ANTON PAVLOVITS TSEKHOV (1860 - 1904)
NHÀ VĂN NGA NỔI TIẾNG
Tsêkhôv sinh ngày 29 tháng 1 năm 1860 tại Tagranrốc, bên bờ Biển Adôv, trong một gia đình cựu nông nô và buôn bán tạp hóa nhỏ, bị phá sản. Gia đình đông anh em, kinh tế khó khăn. Ông vượt mọi thiếu thốn, quyết tâm học tập. Vào học Đại học Y nhưng say mê văn học. Bắt đầu sáng tác năm 20 tuổi, năm 24 tuổi, tốt nghiệp đại học, trở thành Bác sĩ nông thôn. Tsêkhôv có một tâm hồn dịu dàng và trong sáng. Được tiếp xúc với mọi tầng lớp nhân dân, ông thông cảm với đau khổ của họ. Không chỉ chữa bệnh về thể xác, ông dùng văn học để chữa bệnh ''tinh thần'' cho họ. Với ngòi bút hiện thực phê phán thấm đượm chất hài hước trào lộng, ông trở thành nhà văn lớn của Nga ở thế kỷ XIX. Ông dùng ngòi bút của mình để phê phán, tố cáo xã hội đấu tranh cho mọi lớp người cùng khổ. Với những cống hiến lớn lao, năm 1900, ông được bầu làm Viện sĩ danh sự Viện Hàn lâm khoa học Nga. Vợ ông là nghệ sĩ Olga Cơnipe của nhà hát nghệ thuật Moskva. Ông mất ngày 15 tháng 7 năm 1904, vì bệnh lao phổi tại thành phố nhỏ của nước Đức.
Lĩnh vực nghệ thuật mà ông có đóng góp to lớn là sân khấu và truyện ngắn. Ông được xem như là nhà viết truyện ngắn thiên tài bậc nhất của Nga. Có năm ông viết tới hàng trăm truyện. Truyện của Tsêkhôv phong phú về số lượng, sâu sắc, hấp dẫn về nội dung phản ánh, điêu luyện và tinh tế về ngôn ngữ diễn đạt, giản dị và chặt chẽ trong kết cấu. Trong tác phẩm của ông có hàng nghìn nhân vật khác nhau, thuộc mọi tầng lớp, giai cấp, thành phần xã hội, với mọi phẩm chất vốn có của con người, từ cao thượng tới thấp hèn, từ anh hùng đến ti tiện, từ đẹp đẽ tới xấu xa, từ sang trọng tới bần tiện. Bao trùm lên các truyện là một không khí hài hước, trào lộng hóm hỉnh mà sâu sắc. Ông phê phán những thói ti tiện, tâm lý nô lệ của con người: Anh béo anh gầy (1883), Cái chết của một viên chức (1883). Ông châm biếm chế độ cảnh sát của Nga hoàng: Lão quân Brisibâyev (1885), Con kỳ nhông (1884). Ông tố cáo chế độ nhà tù hà khắc: Đảo Xakhalin (1893). Ông chế nhạo bọn tư sản ăn bám, hay giới trí thức thờ ơ với cuộc sống: Người trong bao (1898). Truyện của Tsêkhôy hướng về những ''con người bé nhỏ'', những cuộc đời tủi nhục, ảm đạm, những tâm trạng tù túng, những khát vọng giải phóng, sự giằng xé đau đớn về tình yêu và nhân phẩm: Nỗi buồn (1886), Vanka (1886), Phòng số 6 (1892), Người đàn bà có con chó nhỏ (1899)… Tsêkhôv nói lên khát vọng của giới trí thức dân chủ, lên án giai cấp tư sản, tâm trạng của thanh niên Nga trong những những ngày đen tối... Nhìn chung, truyện ngắn Tsêkhôv đề cập tới nhiều lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội Nga cuối thế kỷ XIX. Tác phẩm của ông phản ánh cái không khí nước Nga ảm đạm, trong đêm trước của những giông bão cách mạng sắp nổi lên, khi những ''con người bé nhỏ" rũ bỏ quá khứ, làm lại cuộc đời.
Tsêkhôv còn là nhà cách tân nghệ thuật sân khấu Nga lỗi lạc với những vở kịch xuất sắc như Cậu Vania (1897), Chim Hải âu (1896), Vườn anh đào (1904), Ba chị em (1901)... ông đã làm thay đổi diện mạo của sân khấu Nga, bằng cách đưa vào kịch những hình thức diễn đạt, những xung đột kịch, những hành động mới mẻ, trong những làn sóng ngầm của diễn biến tâm lý nhân vật đầy kịch tính, làm cho kịch thấm đậm yếu tố trữ tình và yếu tố tâm lý.