Tài liệu: Rabindranath Tagore (1861 - 1941) nhà thơ lớn, nhà văn hóa Ấn Đôn

Tài liệu
Rabindranath Tagore (1861 - 1941) nhà thơ lớn, nhà văn hóa Ấn Đôn

Nội dung

RABINDRANATH TAGORE (1861 - 1941)

NHÀ THƠ LỚN, NHÀ VĂN HÓA LỚN ẤN ĐỘ

 

Tagore Tagorơ sinh ngày 7 tháng 5 năm 1861 tại Calcutta trong một gia đình địa chủ giàu có theo Đạo Bàlamon, có truyền thống văn hóa, nghệ thuật và theo xu hướng cải cách xã hội: Cha là Đêvanđranat Tagore[1], nhà triết học, nhà cải cách xã hội, lãnh tự hội Brăcmô - Xômadơ. Gia đình có 13 anh em, ông là em út. Các anh chị đều là những nhà văn, nghệ sĩ, họa sĩ, nhà hoạt động xã hội nổi tiếng. Ông là người được đào tạo rất chu đáo, có tài năng về nhiều mặt, nên vừa là nhà thơ, nhà văn, nhà triết học, nhà giáo dục, họa sĩ, đạo diễn Rabindranâth Tagore được coi là Thần đồng của xứ Bengal, đặc biệt ông có tài về văn học. Năm 13 tuổi đã in thơ trên tạp chí Gian nâucu. Ông rất giỏi ngoại ngữ, dịch tiếng Phạn, tiếng Anh. Năm 16 tuổi, được gửi sang học ở Anh, nhưng không hứng thú, trở về làm cộng tác viên tạp chí Pharati. Năm 20 tuổi, lấy vợ và yêu vợ say đắm. Năm 29 tuổi, xuất bản tập thơ đầu tiên. Năm 30 tuổi, quyết định đi chu du khắp nước, nhưng lại bị cha mẹ yêu cầu quản lý một số đồn điền, từ đó được tiếp xúc trực tiếp với đời sống khốn cùng của nhân dân và có thái độ cần phải thay đổi xã hội. Tagore mở một trường học tại Santini Kentan (nơi ở thanh bình). Về sau trường này trở thành trường Đại học Quốc tế nhằm thực hiện nền giáo dục dân tộc mang tính nhân đạo. Năm 35 tuổi vợ mất, ông vô cùng thương xót và quyết định không lấy ai nữa[2]. Từ đó, Tagore lao vào các hoạt động xã hội và sáng tác văn học. Ông mang tư tưởng chống đối chế độ thực dân Anh và ách áp bức giai cấp. Năm 51 tuổi (1913) được nhận giải thưởng Nobel văn học với tập Thơ Dâng kiệt xuất. Đây là tập thơ được đánh giá là kỳ công của văn học Ấn Độ. Sau chiến tranh thế giới lần thứ nhất, ông đi nhiều nước trên thế giới để truyền bá tư tưởng hòa bình hòa hợp giữa các dân tộc chống chủ nghĩa phát xít. Năm 1930, tới nước Nga rồi trở về ông ghi lại những cảm tình tốt đẹp của mình với nước này trong tập Những bức thư từ nước Nga. Từ đó, ông càng thêm sức mạnh và lòng tin để đấu tranh chống chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa phát xít. Ông mất ngày 7 tháng 8 năm 1941, tại Calcutta, thọ 80 tuổi.

Tagore là nhà văn viết bằng tiếng Bengali lớn nhất và có ảnh hưởng sâu sắc nhất đối với văn học Ấn Độ và Bangladesh. Ông để lại trên 1000 bài thơ, 42 vở kịch, 14 tiểu thuyết, 12 tập truyện ngắn, trên 2000 bài hát, nhiều bức tranh, nhiều tiểu luận về triết học, chính trị, giáo dục, đạo đức, nghệ thuật… Tác phẩm tiêu biểu của ông là tiểu thuyết Gora (1901) miêu tả những mâu thuẫn trong nội bộ một gia đình tư sản ở Calcutta và cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân Anh, chống lại bọn quan lại bóc lột những tên tay sai thực dân vô liêm sỉ, những kẻ khoác áo tôn giáo nhưng làm những điều xấu xa, bỉ ổi đồng thời phản ánh đời sống cùng khổ của nhân dân và lòng căm thù đối với bọn thực dân, bọn tay sai tàn ác. Tác phẩm của ông mang tư tưởng đấu tranh cho nền độc lập của Ấn Độ và sự giải phóng giai cấp cần lao. Sau đó, là các tiểu thuyết Đắm thuyền (1906), Hạt bụi (1913), Ngôi nhà và thế giới (1916) phản ánh sâu sắc đời sống của nhân dân Ấn Độ.

Nghệ thuật kịch của Tagore vừa hiện thực, vừa tượng trưng, phản ánh những mâu thuẫn gay gắt trong lòng xã hội Ấn Độ đang trăn trở tìm hướng đi cho tương lai. Các vở kịch tiểu biểu gây hứng thú cho nhiều người: Lễ máu (1890), Vua và hoàng hậu (1889), Ông Vua (1913), Phòng bưu điện (1913), Thầy tu khổ hạnh (1916), Dòng tự do (1922)[3].

Đóng góp xuất sắc nhất của Tagore vào sự phát triển của văn học Ấn Độ và thế giới là lĩnh vực thơ ca. Thơ trữ tình của ông diễn tả sự giao cảm thần bí giữa con người và thiên nhiên, nới những cảm xúc đơn giản mà kỳ lạ. Ông đem đến cho thi ca Ấn Độ một không khí thanh sảng, thiêng liêng mà gần gũi, thân tình. Thơ ông phản ánh những truyền thống văn hóa quý báu của dân tộc, trong sự hội nhập với nền nghệ thuật hiện đại của phương Tây. Những tập thơ tiêu biểu: Thơ Dâng (1910), Balaca (1914), Người làm vườn (1914), Mùa hái quả (1915), Thơ ngắn (1922), Mơhua (1928), Ngày sinh (1941).




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/1060-02-633389491175659528/Danh-nhan-van-hoa-va-nhung-nha-van-noi-ti...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận