Tài liệu: Baudouin de Courtenay (1845- 1929) nhà ngôn ngữ học

Tài liệu
Baudouin de Courtenay (1845- 1929) nhà ngôn ngữ học

Nội dung

BAUDOUIN DE COURTENAY (1845- 1929)

NHÀ NGÔN NGỮ HỌC

 

Ivan Alesandrovits Baudouin de Courtenay là nhà ngôn ngữ học nổi tiếng của Nga và Ba Lan, Viện sĩ thông tấn Viện hàn lâm khoa học Petersbourg (1877), Giáo sư các trường Đại học Tổng hợp Cazan (1875- 1893), Kracôv ( 1893-1899), Petersbourg (1900-1918); người đặt nền móng cho trường phái ngôn ngữ học đại cương, ngôn ngữ học so sánh lịch sử, ngôn ngữ học Nga và Balan...

Gốc người Pháp nhập cư Ba Lan từ thế kỷ XVIII, Baudouin de Courtenay sinh ra ở Ba Lan, coi tiếng Ba Lan là tiếng mẹ đẻ của mình, nhưng phần lớn cuộc đời ông lại làm việc ở nước Nga (44 năm). Học trung học ở Warszawa năm 16 tuổi, Baudouin de Courtenay đã bắt đầu nghiên cứu các ngôn ngữ Slavơ, tiếng Sanscrit, tìm hiểu sinh lý học âm thanh, đồng thời hiểu và nắm vững tiếng Litva. Năm 1866 sau khi tốt nghiệp trung học, ông ra công tác ở nước ngoài. Ông học thêm ở Prâh, Yena, Berlin và vào trường Đại học Tổng hợp Petersbourg năm 1868. Tại đây, dưới sự hướng dẫn của I.I.Sreznevski, ông bắt đầu viết luận án về Tiếng Ba Lan cổ trước thế kỷ XIV và bảo vệ năm 1870. Sau khi bảo vệ luận án ông được phong phó Giáo sư và bắt đầu giảng dạy về ngữ pháp học so sánh các ngôn ngữ Ấn-Âu tại trường Đại học Tổng hợp Petersbourg. Ngay những năm đầu ở trường Đại học Tổng hợp Peterbourg, ông đã công bố công trình đầu tiên của mình Một số trường hợp ngoại suy trong biến cách tiếng Ba lan, đi vào nguyên tắc phát triển lịch sử và những sự biến đổi ngôn ngữ trên kết cấu hình thái học của từ.

Baudouin de Courtenay đã lần lượt giảng dạy ở 5 trường Đại học Tổng hợp: Peterbourg, Kazan, Kracôv, Tartu, và lại trở về trường Đại học Tổng hợp Peterbourg (1900-1918). Khi nước Ba Lan độc lập, ông về hẳn Warsawa cho đến khi mất (1929). Năm 1875, Baudouin de Courtenay nhận học vị Tiến sĩ với công trình Thử nghiệm ngữ âm học với các thổ ngữ Rezan. Đầu những năm 80, cuộc sống ở Kazan đè nặng lên Baudouin de Courtenay và ông đã chuyển đến trường Đại học Tổng hợp Đép và làm việc ở bộ môn ngữ pháp học so sánh các thổ ngữ Slavơ.

