Tài liệu: Maksim Gorki (1866 - 1936) nhà văn Nga Xô Viết

Tài liệu
Maksim Gorki (1866 - 1936) nhà văn Nga Xô Viết

Nội dung

MAKSIM GORKI (1866 - 1936)

NHÀ VĂN NGA XÔ VIẾT

 

Văn hào Nga thực hiện Maksim Gorki[1] là người mở đầu trào lưu văn học xã hội chủ nghĩa. Nhà hoạt động văn hóa xã hội lỗi lạc. Chủ tịch đầu tiên của Hội nhà văn Liên Xô trước đây. Họ và tên thật là Alecksei, Maksimôvits Pêshkôv. Sinh tại thành phố Nhigiơni Nôvgôrôd thuộc miền Nam nước Nga. Sinh ra trong một gia đình nghèo, bố làm thợ mộc. Mười tuổi đã mồ côi cả cha lẫn mẹ. Thời thơ ấu phải làm nhiều nghề để kiếm sống và tự học: làm đầu bếp, đi ở, phụ việc trong xưởng làm tượng thánh... Tuy nhiên ông là người rất ham học nên ngay từ khi mới bước vào đời, đã trang bị được vốn kiến thức văn hóa đa dạng và đồ sộ: triết học, kinh tế chính trị, lịch sử... và đặc biệt là văn học Nga và phương Tây. Năm 1902, viện Hàn lâm khoa học Nga bầu làm viện sĩ, sau Nga Hoàng đã bác bỏ quyết định đó. Từ những năm đầu thế kỷ, ông đã có quan hệ mật thiết với cách mạng vô sản. Vào Đảng Bolshevik năm 1905, được gặp và làm việc với Lê Nin nhiều lần. Năm 1906 sang châu Âu và Mỹ tuyên truyền kêu gọi nhân dân thế giới ủng hộ cách mạng Nga. Sống ở Italia đến năm 1913, trở về nước. Sau cách mạng tháng 10 đảm nhiệm nhiều trọng trách trong lĩnh vực văn hóa xã hội: Giám đốc Nhà xuất bản văn học thế giới, tổng biên tập Các tạp chí khoa học và những người hoạt động khoa học và ánh sáng phương Bắc. Năm 1921, ra nước ngoài dưỡng bệnh sống ở Italia đến năm 1928 trở về Tổ quốc. Ông là người lãnh đạo việc tổ chức đại hội nhà văn Liên Xô lần thứ I năm 1934. Ở đó, ông được bầu làm chủ tịch. Mất ngày 18 tháng 6 năm 1936, bình tro đựng di hài được an táng vào tường Điện Kremli.

Sáng tác của Gorki gồm nhiều thể loại: tiểu thuyết, kịch, truyện ngắn, văn xuôi chính luận, phê bình văn học. Nổi tiếng nhất là bộ tự thuật 3 tập: Thời thơ ấu, Kiếm sốngNhững trường đại học của tôi; tiểu thuyết: Người mẹ, Phôma Gorđêepv; các vở kịch: Dưới đáy, Những người nghỉ mát, Những bản trường ca: Chào mừng thế kỷ mới, Bài ca chim báo bão, Con người; và đặc biệt là truyện ngắn: Bà Lão Iderghin, vợ chồng Ôrlốp, Bài ca chim ưng. Nét đặc biệt xuyên suốt sáng tác của ông là mô tả con người với tấm lòng đầy thân ái và trân trọng, kêu gọi con người hãy có hành động cao thượng, xứng đáng với danh hiệu là người con trên Trái đất. Chàng Đanko dũng cảm đã đốt cháy tim mình thành ngọn lửa soi đường cho mọi người đi qua giông bão và rừng rậm đến được với khoảng đất tự do là hình ảnh tuyệt đẹp của con người thế kỷ mới.

Anh đưa hai tay lên xé toang lồng ngực dứt trái tim ra và giơ cao lên đầu. Trái tim cháy sáng rực như Mặt trời sáng hơn Mặt trời, và cả khu rừng im lặng, sáng lên dưới ngọn đuốc của lòng yêu thương vĩ đại đối với mọi người...Đi thôi - Đankô thét lớn và xông lên phía trước, tay giơ cao trái tim cháy rực, soi đường cho mọi người. Họ xông lên theo anh, mê man như bị chài... (Bà lão Idecghin). Gorki đã kết hợp được truyền thống phân tích văn học hiện thực phương Tây thế kỷ XIX với chủ nghĩa lãng mạn mới để sáng lập ra trào lưu văn học lớn nhất và đặc trưng cho thế kỷ ngày nay.

TRỊNH BÁ ĐĨNH




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/1060-02-633389492180659528/Danh-nhan-van-hoa-va-nhung-nha-van-noi-ti...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận