Tài liệu: Mikhail Alexandrovits Sholokhov (1905-1984) nhà văn Nga hiện đại

Tài liệu
Mikhail Alexandrovits Sholokhov (1905-1984) nhà văn Nga hiện đại

Nội dung

MIKHAIL ALEXANDROVITS SHOLOKHOV (1905-1984)

NHÀ VĂN NGA HIỆN ĐẠI

 

Sholokhov sinh ngày 24 tháng 5 năm 1905 tại làng Krugilin, thị trấn Vesenskaia, tỉnh Rostov trong một gia đình nông dân. Năm 15 tuổi, từ chiến trường trở về, đến Moskva làm nhiều nghề kiếm sống, tập viết văn, tham gia nhóm văn học Cận vệ thanh niên. Từ năm 18 tuổi, bắt đầu công bố một số truyện ngắn và bút ký trên báo Sự thật thanh niên. Năm 19 tuổi, trở về quê nhà để sáng tác văn học trong cái nôi của quần chúng. Năm 21 tuổi, xuất bản hai tập truyện ngắn nổi tiếng Những câu chuyện sông ĐôngThảo nguyên xanh. Năm 23 tuổi, xuất bản tập đầu bộ tiểu thuyết sử thi đồ sộ Sông Đông êm đềm nổi tiếng thế giới. Nhưng phải tới năm 35 tuổi (1940), ông mới hoàn thành bộ tiểu thuyết trên. Và năm 1941, khi mới 36 tuổi ông nhận được giải thưởng Quốc gia cho tác phẩm này. Năm 27 tuổi xuất bản tập đầu bộ tiểu thuyết Đất vỡ hoang, vì mất bản thảo trong chiến tranh, nên tập II của tiểu thuyết phải viết lại; công bố năm 1960, khi ông 55 tuổi. Cùng năm đó, tác phẩm của ông được tặng giải thưởng Lênin. Trong thời kỳ chiến tranh thế giới lần thứ II, ông là một phóng viên mặt trận rất xông xáo, viết nhiều bài chính luận, phóng sự, truyện ngắn... phục vụ trực tiếp chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Tác phẩm đáng chú ý trong thời gian này là Khoa học căm thù (1942), một số chương đầu của tiểu thuyết sử thi Họ chiến đấu vì Tổ quốc trên báo Sự thật (1943-1944). Khi hòa bình, tác phẩm gây xôn xao dư luận là truyện Số phận con người, in năm 1956. Sholokhov là người lao động sáng tạo không mệt mỏi, có những cống hiến to lớn cho văn học Xô Viết. Năm 1967, ông được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động xã hội chủ nghĩa. Ông còn là một nhà hoạt động chính trị - xã hội nhiệt tình. Được bầu làm Viện sĩ Viện Hàn Lâm khoa học Liên Xô, đại biểu Xô Viết Tối cao Lên Xô, ủy viên ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng Sản Liên Xô trước đây. Năm 1965, ông được nhận giải thưởng Nobel về văn học. Ông mất ngày 21 tháng Hai 1984, thọ 79 tuổi.

Từ khi mới xuất hiện, Sholokhov ''đã là con đại bàng non mỏ vàng bất chợt vẫy lên đôi cánh mênh mông” như đánh giá của nhà văn Nga lão thành Seraphimôvits, làm xao động cả văn đàn Xô Viết.

Quả thực đôi cánh nghệ thuật của nhà văn đã bay lượn trên bầu trời sáng tạo, đóng góp quan trọng vào sự phát triển của truyền thống văn hóa Nga trong những điều kiện sống cay nghiệt của số phận dân tộc. Tác phẩm của Sholokhov phản ánh sâu sắc đời sống của nhân dân Nga, nhất là ở vùng sông Đông, ở nông thôn Nga, qua những chặng đường lịch sử khó khăn. Những câu chuyện sông Đông, Thảo nguyên xanh là lời ngợi ca con người và thiên nhiên vùng sông Đông trong cuộc đấu tranh giai cấp gay go ác liệt thời nội chiến. Sông Đông êm đềm là bức tranh vĩ đại về cuộc đấu tranh dữ dội, tàn nhẫn giữa hai thế giới. Sự đổ vỡ đau đớn của thế giới cũ, sự sinh thành và lớn mạnh của thế giới mới trong khoảng thời gian mười năm (1912 - 1922), được biểu hiện qua số phận đặc biệt của Grigôri, giữa cảnh trí thiên nhiên của thảo nguyên sông Đông hùng vĩ đầy chất thơ. Đất vỡ hoang là tác phẩm viết về công cuộc cải cách nông thôn ở vùng sông Đông vào những năm 1930-1931, khẳng định sự chiến thắng của cách mạng xã hội chủ nghĩa ở nông thôn. Những tác phẩm sáng tác trong chiến tranh của ông mang đậm chất sử thi anh hùng ca, ca ngợi tinh thần chiến đấu và lao động quên mình của nhân dân Xô Viết... Tác phẩm làm rung chuyển văn đàn Xô Viết năm 1956 là Số phận con người đã bộc lộ tư tưởng nhân đạo sâu sắc của nhà văn về số phận con người có tính nhân loại ở thế kỷ này. Qua số phận nhân vật Sôkôlôv, tác giả đặt vấn đề nóng bỏng về khả năng của con người có thể chiến thắng mọi đau thương mất mát để vươn lên xây dựng lại cuộc đời. Đây là tác phẩm gởi gắm nhiều ý tưởng thâm trầm sâu sắc của tác giả và chất trữ tình man mác của nó làm rung động lòng người.

NGUYỄN PHẠM HÙNG




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/1060-02-633389504794409528/Danh-nhan-van-hoa-va-nhung-nha-van-noi-ti...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận