PHEĐOR MIKHAILOVITS ĐOSTOIEVSKI (1821 - 1881)
NHÀ VĂN VĨ ĐẠI NHÀ TÂM LÝ THIÊN TÀI
Cách đây 175 năm, ngày 11 tháng Mười một 1821, Pheđor Mikhailovits Đostoievski (Ph.M.Đôstôievski) nhà văn thiên tài tương lai của nước Nga, đã cất tiếng khóc chào đời tại nhà thương làm phúc của một Bác sĩ ở Moskva.
Năm 1831, bố mẹ Đôstoievski với đàn con cái, đã mua và dọn về một ngôi nhà tồi tàn ở nông thôn. Đó là một địa phương nghèo xơ xác. Cuộc tiếp xúc đầu tiên với nông thôn từ tuổi ấu thơ của Đôstoievski là cuộc tiếp xúc với sự khốn cùng và cảnh chết chóc. Ngay từ năm lên mười, Đôstoievski đã biết được mặt trái đen tối của cuộc đời hơn nhiều bạn cùng lứa tuổi.
Đôstoievski cũng còn giữ trong tâm trí kỷ niệm tốt đẹp của thời đi học ở trường nội trú, nơi mà cậu đã vào học từ năm 1834. Ở đây, có những nhà sư phạm tốt giảng dạy và môn văn học đã được chú trọng nhiều. Các bạn cùng học còn nhớ Đôstoievski là một cậu bé tóc vàng hoe, nghiêm nghị và trầm ngâm, hễ rỗi lúc nào là lại cầm đến sách.
Sau khi bà mẹ mất, ông bố liền cho các con trai lớn vào học ở trường công binh ở Petersbourg nên Đôstôievski đã phải làm một cuộc hành trình dài để tới kinh đô. Nhiều năm sau đó, khi viết tiểu thuyết Tội ác và trừng phạt, Đôstôievski đã ghi vào bản thảo: “điều sỉ nhục đầu tiên đối với tôi là con ngựa và người coi trạm”. Đấy là hồi ức của nhà văn về chuyến đi hồi đó: cậu thanh niên đã thấy người coi trạm đánh đập người phu ngựa như thế nào và ông này sợ hãi, quất lấy quất để vào con ngựa. Ngay từ hồi ấy, nỗi đau khổ của người khác đã làm cho nhà văn tương lai xúc động, ông coi niềm đau khổ đó như chính của mình. Phẩm chất tốt đẹp đấy trong tâm hồn của Đôstôievski đã đưa ông đến sự việc bi thảm, xảy ra mấy năm sau khi ông tới Petersbourg và làm đảo lộn cuộc đời ông.
Con đường tiến thân của người kỹ sư công binh không hề lôi cuốn Đôstôievski.
Không bao lâu sau, Đôstôievski xin từ chức và hoàn toàn chỉ làm công việc lao động của nhà văn. Đôi khi cuộc sống của ông không được yên ổn: túi rỗng tiền không. Trong những ngày đó ông đã phải chạy vạy làm quen với cái thế giới của bọn cho vay nặng lãi. Trong hoàn cảnh như vậy, Đôstôlevski vẫn là một người yêu đời và yêu người, đôi khi say mê, cuồng nhiệt và bồng bột.
Năm 1845, Đôstôievski viết xong truyện đầu tiên Dân nghèo (Bednưie liudi). Với tác phẩm này, nhà văn trẻ đã mở ra một trang mới trong lịch sử văn học Nga, khi ông chỉ ra rằng đối với các nhân vật khốn quẫn và cao thượng ở trong truyện của ông thì sự tàn nhẫn của chế độ hiện hành còn đáng sợ hơn sự nghèo đói. Trong truyện này, Đôstôievski đã bênh vực quyền con người có được những tình cảm cao cả, dù cho người đó có là hạng cùng đinh ở bậc thang thấp nhất trong xã hội nước Nga thời Nga hoàng. Nhân vật chính của Dân nghèo Maca Đevuskin là nhân vật tích cực đầu tiên của Đôstôievski, theo sau là Công tước Muskin và những người khác - những người đi tìm hạnh phúc và công bằng.
