GUSTAVE FLAUBERT (1821 - 1880)
NHÀ VĂN HIỆN THỰC LỚN NƯỚC PHÁP
Gustave Flaubert (Gustavơ Phlôbe) sinh ngày 21 tháng Chạp 1821 tại Ruăng, một tỉnh lẻ của nước Pháp, cha làm thầy thuốc giải phẫu. Năm 18 tuổi, ông lên Paris học ngành luật, song lại ôm ấp mộng ước sáng tác văn chương. Tại đây, ông đã chủ động làm quen và giao du với một số văn nghệ sĩ, bắt tay vào thử bút. Sau khi cha mất (1845), Flaubert rời Paris về ở hẳn dinh thự gần Ruăng, thỉnh thoảng lại lui tới Paris thăm bạn bè hoặc khi có công việc. Ban đầu, ông viết truyện Xmar (1849) dựa trên một bút pháp lãng mạn thuần tuý rồi đem đọc cho bạn bè nghe. Nhiều người khuyên ông nên lấy đề tài từ cuộc sống thực tại để viết. Ông ngẫm nghĩ lại rồi nghe theo những lời khuyên, nung nấu ý đồ nghệ thuật và lao động cật lực say mê. Sau 7 năm, ông cho ra đời tiểu thuyết Bà Bôvary (1856) dựa trên một tinh thần hiện thực nghiêm ngặt nhất. Cuốn tiểu thuyết đã gây chấn động dư luận đương thời. Toàn bộ tác phẩm là sự lên án gay gắt cuộc sống trưởng giả, tầm thường, dung tục thời Đế chế II, nó đối lập với những ước mơ lãng mạn song cũng có phần tầm thường của nữ nhân vật Emma bà Bôvary. Nhân vật đàn bà này là kiểu mẫu của sự thoái hóa, sa đọa, không tránh khỏi trong một môi trường sinh hoạt xã hội dung tục. Do sức nặng tố cáo của tác phẩm Flaubert đã bị toà án Đế chế đưa ra xét xử vì tội ''Xúc phạm đến đạo đức xã hội và tôn giáo''. Đồng thời các nhà dược sĩ tầm thường vùng hạ lưu sông Seine đều phát uất lên và đòi đánh tác giả vì họ cảm thấy mình bị ám chỉ, trong nhân vật Ôme - một dược sĩ thuộc phái tự do tư sản vừa ngu dốt vừa hợm mình, khoa trương, vừa thủ đoạn làm giàu bất chính. Tiểu thuyết Bà Bôvary được viết ra với một bút pháp hiện thực nghiêm ngặt “khách quan”, để các nhân vật và biến cố tự nói chứ không xen cảm xúc của người viết, và với một trình độ ngôn ngữ tinh vi, trong sáng đến kỳ lạ. Không chỉ với tác phẩm này, mà ở mọi tác phẩm khác, ông bao giờ cũng chú trọng đặc biệt đến sự hoàn thiện của hình thức nghệ thuật. Ông sửa đi sửa lại các trang bản thảo nhiều lần, cho đến khi cảm thấy không thể sửa hơn được nữa mới thôi. Flaubert là một nhà văn lao động nghiêm túc đáng kính. Ông đã có công trực tiếp dìu dắt nhà văn Guyde Maupassant ở những bước đi đầu tiên, khi mới chập chững bước vào làm văn. Tài năng và nhân cách nghệ sĩ của Flaubert mãi là tấm gương sáng của thời đại.
Ngoài cuốn tiểu thuyết danh tiếng Bà Bôvary ra, ông còn viết các cuốn tiểu thuyết khác như Xalambô (1862), Giáo dục tình cảm (1869), Ba truyện (1887), Buva và Peccuysê đang còn dang dở và một số truyện ngắn khác. Trong số này, có bốn đến năm cuốn là đỉnh cao của ông và cũng là đỉnh cao của tiểu thuyết hiện thực Pháp nửa sau thế kỷ XIX. Tầm vóc của tác phẩm nghệ thuật và nhân cách nghệ sĩ của Flaubert đã đưa ông vào hàng những đỉnh cao của nền văn học thế giới.