OSCAR WILDE (1854 - 1900)
NHÀ VĂN DUY MỸ ANH
Oscar wilde sinh ngày 6 tháng 10 năm 1854. Ông là con trai của một bác sĩ người Ailen. Thuở thiếu thời theo học ở các trường trung học Trinity, Đablin thuộc Ailen, sau đó vào học trường Đại học Tổng hợp Oxford, trường đại học danh tiếng nhất của Vương quốc Anh. Tại đây, ông đã có điều kiện thực hiện ước nguyện từ lâu là sáng tác văn học. Ông cho ra đời tập thơ đầu tay có tên là Thơ (1882). Trong tập thơ này, ít nhiều ông cũng đã tỏ ra xa lánh hiện thực cuộc sống, mà thích săn tìm cái đẹp trong thế giới tâm hồn con người. Sau khi đã xuất bản tập thơ trên ông đi du lịch tại nước Mỹ một thời gian khá dài. Ở đây, ông đã hào hứng tham dự các hội nghị về phong trào Mỹ học Anh và được dịp trình bày lập trường mỹ học của mình. Qua các ý kiến cũng như hoạt động mỹ học cho thấy, ông trước sau đề cao thế giới chủ quan con người, vẻ đẹp thuộc tâm hồn con người hơn là thế giới khánh quan bên ngoài. Ông coi nghệ thuật chỉ có thể phản ánh đúng hiện tượng và bản chất của đời sống khi nào biết hướng vào miêu tả thế giới tinh thần của con người.
Wilde sáng tác trên hai thể loại chính: tiểu thuyết và kịch, trong đó thành công hơn cả ở lĩnh vực tiểu thuyết. Ngoài cuốn tiểu thuyết Xelômơ(1893), phải kể đến cuốn Chân dung Đôrian Grây là tác phẩm xuất sắc nhất của ông. Tác phẩm tập trung miêu tả nhân vật chính là chàng trai trẻ Đôrian Grây, có một gương mặt và thân hình rất đẹp, chàng trai có một mong ước là sẽ được trẻ đẹp mãi mãi. Đáp lại nguyện vọng này, họa sĩ tài danh Hônoat đã vẽ cho chàng một bức chân dung thần kỳ. Nhờ bức chân dung này, một mặt đã giữ cho chàng được trẻ và đẹp mãi, mặt khác nó cũng phản ánh trung thành những biến cố của cuộc đời chàng với tất cả những tội lỗi xấu xa mà chàng mắc phải. Qua hình tượng nhân vật Đôrian Grây, tác giả muốn gửi gắm một ý tưởng rằng, nghệ thuật phản ánh chân thực nhất tâm hồn con người, cũng tức là phản ánh được bản chất của sự sống thực tại; hay nói cách khác, nghệ thuật không phản ánh hiện thực xã hội mà hiện thực xã hội phải đi tìm nghệ thuật, nghệ thuật là tối thượng.
Ngoài tiểu thuyết ra, Wilde còn viết kịch. Các bài kịch Chiếc quạt của bà Oaiđơmơ (1892), Người đàn bà tầm thường (1893), Người chồng lý tưởng (1895) tập trung vào đề tài gia đình thương lưu quý tộc Anh. Ông coi trọng các thủ pháp gây cười nhẹ nhàng, hóm hỉnh, ngôn ngữ đối thoại và thủ pháp sân khấu... tuy hài kịch của ông hướng tới cái đẹp, song ít nhiều cũng có giá trị phê phán xã hội thượng lưu quý tộc tư sản đương thời.
Quan điểm nghệ thuật duy mỹ của ông đã có lúc được tuyên ngôn là “nghệ thuật vị nghệ thuật” xuất phát từ thái độ chán ghét thực tại, mong ước cuộc sống tốt đẹp hơn. Chính vì thế mà những năm cuối đời, tư tưởng ông ngả về các lý tưởng của chủ nghĩa xã hội, với một kỳ vọng sẽ có một xã hội công bằng, hợp lý hơn, con người phát triển toàn diện hơn.
Năm 1897, ông cùng gia đình sang cư trú ở Paris và mất tại đó sau ba năm (ngày 20 tháng 11 năm 1900).