Truyện này đã được các lãnh tụ của nền văn học tiến bộ Nga thời bấy giờ là Nhêkrasôv và Bielinski nhiệt liệt tán thưởng, và sau khi công bố đã làm cho các giới xã hội Nga khác nhau đều chú ý tới nhà văn trẻ. Từ đó, trong vòng bốn năm, tiếng tăm của Đôstôievski không ngừng lan rộng.
Song chỉ hoạt động văn chương không thôi thì không làm cho ông thỏa mãn, nên khi miêu tả xã hội tàn khốc ông đã có ý muốn thay đổi nó trở nên tốt hơn. Lôgic của sự việc đã đưa Đôslôievski đến chỗ gia nhập nhóm Pêtrashevski - một xã hội cấp tiến, mà hội viên là những người tuyên truyền học thuyết của nhà triết học Pháp Fourier (Phuriê). Tương lai nước Nga được họ hình dung như là xứ sở của bình đẳng và bác ái.
Hồi đó là năm 1848. Các cuộc cách mạng đã nổ ra ở châu Âu Nga hoàng Nicôlai I, tên sen đầm chính của châu Âu, khi nghe tin chế độ quân chủ ở Pháp bị lật đổ, đã kêu lên: Hỡi các ngài, hãy đóng yên cương ngựa! Chế độ cộng hòa đã được thiết lập ở Pháp! Bóng ma của chế độ cộng hòa đã làm hắn run rẩy và y liền ra lệnh khủng bố thẳng tay nhóm các môn đồ Fourter.
Tiếng gươm giáo loảng xoảng đã đánh thức Đôstôievski dậy giữa đêm khi bọn sen đầm xông vào đánh ở trong buồng. Dưới đường chúng điều xe đến đợi sẵn. Chúng bắt nhà văn, giải tới pháo đài Petrôpavlốv, nhà ngục khủng khiếp nhất của nước Nga. Trên bàn vẫn còn bản thảo cuốn tiểu thuyết Nêtôisca Nêxôvanôva viết dở dang mà sau này không bao giờ được viết tiếp nữa.
Cuộc thẩm xét đã cho thấy rằng những người bị bắt không có âm mưu lật đổ chính phủ, tuy vậy 21 người thuộc nhóm Petrashevski vẫn cứ bị kết án tử hình. Trong số đó có cả nhà văn Đôstôievski. Song đem hành hình những người Petrashevski thì không phải dễ. Thậm chí ngay cả công tố tối cao cũng thỉnh cầu với Nga hoàng thay án tử hình bằng hình phạt khác, vì nhóm này đã không có hoạt động gì gây tai hại cho Nhà nước cả. Nga hoàng Nicôlai I đã đồng ý hạ án xuống khổ sai với một điều kiện tàn ác là chỉ đến khi đưa ra pháp trường và khi lính giương súng bắn ngắm vào những người bị án tử hình thì mới được công bố lệnh giảm án.
Các tù nhân bị khép án tử hình phải trải qua những phút kinh hoàng, căng thẳng chờ chết, để rồi trở thành tù khổ sai. Họ đã phải sống trong những điều kiện không thể chịu đựng nổi. Đôstôievski, con người gầy gò và yếu đuối luôn phải đeo xiềng xích suốt bốn năm đằng đẵng. Ông đã phải nung gạch, nội trong nước lạnh buốt để bốc dỡ hàng từ sà lan lên và làm mọi việc nặng nhọc. Sau bốn năm ấy, ông bị đưa đi làm lính ở thị trấn Xêmipalatinxcơ heo hút, sa mạo. Cái gì mà hạn tù khổ sai hành hạ ông chưa đủ thì cuộc đời quân dịch này làm nốt. Lại năm năm nữa trôi qua như là một cực hình vô tận. Đôstôievski tuy bị tàn tạ về thể chất song vẫn không ngã lòng. Ông viết cuốn Bút kí ở nhà chết (1861) một quyển sách lớn đầu tiên nói lên sự thật về tù khổ sai, về những con người bị chế độ hủy hoại, về những tội nhân và những anh hùng.
