CHARLES BAUDELAIRE (1821 - 1867)
NHÀ THƠ PHÁP NỔI TIẾNG
Charles Baudelaire(Sarlơ Bôđơlerơ) sinh ở thủ đô Paris trong một gia đình khá giả, song Baudelaire sớm chịu thiệt thòi vì vừa mới sáu tuổi đã mồ côi cha. Mẹ đi lấy chồng, Baudelaire được gửi vào một trường nội trú trung học ở Lyon, sau chuyển lên Paris. Năm 1841, mẹ và bố dượng Baudelaire sang Ấn Độ, nhưng chỉ được một thời gian sau lại trở về Pháp. Từ đây ông sống trong cảnh vất vả và bắt đầu sáng tác. Ngoài một số thơ và tiểu luận phê bình, dịch thơ Edger Pô, ... Baudelaire sáng tác không nhiều. Năm 1848 Baudelaire hân hoan chào đón cách mạng tư sản dân quyền Pháp, nhưng niềm vui bồng bột chẳng kéo dài bao lâu. Baudelaire trở lại là con người trầm lặng, sống nghèo khổ, tật bệnh. Chán chường, ông tìm đến rượu, thuốc phiện và những chuyến phiêu lưu dài, ngắn khác nhau. Năm 1864, ông từ Bỉ trở về Pháp. Những năm cuối đời, Baudetaire sống cùng cực bởi sự túng thiếu và bệnh bại liệt.
Tác phẩm của Baudelaire còn lại không nhiều. Sinh thời ông chỉ mới cho xuất bản tập thơ hoa Những bông hoa tội ác (Fleurs du mal, 1857) gồm 100 bài, trong đó có 48 bài đã đăng trên các báo. Năm 1861, ông cho tái bản có bổ sung thêm 32 bài mới. Sau khi ông qua đời, tập thơ tiếp tục được in lại (có thêm 25 bài thơ mới sưu tập) và được dư luận coi như một hiện tượng lạ trên thi đàn. Tiếp đó, các phần di cảo Nhật ký và Những bài thơ văn xuôi nhỏ (1869) cũng ra mắt bạn đọc.
Mặc dù số lượng tác phẩm không nhiều, song thơ Baudelaire có ý nghĩa cách tân, sự thể nghiệm, sự bừng mở các giác quan trong ý thức nghệ thuật. Thơ ông là cả một dòng cảm xúc mạnh mẽ, sự lan tỏa của cảm giác, sự tương ứng giữa các giác quan với âm thanh, hương vị, màu sắc, nhạc điệu. Quan niệm ''tương ứng các giác quan'' của Baudelaire luôn được kết hợp với bình diện tương ứng khác mang tính chất siêu hình: tương ứng giữa ''Thế giới quan nhìn thấy'' với “Thế giới quan không nhìn thấy”. Từ thế giới "Tự nhiên - Ngôi đền'', trạng thái tinh thần cái ''tôi'' nhà thơ như thoát về phía Siêu nhiên: vút bay lên tận những vùng trời tươi sáng và thanh bình (Lên cao- Elévation). Về sau này, Baudetaire được coi là nhà thơ mở đầu cho trường phái thơ Tượng trưng của Pháp, với sự tiếp nối của những Mallarmê, Verlaine, Rimbaud, Valery... ở Việt Nam, thơ ông có ảnh hưởng mạnh mẽ tới nhiều nhà thơ trong phong trào Thơ mới như Xuân Diệu, Huy Cận, Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, Vũ Hoàng Chương, Bích Khê,… đặc biệt với bài Huyền Diệu của Xuân Diệu - được coi như sự gặp gỡ, tiếp nối giữa thơ ca phương Đông và phương Tây, giữa thơ ca Cận - Hiện đại Việt Nam với một dòng thơ tiêu biểu của Pháp thế kỷ XIX.