LEONHARD EULER (1707 - 1783)
Leonhard Euler sinh ngày 15 tháng 4 năm 1707, tại Thụy Sỹ. Nghề nghiệp của người cha và các bài giảng của Johan Bernoulli đã dẫn Euler đến với toán học. Năm 20 tuổi (1727), Euler đến làm việc ở viện Hàn Lâm khoa học Petersbourg, vừa mới thành lập và là nơi thu hút các tài riêng trẻ của Trung và Tây Âu đến làm việc. Tám năm sau (1735), khi Viện Hàn Lâm Petersbourg phải tiến hành những tính toán thiên văn để thiết lập bản đồ, Euler đã đảm nhận với thời hạn 3 ngày một khối lượng công việc mà các Viện sĩ cho rằng phải cần mấy tháng mới làm được và ông đã hoàn thành công việc với thời hạn làm mọi người kinh ngạc: Một ngày một đêm! Tuy vậy, để có được một kỳ công như thế, ông đã phải làm việc hết sức tập trung và cực kỳ căng thẳng, cho nên ông bị hỏng mất mắt phải. Với một mắt còn lại, Euler vẫn làm việc say sưa với năng suất không hề giảm sút.
Năm 1741, ông trở về làm việc ở Việc Hàn Lâm khoa học Berlin (Đức) theo yêu cầu của Vua Friedrich Đệ II. Ở đây, ông đã cống hiến toàn lực cho khoa học, ngày đêm miệt mài nghiên cứu và sáng tạo, tham gia công tác lãnh đạo giới toán học, đóng góp trong công tác tổ chức và cả trong những công việc quản lý hành chính. Ở Berlin, ông vẫn duy trì quan hệ chặt chẽ với Viện Hàn Lâm Petersbourg. Chính M.V.Lômonosov nhà Bác học Nga trẻ tuổi và tài năng ''người cha của nền khoa học Nga'', đã được Euler thư từ trao đổi, dìu dắt và được tiếp nhận tới Berlin. Trong thời gian này, Euler làm việc rất có kết quả và đã trở thành nhà toán học bậc thầy của châu Âu.
Năm 1766, Euler đến Petersbourg lần thứ hai theo một thỏa thuận với Nữ hoàng Nga Katerina Đệ II. Bốn năm sau (1770), do ngày đêm làm toán quên mình, con mắt còn lại của Euler bị hỏng nốt. Tiếp theo đó, một loạt bất hạnh đã xảy đến với Euler: nhà cháy, mất sạch của cải, người vợ thân yêu của ông qua đời! Song những tổn thất vật chất và tinh thần đó, cùng với sự giảm sút sức khỏe của tuổi già vẫn không ảnh hưởng tới sức sáng tạo và năng suất lao động của Euler. Ông đọc cho người khác viết hết công trình này đến công trình khác. Từ năm 1766 cho đến lúc qua đời ông đã để lại 416 công trình, tức trung bình 25 công trình mỗi năm (trước đó từ 7 đến 14 công trình mỗi năm). Khi ông mất số công trình chưa công bố của ông để lại đã được đăng trên tạp chí của Viện Hàn Lâm đến 80 năm sau mới hết, gấp 4 lần con số mà Chủ tịch Viện Hàn Lâm Petersbourg đã có lần yêu cầu ông trước lúc ông qua đời.
Những công trình của Euler đề cập đến hầu hết các lĩnh vực của toán học thời bấy giờ và đến nhiều ngành khoa học và kỹ thuật khác. Theo nhà nghiên cứu lịch sử tên tuổi của Liên Xô cũ A.P.Yuskevich, 40% nghiên cứu của Euler dành cho đại số, lý thuyết số và giải tích, 18% cho hình học, 28% cho cơ học và vật lý, 11% cho thiên văn. Phần còn lại dành cho lý thuyết đường đạn, bản đồ, tàu thuyền và xây dựng, lý thuyết âm nhạc, thần học và triết học. Năm 1911, ở quê hương ông, toàn bộ những công trình của ông được in thành sách với tên đề Leonhardi Euleri Opera Omnia gồm 85 quyển cỡ lớn với gần 40.000 trang.
Chúng ta đã biết đến Euler qua đường thẳng Euler, đường tròn Euler (đường tròn 9 điểm) trong tam giác, định lý Euler về liên hệ giữa số đỉnh, cạnh và mặt trong một đa diện lồi,… Chúng ta đã và đang làm toán với những ký hiệu của Euler: Số
số i
sin, cos, tag, cotag,
(số gia),
(tổng), f(x) (hàm f của x),v.v…
Sử sách đã ghi lại ngày 18 tháng 9 năm 1783, ngày thiên tài toán học Leonhard Euler ngừng làm toán và cũng là ngày ông từ trần. Đối với Euler làm toán cũng tự nhiên và cần thiết cho đời sống như là thở hít khí trời vậy.
N.D.M