Tài liệu: Lỗ Tấn (25-9-1981 - 9-10-1936)

Tài liệu
Lỗ Tấn (25-9-1981 - 9-10-1936)

Nội dung

LỖ TẤN (25-9-1981 - 9-10-1936)

 

Ông là nhà văn cách mạng nổi tiếng của Trung Quốc. Tên thật là Chu Thụ Nhân, tên chữ là Dự Tài, quê tại Phủ Thiệu Hưng tỉnh Triết Giang. Ông nội là Chu Giới Phu từng làm quan đời Thanh, về sau bị cách chức, hạ ngục. Thân sinh là Chu Bá Nghi, lâm bệnh, không thuốc thang chạy chữa, mất năm Lỗ Tấn 16 tuổi. Mẹ là một phụ nữ nông thôn trung hậu, kiên nghị. Bút danh Lỗ Tấn lấy là từ họ mẹ. Từ 6 đến 17 tuổi, học ở trường tư thục quê nhà. Đọc hầu hết thư tịch cổ điển Trung Quốc, đặc biệt ham đọc dã sử, thích nghe kể chuyện truyền thuyết, thích xem kịch và tranh dân gian. Thị hiếu và sở trường văn nghệ của ông được hình thành một phần từ đó. Vì gia đình sa sút, có điều kiện đi lại với con em nông dân lao động, Lỗ Tấn đã ''Bú được sữa sói rừng'' mà lớn lên, dần dần trở thành ''đứa con bất hiếu" của gia tộc phong kiến ''kẻ tôi hai lòng" của giai cấp thân sĩ. Bấy giờ, Trung Quốc đang có những biến động kịch liệt: chính quyền Mãn Thanh đầu hàng đế quốc, phong trào yêu nước phát triển rầm rộ. Lỗ Tấn từ giã gia đình và quê hương, tìm đường cứu nước. 18 tuổi đến Nam Kinh, thi vào Thủy sư học đường (đào tạo nhân viên hàng hải), hai năm sau thi vào Khoáng lộ học đường (đào tạo kỹ sư mỏ). Những kiến thức khoa học mới đã mở rộng tầm mắt, nhất là đã thay đổi nếp nghĩ của Lỗ Tấn; ông bắt đầu hoài nghi truyền thống cũ, hướng đến sự cải cách. Tiếp thu tiến hoá luận của Darwin, vận dụng nó để lý giải những vấn đề xã hội, hình thành quan điểm “sinh mệnh lớp sau bao giờ cũng có ý nghĩa hơn, hoàn thiện hơn lớp trước”, ông đã ca ngợi sự đổi mới, chủ trương vươn lên, căm ghét truyền thống trì trệ. 1902, được cử sang du học ở Nhật Bản. Ông vào ngành y, muốn dùng y học để cứu nước, trước hết là cứu những người vì dốt nát, mê tín mà chết oan như bố ông. Ông tham gia Quang phục hội - tổ chức cách mạng của Tôn Trung Sơn. Sau đó, Lỗ Tấn bỏ ngành y chuyển sang làm văn nghệ vì ông nghĩ rằng chữa bệnh về thể xác còn chưa quan trọng bằng chữa bệnh về tinh thần. Ông phiên dịch, giới thiệu các nhà thơ dân chủ và cách mạng như Byron, Sêli, Pushkin, Lécmôntov, v.v... mượn ''ý chí phản kháng” “quyết tâm hành động” của họ để thuyết phục dân tộc. Năm 1909 về nước dạy học và hăm hở tham gia cách mạng Tân Hợi. Vì cuộc cách mạng này không đem lại sự thay đổi đáng kể, Lỗ Tấn không khỏi thất vọng và “trầm tư”. Cách mạng tháng Mười Nga đã rung động sâu sắc tâm hồn Lỗ Tấn. Ông viết tác phẩm Nhật ký người điên (1918), đó là bài hịch chống lễ giáo và đạo đức phong kiến, mở đầu cho phong trào văn học cách mạng Ngũ tứ. Tiếp theo là nhiều truyện ngắn khác, sau này tập hợp lại trong hai tập Gào thét Bàng hoàng. Lỗ Tấn còn viết hàng loạt bài tạp văn lên án chủ nghĩa đế quốc, chế độ phong kiến và chính quyền phản động, đồng thời tham chỉ đạo phong trào yêu nước của thanh niên. Là giáo sư của trường Đại học Bắc Kinh, ông đã lãnh đạo sinh viên lập các nhóm văn học, xuất bản báo và tạp chí cổ động cách mạng. Ông trở thành lãnh tụ tư tưởng của thanh niên thời bấy giờ. 1926, bị chính quyền phản động truy bức, rời Bắc Kinh đến Hạ Môn. 1927, rời Hạ Môn đến Quảng Châu, lúc đó là căn cứ địa cách mạng, ông dạy học ở trường Đại học Trung Sơn và có quan hệ chặt chẽ với tổ chức Đảng cộng sản. Tháng Tư 1927, Tưởng Giới Thạch khủng bố Đảng cộng sản và các tổ chức cách mạng trong mặt trận thống nhất. Lỗ Tấn phẫn nộ từ chức. Quan điểm tiến hóa bị phá sản, ''con đường tư tưởng trước kia do đó đã tan tành" (tựa Tam nhàn). Sự thực đẫm máu đã giúp Lỗ Tấn xác nhận quan điểm giai cấp của chủ nghĩa Marx - Lénine: "Thoạt đầu chỉ là căm giận cái giai cấp quen thuộc ấy, không mảy may nuối tiếc sự diệt vong của nó; về sau, do bài học của sự thực mà thấy rằng: duy chỉ có giai cấp vô sản đang trưởng thành mới có tương lai" (tựa Hai lòng), Tháng Mười 1927, do có nguy cơ bị ám hại, Lỗ Tấn rời Quảng Châu đến Thượng Hải. Ông tập trung tất cả sức lực vào việc tổ chức và lãnh đạo phong trào văn học cách mạng, xuất bản nhiều tạp chí giới thiệu lý luận văn nghệ Mácxít, đề xướng và lãnh đạo cuộc vận động và phát triển tranh khắc gỗ, hướng dẫn, giúp đỡ những người viết trẻ tuổi. Tháng Năm 1930, Liên minh các nhà văn cách tả thành lập. Lỗ Tấn đứng ra chủ trì, và chiến đấu ngoan cường để bảo vệ nền văn học vô sản còn non trẻ. Ông trở thành người thầy của nền văn học vô sản Trung Hoa. Trong thời gian này Lỗ Tấn còn sáng tác chín tập tạp văn và tập truyện ngắn lấy đề tài trong lịch sử: chuyện cũ viết lại. Khi Lỗ Tấn qua đời, bất chấp sự ngăn cấm và đàn áp của chính quyền phản động, nhân dân và giới văn nghệ sĩ đã làm lễ an táng ông rất trọng thể. Quân chúng Thượng Hải đã phủ lên quan tài ông một lá cờ thêu ba chữ “dân tộc hồn” (Linh hồn dân tộc).

(Trích trong Từ điển văn học – NXB KHXH, 1983)




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/1060-02-633389495307690778/Danh-nhan-van-hoa-va-nhung-nha-van-noi-ti...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận