Đám rước mở đầu bằng một lá cờ đỏ màu máu, đi trước mặt ông. Tất cả nhà thờ đều kéo chuông. Hàng trăm cha cố mặc lễ phục đọc Kinh cầu hồn. Bruno phải mặc một chiếc áo màu vàng, trên áo có vẽ những hình ma quỷ đen và gớm ghiếc. Đầu ông đội một chiếc mũ cao và nhọn, trên mũ vẽ hình một người đang quằn quại trong khói lửa. Mỗi bước ông đi là xiềng xích khóa chân tay kêu lẻng xẻng.

Bọn đao phủ đã cắt lưỡi ông vì sợ rằng nhà Bác học dũng cảm đó đến phút cuối cùng. sẽ tuyên bố với nhân dân và nói rõ sự thực.

Những linh mục và Giám mục, quan lại và quý tộc đi theo đám rước đều ăn mặc rất sang trọng.  Hàng trăm nghìn người La Mã đều xuống đường để xem, hay đến tập trung ở Quảng trường để dự cuộc hành hình. Quần chúng ngoan Đạo vui nhộn, reo mừng như trong một đám hội, và ít người thấy phẫn nộ trước sự sát hại kinh khủng nhà Bác học can đảm ấy.

Một lần nữa, trước khi hành hình, người ta đề nghị nếu Bruno thề từ bỏ học thuyết của ông thì sẽ được ân xá. Bậc vĩ nhân đó đã từ chối một cách khinh bỉ lời đề nghị ấy và không ngập ngừng bước lên dàn lửa, ông không hề có một tiếng rên rỉ khi ngọn lửa bốc cháy ở xung quanh.

Bruno bị thiêu sống, nhưng Giáo hội không ngăn được bước tiến của khoa học. Một chiến sĩ ngã xuống, đã có hàng chục hàng trăm người khác thay thế.

Năm 1889, tại La Mã người ta đã xây một đài kỷ niệm tại nơi mà Bruno chịu tử hình.




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/1061-02-633390082908775000/Nhung-nha-khoa-hoc-tu-nhien-noi-tieng-the...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận