TRƯƠNG TRỌNG CẢNH (? - ?)
Trương Trọng Cảnh là nhà y học lớn thời Hán không những được ca tụng ở Trung Quốc mà còn được kính phục ở nhiều nước trên thế giới. Người làm Đông y xưa thường ca ngợi bốn bộ sách kinh điển của Đông y: Nội, Nạn, Thương, Kim thì một mình Trương Trọng Cảnh là tác giả của hai trong số bốn bộ sách đó là Thương hàn luận và Kim quỹ yếu lược. Trương Trọng Cảnh tự là Trương Cơ sinh ở Nam Dương, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc. Tài liệu lịch sử để lại chưa xác định được chính xác ngày tháng năm sinh và mất của ông, nhưng người ta ước đoán ông sinh vào khoảng năm 150 S.CN và mất vào năm 219 S.CN. Ông từng làm quan Thái thú quận Trường Sa, tỉnh Hồ Nam; người ta truyền lại rằng, thời kỳ đó ông thường nhận bệnh nhân điều trị vào các ngày mồng 1 và 15 hàng tháng (Âm lịch).
Trương Trọng Cảnh đã nghiên cứu những lời dạy của cổ nhân, lượm lặt rộng rãi nhiều phương thuốc trên cơ sở của bộ sách Nội kinh, ông đã phát triển thêm phép tắc biện chứng luận trị thành hoàn chỉnh chặt chẽ.
Ông đã để lại trước tác lừng danh Thương hàn tạp bệnh luận bao gồm cả hai bộ sách Thương hàn luận và Kim quỹ yếu lược. Sách biên soạn ước đoán vào năm 200-210 S.CN; biên soạn xong, gặp thời kỳ cuối nhà Hán, chiến tranh lan tràn nên bị mất mát không còn đủ. Đến thời Tây Tấn có Thái y lệnh Vương Thúc Hòa đem bộ Thương hàn luận tập hợp chỉnh lý biên soạn lại, rồi đến thời nhà Tống sách được nhóm Lâm Úc hiệu chỉnh nữa và truyền đến ngày nay. Toàn thư cộng 10 quyển 397 thiên, trừ các phương trùng và khuyết phương, cộng còn 112 phương thuốc. Đời Nam Tống (1127 - 1279), sách Thương hàn luận và Kim quỹ yếu lược phương luận được in lại. Trọng tâm của sách là nghiên cứu, tìm tòi xem trong thân thể, sau khi đã cảm phải tà khí phong hàn, gây ra bệnh lý biến hóa của tạng phủ, kinh lạc. Tìm đặc trưng chứng hậu lâm sàng, tổng kết một cách sáng tạo được quy luật chung nhất của sự phát sinh phát triển thuộc bệnh ngoại cảm; từ nguyên tắc trị liệu cho đến phương pháp phối hợp bài thuốc trước sau thật chặt chẽ, có hệ thống nhất quán với lý, pháp, phương, dược; chỉ dẫn một cách có hiệu quả về việc biện chứng luận trị đối với bệnh ngoại cảm và các tạp bệnh khác... góp phần to lớn vào việc phát triển Đông y.
Thương hàn tạp bệnh luận là bộ sách thứ nhất chuyên về lâm sàng của Trung y còn lại đến nay, ngoài giá trị thực dụng ra, sách này còn thay thế bộ Ngoại kinh đã thất lạc từ trước (Ngoại kinh là bộ sách về lâm sàng cũng tương đương với bộ sách kinh điển của Đông y là Nội kinh). Người ta cho rằng; Thương hàn luận là cuốn sách đã nêu lên được tinh hoa của pho Nội kinh và trước Trọng Cảnh thì các tác phẩm kinh điển thường là nói về lý luận, chỉ sau khi tác phẩm của Trọng Cảnh ra đời thì người ta mới chú ý cả lý luận và thực hành.
Thương hàn luận là bộ sách Đông y kinh điển nổi tiếng được nhiều nhà y học nước ngoài nghiên cứu đặc biệt là một số nước Á Đông như Nhật Bản, Việt Nam...
GS. BÁC SỸ NGUYỄN VĂN THANG