ESENIN SERGEI ALESANDROVITS (1895 - 1925)
Esenin Sergei Alesadrovits (Êsenin Sergaay Alesanđrôvits) là nhà thơ lớn được yêu mến nhất ở Nga. Sinh ngày 3 tháng Mười 1895 tại Riazan trong một gia đình nông dân. Năm 1912, tốt nghiệp trung học lên Moskva kiếm sống, làm nhiều nghề khác nhau; tham gia trong một nhóm văn học - âm nhạc, theo học Đại học Tổng hợp nhân dân mang tên A.L.Sannhiavski. Từ 1914, bắt đầu in thơ, 1915, chuyển đến Petrograd làm quen với Blôk và ngay lập tức được Ablôk đánh giá cao. Năm 1916, cho ra đời tập thơ đầu tiên, sau đó bị gọi đăng lính. Sau khi ra khỏi quân ngũ ông đi nhiều nơi, từ miền Arhanghelsk phía Bắc, tới miền Krưm phía Nam, hòa mình vào đời sống của người nông dân Nga. Esenin vui mừng chào đón Cách mạng tháng Mười. Nhưng với biểu hiện của khuynh hướng nông dân trước những biến động lớn lao của lịch sử, ông cảm thấy nuối tiếc cuộc sống bình lặng của nông thôn Nga cũ. Năm 1922- 1923 đi du lịch sang Đức, Pháp Bỉ, Italla và Mỹ. Năm 1924, về nước, đi nhiều nơi ở vùng Kavkaz. Mất ở Leningrád trong tâm trạng cô đơn, bệnh tật. Có nhiều nguồn tin khác biệt nhau xung quanh cái chết của ông, nguồn tin chính thức xưa nay cho rằng ông tự tử.
Tình yêu say đắm thiên nhiên và nông thôn Nga xuyên suốt toàn bộ sự nghiệp thơ Esenin. Thơ trữ tình của ông được nuôi dưỡng bởi một tình cảm lớn: Tình yêu Tổ quốc. Thơ ông chịu ảnh hưởng sâu sắc của truyền thống dân gian Nga thanh thoát, giàu nội tâm, được truyền tụng trong nhân dân qua bao thế hệ. Ông như chính là hiện thân của tâm hồn Nga trong trẻo, yêu tha thiết cuộc sống, có trái tim chứa đầy lòng thân ái đối với tất cả mọi vật sống trên thế gian. Chính sự nhạy cảm đến dễ bị tổn thương ấy đã khiến ông ngỡ ngàng khi hoà nhập với những thay đổi lớn lao của đất nước mà ông yêu mến. Trong ông vẫn thấp thoáng một nỗi buồn nhớ về một nông thôn thuần khiết đang mất dần. Con người ông đầy mâu thuẫn và ảo tưởng. Ông đón chào cái mới nhưng lại nghĩ rằng, cách mạng sẽ tạo nên một kiểu thiên đường mugic không tưởng cho những người nông dân. Ông lại thất vọng trước một vài biểu hiện ấu trĩ của cách mạng ở giai đoạn đầu. Rồi có lúc ông lại rơi vào một cực đoan khác khi cho rằng xã hội của kỹ thuật và máy móc trong tương lai sẽ giết chết những gì tinh tế trong tâm hồn con người. Đó là một trong những nguyên nhân dẫn ông đến tâm trạng buồn chán, thất vọng. Đó cũng chính thời kỳ khủng hoảng nhất trong sáng tác của Esenin. Ông trở nên buông thả, phóng túng một thời gian. Vào những năm 1924-1925 sáng tác của Esenin đã hướng đến với lý tưởng của chủ nghĩa xã hội. Ông ca ngợi một nước Nga mới rời bỏ thế giới cũ trong các tác phẩm nước Nga Xô Viết, nước Nga cũ đã qua đi... Trong trường ca Anna Snêghina (1925), ông đã vẽ một bức tranh hùng vĩ về cách mạng ở riêng thôn Nga và ngợi ca các chiến sĩ đấu tranh cho cuộc sống mới. Trường ca này đã thể hiện độ chín muồi của Esenin khi diễn tả hiện thực cách mạng. Các trường ca Pugatsốv (1921), Bài ca về cuộc trường chinh vĩ đại (1924), Những môtíp Ba Tư (1925) đã thể hiện được tình yêu Tổ quốc say đắm trong một tâm hồn thức tỉnh. Đây là thời kỳ sáng tác sung sức nhất của nhà thơ.
Tuy nhiên, vào giai đoạn cuối đời tâm hồn dễ nhạy cảm của Esenin vẫn không tạo được sự cân bằng, ông vẫn chưa thực sự chủ động nhập cuộc vào những biến đổi lớn lao của đất nước. Trường ca Con người tăm tối (1925) và nhiều bài thơ khác thể hiện sự bối rối trong tâm hồn ông. Có thời kỳ ông đi vào bí hiểm, chịu ảnh hưởng của tôn giáo, của chủ nghĩa Biểu tượng và trở lên trừu tượng. Nhưng nhìn chung toàn bộ sự nghiệp sáng tác của Esenin là sự giản dị, trong sáng, sự rung động và uyển chuyển, lời thơ đẹp đến mức cổ điển và hết sức tinh tế. Thơ Esenin như là chính nước Nga với cây bạch dương bên cửa sổ căn nhà gỗ có ngọn lửa ấm. Đó là Kinh Thánh của tâm hồn Nga, của lòng nhân từ, của đức tin vào con người. Nó sẽ muôn đời sống mãi.