Tài liệu: Émile Zola (1840 - 1902) nhà văn hiện thực Pháp

Tài liệu
Émile Zola (1840 - 1902) nhà văn hiện thực Pháp

Nội dung

ÉMILE ZOLA (1840 - 1902) NHÀ VĂN HIỆN THỰC PHÁP

 

Emile Zola sinh ngày 2 tháng 4 năm 1840. Ông là nhà văn hiện thực lớn theo trường phái tự nhiên chủ nghĩa của nước Pháp cuối thế kỉ XIX. Sinh tại Paris nhưng thời niên thiếu sống nhiều năm ở Prôvăngxơ. Cha là Francois Zola, gốc Italia, một kĩ sư tài năng. Năm Zola lên 7 tuổi thì người cha qua đời. Năm 18 tuổi, gia đình chuyển lên sống ở Paris. Vì nhà nghèo, ông sớm phải bỏ học, sau đi phụ việc đóng hòm, bọc sách cho hiệu sách Haset. Năm 24 tuổi ông mới cho in tập truyện ngắn đầu tay. Do tiếp nhận ảnh hưởng của khoa học tự nhiên đương thời, sáng tác của Zola thiên về cái nhìn phân tích, khảo tả kỹ lưỡng tâm trạng con người thực tế và xã hội. Khi nổ ra Cách mạng Công xã Paris (năm 1871), Zola đang ở thành phố Marseille và tỏ thái độ ủng hộ các chiến sĩ Công xã. Năm 1872, trong chuyến đi Nga, Zola quen biết nhà văn lớn Turgénev (1811- 1883) và được giới thiệu làm phóng viên ở Paris cho một tờ báo Nga trong suốt 6 năm. Khi viết tiểu thuyết, Zola thường coi trọng các chi tiết sự thật, đã từng xuống hầm lò với công nhân và khảo sát, kiểm chứng từng thứ giá cả ngoài chợ. Hằng ngày ông làm việc từ ba giờ sáng đến tận đêm khuya. Ngoài sáng tác, Zola còn viết nhiều báo và chuyên khảo về chủ nghĩa tự nhiên. Đương thời Zola còn gắn với một sự kiện chính trị vang dội Châu Âu: vụ án quy kết Đrêphuyx can tội do thám. Zola đã dấn thân vào sự kiện chính trị này và dũng cảm tố cáo hành động quy chụp đầy dã tâm ấy. Ngày 13 tháng Giêng 1898, Zola vạch trần sự thật bằng bài Tôi kết tội trên báo Bình minh. Sau đó ông bị phạt tiền và bị kết án một năm tù, sau lại được xóa án. Đến tháng Bảy 1898, Zola lại bị kết án một lần nữa nên đã trốn sang Anh đến năm 1899 mới trở về Pháp. Sau ông bị chết ngạt bởi hơi thán khí tại nhà riêng ở Paris.

Sáng tác của Zola để lại còn khoảng sáu chục tác phẩm bao gồm nhiều thể loại: tập truyện Truyện kể cho Nanông (1864); các tiểu thuyết Teredơ Racanh (1867); Mađơlen Phêra (1863); Gia đình Rugông-Macca (1871 - 1893); Ba thành phố; Bốn cuốn phúc âm (1893 - 1902); và các chuyên khảo lý luận về chủ nghĩa tự nhiên như: Tiểu thuyết thực nghiệm (1880); Những nhà tiểu thuyết tự nhiên chủ nghĩa (1881)…

Nổi bật nhất trong số các tác phẩm của Zola là bộ tiểu thuyết Gia đình Rugông-Macca gồm 20 cuốn, được viết ròng rã suốt một phần tư thế kỷ. Ở đây tác giả cho trình diễn tới trên 1200 nhân vật, mỗi cuốn kể lại tương đối hoàn chỉnh cuộc đời của một vài nhân vật trong dòng họ Rugông hoặc Macca và có một số ít nhân vật xuất hiện lại trong cuốn sau. Qua bộ sách lớn này, Zola muốn giải thích bằng sự nghiên cứu vấn đề di truyền, quá trình chuyển đổi, suy vi của cả hai dòng họ, từ đó khái quát thành những vấn đề lớn của thời đại. Có điều cùng với sự phản ánh hiện thực là sự tô đậm chủ nghĩa tự nhiên, hệ quả tất yếu của cách nhìn duy về khảo sát, khảo tả. Trong số 20 cuốn sách liên hoàn này phải kể đến các tập tiêu biểu như: Thời vận gia đình Rugông, Tiền, Nara, Cái bụng Paris, Con vật người, Quán rượu, Giecmina.

Là một tài năng xuất sắc của những khối mâu thuẫn lớn, Emile Zola xứng đáng được đánh giá cao. Chỉ riêng bộ sách Gia đình Rugông-Macca đã được văn hào Nga Gorki (1868-1936) coi là bản anh hùng ca của sự tranh đoạt.

 




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/1060-02-633389487270034528/Danh-nhan-van-hoa-va-nhung-nha-van-noi-ti...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận