HENRY BARBUSSE (1873 - 1935)
NHÀ VĂN PHÁP NỔI TIẾNG
Henry Barbusse (Hăngri Barbuys) là nhà văn Pháp, người giữ vai trò tiên phong trong việc tuyên truyền và phát triển tư tưởng văn học theo đường hướng hiện thực xã hội chủ nghĩa ở Pháp. Ông sinh ngày 18 tháng 5 năm 1873, tại Axnie quận Xen, trong một gia đình tiểu trí thức. Cha là nhà báo, mẹ là người Anh. Ông đã tốt nghiệp trung học và trình bày luận án triết học tại thành phố Sorbonne. Năm 1895, khi vừa tròn 23 tuổi Henry Barbusse xuất hiện bằng tập thơ đầu tay Những người phụ nữ khóc than với tiếng nói tình cảm nhẹ nhàng, tình cảm mộng mơ. Khi Thế chiến thứ nhất (1914-1918) bùng nổ, mặc dù đã 41 tuổi, Henry Barbusse vẫn tham gia quân đội và sống cùng với những người lính trong suốt 3 năm trời. Là phóng viên mặt trận, Henry Barbusse đã có nhiều trang tư liệu sống động về chiến tranh, về cuộc sống của người lính khi bị lợi dụng bị buộc phải cầm súng và trở thành bia đỡ đạn cho bọn cầm quyền. Thời gian sau này, ông vừa sáng tác văn học vừa tham gia hoạt động xã hội. Ông là người nhiệt tình ca ngợi Cách mạng tháng Mười Nga, hy vọng rằng cuộc cách mạng vô sản lần này sẽ đem lại tự do, bình đẳng và hạnh phúc cho quảng đại nhân dân lao động. Năm 1923 ông gia nhập Đảng Cộng sản Pháp. Sau ông được mời thăm Liên Xô và qua đời ở Moskva ngày 15 tháng 9 năm 1935; ba ngày sau, thi hài ông được chuyển về an táng tại Pháp.
Tác phẩm của Henry Barbusse không nhiều chủ yếu đề cập đến đề tài thời sự, chuyển hóa nội dung tư tưởng và cuộc đấu tranh xã hội vào tác phẩm. Khi mới bước vào nghề văn, ông thường viết báo và truyện ngắn cho báo thế giới, giới thiệu sách và nhà phê bình văn học trên tạp chí lớn; đồng thời có những tiểu thuyết và truyện ký như Những người van nài (1903), Địa ngục (1906), Khói lửa đăng tải trên báo tác phẩm 1915 và in thành sách năm 1916, ánh sáng (1919), Xiềng xích (1925) và những năm cuối đời viết tiếp Giêsu Dôla, Staline...
Khi chưa tiếp xúc nhiều với tư tưởng xã hội chủ nghĩa, các tác phẩm Những người van nài, Địa ngục in đậm tính hiện thực, đi sâu khai thác số phận con người. Nhưng sau đó nhờ ảnh hưởng các hoạt động xã hội, ủng hộ Nga Xô Viết, ủng hộ phong trào giải phóng thuộc địa, trong đó có vấn đề Việt Nam. Henry Barbusse còn được biết đến như một chiến sĩ đấu tranh không mệt cho hòa bình, tự do của các dân tộc trên thế giới. Trong xu hướng đó, tiểu thuyết Khói lửa của ông được coi là viên gạch đặt nền móng cho văn học xã hội chủ nghĩa Pháp. Tác phẩm bao gồm 24 chương, được viết dưới hình thức nhật ký của một tiểu đội. Ở đây, tác giả không khai thác sâu về những số phận cá nhân mà nghiêng về mô tả tầng lớp binh lính trong sự chuyển động của ý thức, của tư tưởng. Lênin khi nói về những giá trị đặc trưng cho văn chương Henry Barbusse đã nhận định: ''Ta có thể xem những tiểu thuyết Khói Lửa và Ánh Sáng của Henry Barbusse là những lời khẳng định đặc biệt rõ rệt về sự phát triển ý thức cách mạng của quần chúng đang diễn ra ở khắp nơi…”
NGUYỄN HỮU SƠN
TRỊNH BÁ ĐĨNH