ROMAIN ROLLAND (1866 - 1944) NHÀ VĂN HIỆN THỰC LỚN
CỦA NỀN VĂN HỌC HIỆN ĐẠI PHÁP
Romain Rolland sinh ngày 29 tháng 1 năm 1866 tại thành phố Clamơxi thuộc vùng Buôcgônhơ, xuất thân trong một gia đình viên chức, khi lớn lên theo gia đình chuyển đến thủ đô Paris. Từ nhỏ, Rolland có năng khiếu đặc biệt về âm nhạc và rất thích tìm hiểu văn chương cũng như các môn nghệ thuật khác. Lớn lên, ông thi vào trường Đại học Sư phạm, theo học môn lịch sử nghệ thuật. Trong thời gian này ông có viết thư trao đổi với nhà văn lớn của Nga L.Tolstoi, và nhận được thư trả lời. Những tư tưởng vì dân và tinh thần nhân đạo cao cả của đại văn hào L.Tolstoi có ảnh hưởng to lớn đến sự nghiệp sáng tạo của Rolland sau này. Sau khi tốt nghiệp, ông sang Italia học thêm ba năm về môn lịch sử nghệ thuật và lịch sử ngành Opera. Trở về Pháp, ông dạy ở trường Đại học Sư phạm và tham gia cộng tác với nhiều tạp chí. Năm 1903, ông cho xuất bản một số vở kịch về đề tài cách mạng Pháp 1789. Nó được tập hợp trong quyển Kịch về cách mạng. Ông khởi bút viết bộ tiểu thuyết lớn Giăng Cristov, ba tập đầu in ra không được chú ý. Chỉ đến khi cả 10 tập trọn bộ ra đời (1912), Lúc ấy tiếng tăm và uy tín của Rolland mới được thừa nhận. Bộ sách nhanh chóng được dịch ra nhiều thứ tiếng ở các nước Châu Âu, và được vinh dự trao tặng giải thưởng Nobel văn học. Tập thứ 10 của bộ tiểu thuyết có tên Ngày Mới được trao giải thưởng của viện hàn lâm Pháp. Bộ tiểu thuyết xây dựng bối cảnh của xã hội nước Pháp và Đức, nhằm lên tiếng ngăn chặn bạo lực đang có nguy cơ tràn lan trên thế giới; là tiếng nói kêu gọi hòa bình, bắc nhịp cầu hữu nghị giữa các dân tộc, và niềm tin không gì lay chuyển nổi về một tương lai tươi sáng không có tiếng súng, chết chóc, thế giới là một mái nhà hòa bình đầy ắp tiếng cười và sự phát triển hết độ tài năng, nhân cách con người. Cuốn tiểu thuyết tràn đày chủ nghĩa nhân đạo cao cả của một trái tim lớn, đã đưa Rolland lên hàng những nhà nhân văn chủ nghĩa lớn của thế kỷ XX.
Ngoài ra, ông còn viết những bài báo, tiểu luận những sách danh nhân văn hoá được tập hợp in trong các cuốn như Bên trên cuộc hỗn chiến; Cuộc đời Bêtôven; Giã từ vũ khí; Mười lăm năm đấu tranh; những người bạn đường. Các tác phẩm của ông đề cao nghệ thuật vì con người, vì sự nhân đạo tiến bộ xã hội, đồng thời luôn vang lên tiếng nói chống chiến tranh và bạo lực, kêu gọi hòa bình, thân ái giữa các dân tộc. Mặc dù nồng nhiệt ca ngợi cách mạng vô sản tháng Mười Nga, song về căn bản ông vẫn đứng trên lập trường của chủ nghĩa nhân đạo bác ái trừu tượng của L.Tolstoi và Gandhi. Phải chờ đến cuốn Tâm hồn đắm say (1926), ông mới từ bỏ những ảo tưởng trừu tượng để đến với chủ nghĩa nhân đạo trên lập trường Macxit, chấp nhận lấy chiến tranh chính nghĩa để đập tan những lực lượng thù địch đối với nhân loại tiến bộ. Ông là người bạn thân thiết của nhân dân Liên Xô được những người bạn Xô Viết ngày ấy nồng nhiệt tổ chức lần sinh nhật 60 tuổi. Ông cũng còn là người đồng chí, người bạn lớn của các trí thức tiến bộ và nhân dân toàn thế giới. Riêng lĩnh vực văn học, ông đứng ở vị trí quan trọng trong nền văn học Pháp hiện đại.