Mãi đến cuối năm 1859, sau hơn 10 năm ở tù, làm khổ sai và sung vào quân dịch, cuối cùng Đôstôievski đã trở lại Petersbourg. Đôstôievski đã đau khổ tìm tòi cho mình lý tưởng và con đường đi tới sự hoàn thiện của con người, tìm lối thoát ra khỏi những sự cùng cực và bất công của cuộc đời. Nhân vật của ông rất nhiều hạng người, từ những người ở lớp đáy của thành thị đến những kẻ nắm quyền sinh quyền sát, song nhiều hơn cả cũng như trong buổi đầu của con đường sáng tác của ông, vẫn là trong đám người nghèo và cái nền của phần lớn trong tác phẩm của ông là Petersbourg u ám, lạnh lùng, tàn nhẫn.
Năm năm sau, Đôstôievski cho ra đời tiểu thuyết Tội ác và trừng phạt (1865-1866), một kiệt tác hoàn chỉnh và sâu sắc nhất đề cập đến nhiều số phận khác nhau đã và sẽ còn làm rung động độc giả trên khắp thế giới.
Song tiếng tăm và vinh quang vẫn không cứu được Đôstôievski thoát khỏi những tấn thảm kịch trong đời tư và sự nghèo túng luôn đe dọa. Thỉnh thoảng cơn động kinh lại trỗi dậy hoành hành ông dữ dội. Sau cái chết của người vợ thứ nhất, một cô gái ho lao nghèo khổ lấy trong thời kì lưu đày; Đôstôievski lấy cô thư ký tốc ký của mình, trẻ hơn ông 26 tuổi. Người vợ sau mang lại cho ông đôi chút an ủi, nhất là thời gian chục năm cuối đời...
Để trốn chủ nợ, vợ chồng nhà văn phải bỏ nước Nga sống vất vưởng ở Đức, Pháp, Anh, Italia. Đứa con gái sinh ra chỉ sống được vài ngày, nhà văn đau khổ gần như phát điên... Sinh thêm một cô con gái nữa, bệnh động kinh lại nặng thêm. Trong cảnh cùng quẫn, ông đánh bạc ăn may và đêm đêm viết sách gửi bản thảo về Nga. Song các nhà xuất bản vụ lợi đã tìm cách đánh lừa ông, còn các chủ nợ thì luôn luôn đe dọa nhà văn phải ngồi tù. Năm 50 tuổi, trong cảnh già nua, bệnh tật và kham khổ, ông trở về Petersbourg. Cho đến khi sắp mất, Đôstôievski vẫn phải đấu tranh chống lại cái nghèo, đã thế ông còn phải nuôi rất nhiều người thân thích. Và nhiều khi chỉ nhờ nghị lực và lòng tận tụy của vợ, bà Anna Đôstôievskaia giúp cho, ông mới khắc phục được hết đợt khó khăn này đến khủng hoảng khác.
Tuy vậy, bất chấp tất cả, Đôstôievski vẫn làm việc chép đi chép lại nhiều lần các bản thảo của ông, gọt giũa từng chữ một. Nhà văn chỉ sáng tác tất cả có mấy quyển tiểu thuyết, song di sản văn học của ông, các bản thảo, những phương án, những sổ tay đã chiếm một chỗ không nhỏ trong toàn tập Đôstôievski gồm 30 quyển. Một khối lượng lao động khổng lồ có thể sánh được với tinh thần cần cù của hai thiên tài văn học khác là Lev Tolstoi và Balzac.
Tác phẩm của Đôstôievski có Dân nghèo (1845), Những đêm trắng (1848), Bút ký ở nhà chết (1861), Những người bị lăng mạ và bị sỉ nhục (1861), Ghi chép mùa Đông về những ấn tượng mùa Hè (1863), Bút ký dưới căn hầm (1863-1864), Tội ác và trừng phạt (1865 -1866), Gã cờ bạc (1866), Thằng ngốc (1867-1868), Lũ quỷ ám (1871-1872), Gã thanh niên mới lớn (1874-1875). Tập 1 Anh em nhà Karamazốv là một bộ tiểu thuyết lớn cuối đời của ông, nó là sự tổng kết tài năng nghệ thuật bậc thầy của ông với thế giới quan đầy mâu thuẫn: trong xã hội rối loạn, điên đảo được ông miêu tả như bóng đen chụp xuống số phận mỗi con người...
Xtenlôvxki ký một hợp đồng vào năm 1865 mua tất cả các tác phẩm của Đôxtôievski với giá 3.000 rúp. Và bắt nhà văn phải viết thêm một cuốn tiểu thuyết trong vòng vài tháng. Nếu không đúng hạn, phải trả hắn một món nợ gấp đôi (H.Đ).
Đã đến lúc bắt tay vào viết tiếp tập hai của bộ anh hùng ca mà nhân vật chính sẽ là Aliôsa, một trong những anh em nhà Karamazôv. Theo ý đồ của tác giả thì nhân vật này sẽ phải đi từ Thượng đế, từ chỗ làm thầy tu, trải qua các chông gai của cuộc đời sóng gió đến chỗ có tư tưởng giết Nga hoàng. Khi đó, chỉ có tiếng tăm Lev Tolstoi mới sánh ngang với Đôstôievski. Song bị dày vò quá nhiều vì các tai ương, Đôstôievski đã không chịu nổi nữa. Và bất ngờ đối với mọi người, ngày 28 tháng Giêng năm 1881, giữa tài năng đang nở rộ và đạt đến đỉnh vinh quang thì ông đã qua đời.
Ngày nay, đánh giá đúng vai trò của Đôstôievski đối với văn học Nga và văn học thế giới, nghiêng mình trước thiên tài của nhà văn; chúng ta tất nhiên cũng hiểu sự phức tạp trong thế giới quan của ông, tính không nhất quán của triết học, ông có những quan điểm duy tâm, thần bí, song đồng thời chúng ta cố gắng không bao giờ quên lời ông nói khi về già: Mặc dầu tất cả mọi sự mất mát, tôi vẫn yêu đời nồng nhiệt, yêu đời vì đời và thật vậy tôi đang sửa soạn bắt đầu cuộc đời của mình... Đó là đặc điểm chính trong tính nết của tôi.
Đôstôievski là một nghệ sĩ lớn, một nhà tâm lý thiên tài, một nhà nhân văn sâu sắc. Ông đã nâng cao thể loại tiểu thuyết hiện thực phê phán (*). Nhà văn đã miêu tả và khai thác đến tột đỉnh về diễn biến tâm lý nhân vật trong tác phẩm của mình.
Trong những năm dưới chính quyền Xô Viết (tính đến năm 1971), ở Liên Xô đã xuất bản 260 ấn phẩm của Đôstôievski in bằng 22 thứ tiếng trên thế giới. Tổng số phát hành các lần xuất bản là 16 triệu 175 nghìn bản; 172 quyển với số lượng là 14 triệu 869 nghìn bản đã được in ra bằng tiếng Nga; 69 quyển với số lượng là 976 nghìn bản bằng tiếng các dân tộc ở Liên Xô và 19 quyển với số lượng 330 nghìn bản bằng tiếng nước ngoài.
Bộ Toàn tập Đôstôievski đầy đủ nhất gồm 30 quyển đã được xuất bản. Đó là toàn bộ di sản văn học của Đôstôievski gồm cả bản thảo, thư từ, dàn ý và phác thảo cho những tác phẩm chưa được viết ra. Lần đầu tiên đã thu được những số liệu mới, đầy đủ về các bản dịch Đôstôievski ra các tiếng nước ngoài, về việc dựng kịch và dựng phim các tiểu thuyết của ông ở nhiều nước trên thế giới.
NGUYỄN HOÀNG ĐIỆP