Năm 1887, ông được bầu là thành viên của Viện Hàn Lâm Khoa học Kracôv. Vào năm 1897, ông được bầu làm viện sĩ thông tấn Viện Hàn lâm khoa học Peterbourg. Yêu tự do, yêu những tư tưởng tiến bộ và sẵn sàng đứng về phía những người bị áp bức, Baudouin de Courtenay bị hai năm cầm cố vì cuốn Đặc trưng dân tộc và lãnh thổ trong chế độ tự trị (1913). Cuốn sách của ông bị xem là ''lời kêu gọi bạo động''. Ngoài tiếng Nga và tiếng Ba Lan, Baudouin de Courtenay còn thông thạo các thứ tiếng Đức, Pháp, Litva, Tiệp và các ngôn ngữ khác. Ông viết rất nhiều, khoảng hơn 600 công trình khoa học, bằng nhiều thứ tiếng khác nhau và được đăng tải tác trên các báo tạp chí, tập san, sách khó thu thập được đầy đủ. Ông không có một công trình chung khái quát toàn bộ các quan điểm ngôn ngữ của chính mình, vì thế việc nghiên cứu về ông gặp nhiều khó khăn. Ở Kazan từ năm 1875, đã tập hợp được quanh mình đông đảo học trò - những nhà ngôn ngữ học nổi tiếng, như V.A.Bogorodiski, SK.Bullich, N.V. Krusheski, A.I.Alekesandrov, V.V.Radiov, v.v… và hình thành một trường phái ngôn ngữ học ở Nga: Trường phái ngôn ngữ học Kazan.

Baudouin de Courtenay sớm quan tâm đến chương trình quan hệ giữa ngôn ngữ với các nhân tố tâm lý và xã hội. Theo ông, ngôn ngữ trước hết là một sự kiện tâm lý, quá trình tiến hóa của ngôn ngữ do các nhân tố tâm lý quy định. Ông luôn đưa dạng cá nhân của ngôn ngữ lên hàng đầu, "chỉ có ngôn ngữ cá nhân với tư cách là những thực thể tâm lý, hay đúng hơn, những tư duy ngôn ngữ học mang tính cá nhân mà thôi”. Vì vậy, ngôn ngữ cộng đồng chỉ là "một cấu tạo rút ra từ cả một loạt những  ngôn ngữ cá nhân tồn tại thực tế”. Khái niệm ngôn ngữ của Baudouin de Courtenay hoàn toàn khác với khái niệm của Ferdinand de Saussure. Baudouin de Courtenay là người đầu tiên đưa ra khái niệm Đồng đại, Lịch đại và phân định chúng. Sự đối lập này được F.de Sausure và những nhà ngôn ngữ học trường phái Kazan thừa nhận và kế tục. Song F.de Saussure lại đối lập giữa đồng đại và lịch đại, và sau này thành một định luật cơ bản trong học thuyết của mình. Điều này trái với quan niệm của Baudouin de Courtenay vốn cho rằng: không nên có sự ngăn cách nào giữa hai thứ ngôn ngữ học, vì ''tính tĩnh của ngôn ngữ chỉ là một trường hợp đặc biệt của tính động của nó”.

Đóng góp chủ yếu của Baudouin de Courtenay là xây dựng môn học thuyết về âm vị. Ông là người đầu tiên phát hiện ra bản chất ngôn ngữ học của âm vị. Ông chỉ rõ, âm của ngôn ngữ thực hiện một chức năng khu biệt. Ông là người thực sự định hình được khái niệm âm vị, đưa ra những thuật ngữ mới, như âm vị, hình nị, hình thái hóa, ngữ đoạn, ngữ nghĩa hóa, từ vị v.v...

Trubetskoi, nhân vật trọng yếu của Câu lạc bộ ngôn ngữ học Praha, coi Baudouin de Courtenay là bậc thầy của mình, đã xác định rõ những sức mạnh của ông, như phân biệt sự khác nhau giữa âm tố và âm vị. Baudouin de Courtenay là người khám phá lớn lao nhất trong lĩnh vực lịch sử các ngôn ngữ Slavơ. Ông là một trong những nhà bác học đầu tiên cổ vũ sự tiếp cận ngôn ngữ học với các khoa học khác nhau như toán học và đem vào ngôn ngữ học những phương pháp nghiên cứu chính xác. Ông có cái nhìn quán xuyến đối với toàn bộ sự phát triển của ngôn ngữ học mà chỉ khi ông mất, người ta mới có thể từng bước lĩnh hội hết những giả định có tính chất dự báo của ông.




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/1060-02-633389488417690778/Danh-nhan-van-hoa-va-nhung-nha-van-noi-ti...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận