GUILLAUME APOLLINAIRE (1880-1918)
Guillaume Apollinaire (Guyômơ Apôline) là nhà thơ xuất sắc người Pháp, tên thật là Wilhem Apollinaris de Kostrowitski, sinh ngày 26 tháng Tám 1880 ở Roma, thủ đô Italia; cha vốn gốc là một sĩ quan Italia (hoặc Thụy Sĩ), mẹ là người Ba Lan lưu vong. Thuở nhỏ, học trường trung học ở Saint Charles ở Mônacô, từng tham gia viết trong báo Người báo thù có khuynh hướng tự do vô chính phủ. Năm 1898 đến Paris. Năm 1901, dạy học trong một gia đình có rất nhiều đất đai ở vùng Rênami. Nhờ gia đình này, Apollinaire có điều kiện đi nhiều nơi. Khi tới Cologne, Muynich; hoặc du lịch qua Đức, Áo, Bôhêm... Trong gia đình này, Apollinaire đem lòng yêu cô bảo mẫu người Anh là Anni Plêđơn, bị cha mẹ cô khước từ và cả nhà chuyển sang Mỹ. Trở về Paris, Apollinaire kết bạn giao du với nhiều nhà thơ và họa sĩ trẻ, nổi tiếng như Pan Pho, Môrêax, Măc Giacốv. Picasso… và tham gia một số phong trào nghệ thuật tiên phong. Năm 1910, Apollinaire xuất bản tập truyện đầu tay. Năm 1914, ông tòng quân tham gia Đại chiến thế giới I và say mê một thiếu nữ duyên dáng có biệt hiệu Lu. Năm 915, ra mặt trận và rồi bị thương. Năm 1917, viết vở kịch đầu tay cho trường phái chủ nghĩa siêu thực. Vào một ngày Thu (9 tháng 11 năm 1918), Apollinaire qua đời đột ngột tại Paris, trong một lần bị bệnh cúm.
Tác phẩm của Apollinaire có các tập Người phù phép hư hỏng (Thơ 1909), Những lãnh tụ dị giáo và Công ty (Tập truyện, 1910), Rượu (Tập thơ, 1913), Cặp vú của Tirêdiax (kịch, 1917), Tinh thần mới (kịch, 1917), Caligramơ (Tập thơ, 1918) và Cái bóng mối tình của tôi (Tập thơ di cảo, 1947), Apollinaire là một tác giả đã ý thức thường xuyên về việc cách tân, sáng tạo, đổi mới các phương thức phản ánh nghệ thuật. Vở kịch siêu thực Cặp vú của Tirêdiax gồm hai hồi là một ví dụ tiêu biểu. Hồi một, chị Têredơ vì phản ứng với thân phận nữ nhí bèn vứt phăng đôi vú và đổi tên thành Tirêdiax.
Sang hồi hai, người chồng Têredơ sinh đôi 40.050 đứa con nên nàng đổi lại tên cũ, sống bên chồng con. Khi diễn, sân khấu được trang trí bằng những hình họa Lập thể; sàn diễn lại được khuôn theo hình tròn với những dải băng giấy màu cắt ở báo...
Về thơ ca, Apollinaire luôn tìm tòi những hình thức thể hiện mới, những kết cấu nghệ thuật, những cách thức tư duy mới, những liên tưởng bất ngờ, những hình tượng tràn đầy biểu tượng huyền thoại... song đều dựa trên chất trữ tình dân gian nên có sức bay bổng lạ thường; mặt khác, Apollinaire sáng tác nhiều về tình yêu, lấy cảm hứng từ những mối tình đã trải qua trong đời, kể cả tình yêu lãng mạn, lý tưởng lẫn những suy tư, khổ đau, thất vọng. Đó là hình bóng những Anni Plêđơn, nàng Lu… đã hóa thân vết thương tâm trong lòng chàng thi sĩ đa tình thành Bài ca của người yêu không được yêu hay trong các tập Caligramơ, Cái bóng mối tình của tôi… Apollinaire từng nói: Thơ tự do không vần, cho ta tha hồ buông phóng tâm tình, nhưng chỉ là một giai đoạn trong cuộc thăm dò tìm thể thơ. Nói riêng trong phần thơ đoản thiên trữ tình, có thể coi bài Bên cầu Mirabô là một đỉnh cao của Apollinaire.
LA PHƯƠNG THẢO
CẦU MIRABÔ
Dưới cầu Mirabô lặng trôi sông Xen
Và tình yêu chúng tôi
Nên chăng nhớ lại tình yêu ấy
Niềm vui luôn đến sau nỗi u phiền
Đêm cứ đến thời gian cứ điểm
Ngày vẫn trôi tôi đứng lặng yên
Tay hãy cầm tay mắt em trong mắt tôi
Trong khi dưới
Cây cầu vòng tay vẫn trôi
Ngọn sông buồn của vĩnh hằng ánh mắt
Đêm cứ đến thời gian cứ điểm
Ngày vẫn trôi tôi đứng lặng yên
Tình yêu qua như lặng lờ nước chảy
Tình yêu qua
Sao chậm chạp cuộc đời
Và sao niềm khát vọng mãi khôn nguôi
Đêm cứ đến thời gian cứ điểm
Ngày vẫn trôi tôi cứ đứng lặng yên
Ngày vẫn qua và năm tháng vẫn qua
Cả quá khứ
Lẫn tình yêu đều không trở lại
Dưới cầu Mirabô lặng trôi sông Xen
Đêm cứ đến thời gian cứ điểm
Ngày vẫn trôi tôi đứng lặng yên
NGUYỄN THẾ CÔNG dịch - 1998