FERDINAND DE SAUSSURE (1875-1913)
NHÀ NGÔN NGỮ HỌC VĨ ĐẠI
NGƯỜI ĐẶT NỀN MÓNG NGÔN NGỮ HỌC THẾ KỶ XX
Trong các nhà ngôn ngữ học lớn của thế kỷ XX, cho đến nay, Ferdinand de Saussure vẫn là người được nhắc đến nhiều hơn cả. Là một trong những nhà ngôn ngữ học kiệt xuất, ông sinh ở Geneve (Thụy Sỹ) trong một gia đình bác học. Ngay từ nhỏ ông đã có khả năng về ngôn ngữ. Năm 1875, F.de Saussure học ở trường Đại học Tổng hợp Laipxich. Tháng 2 năm 1978 khi đang còn là sinh viên mới 21 tuổi ông đã xuất bản tác phẩm nghiên cứu về hệ thống nguyên thủy các nguyên âm trong các ngôn ngữ Ấn - Âu, một tác phẩm làm nhiều người ngạc nhiên và ba bốn chục năm sau người học trò giỏi nhất của F.de saussure về ngôn ngữ học lịch sử A.Meille vẫn còn đánh giá là: ''Chưa bao giờ có một quyển sách về ngữ pháp học so sánh vững vàng, mới mẻ và đầy đủ như vậy”. Tiếp đó là luận án Tiến sĩ xuất sắc của ông về những vấn đề ngôn ngữ học so sánh với nhan đề Về cách dùng thuộc cách tiếng Sanscrit (Laipxich, 1880).
Năm 1880 F.de Saussure đến Paris và làm chủ nhiệm khoa ngữ pháp so sánh ở trường cao đẳng thực hành, đến năm 1882, làm phó thư ký hội ngôn ngữ học Paris. Năm 1981, ông trở về trường Đại học Tổng hợp Geneve, dạy tiếng Sancrit và ngữ pháp so sánh các ngôn ngữ Ấn - Âu; từ năm 1907 ông phụ trách bộ môn ngôn ngữ học đại cương, đào tạo nên những học trò mới, mà hai trong số đó là Charlles Bally và Albert Sechhaye đã trở thành những nhà ngôn ngữ học nổi tiếng. Ông mất năm 1913.
Về công trình, sinh thời F.de Saussure chỉ xuất bản 2 tác phẩm nói trên. Ông viết rất ít. Sau tác phẩm đầu tay này, thỉnh thoảng ông mới viết một vài bài ngắn. Từ năm 1906 đến 1912, F.de Saussure đã giảng ba khóa học về ngôn ngữ học đại cương. Sau khi mất, hai người học trò cũ của ông, bấy giờ đã là nhà ngôn ngữ học có tiếng là Charles Bally và Albert Sechehaye, dựa vào một số bản thảo bài giảng của ông về ngôn ngữ học đại cương và các tài liệu ghi chép của sinh viên về các bài giảng đó, soạn lại thành quyển Giáo trình ngôn ngữ học đại cương và cho xuất bản năm 1916. Năm 1957, nhà Bác Học người Thụy Sỹ là R.Godel đã công bố một quyển sách nhan đề Nguồn gốc bản thảo giáo trình ngôn ngữ học đại cương của F.de Saussure, trong đó ông bày tỏ sự nghi ngờ về tính xác thực các luận điểm riêng lẻ của Saussure đã được Ch.Balley và A.Sechehaye công bố. Trong năm 1907 - 1908 đã xuất bản toàn bộ văn bản của quyển sách này trong sự đối chiếu với tất cả các tài liệu viết tay.
Giáo trình ngôn ngữ học đại cương, sau khi xuất bản đã nổi tiếng trên thế giới, và được dịch ra nhiều thứ tiếng. Nó có ảnh hưởng rất lớn đối với sự phát triển của ngành ngôn ngữ học thế giới và sự hình thành các khuynh hướng khác nhau của ngôn ngữ học thế kỷ XX. Ngôn ngữ thực chất là gì, có những mặt gì quan trọng cần nghiên cứu? Giải đáp những câu hỏi đó, F.de Saussure phân biệt ngôn ngữ khác với lời nói trong hoạt động ngôn ngữ. Theo ông ngôn ngữ ''là một bộ phận xã hội của hoạt động ngôn ngữ, tồn tại bên ngoài cá nhân", là “sản phẩm xã hội lưu giữ trong óc mỗi người”, còn “ngược lại, lời nói là một hành động cá nhân'', "nó là cái tổng thể của những điều mà người ta nói”. Như vậy, tách ngôn ngữ với lời nói theo F.de Saussure, tức là ''đồng thời cũng tách luôn: (1) cái gì có tính chất xã hội với cái gì có tính chất cá nhân; (2) cái gì có tính chất cốt yếu với cái gì có tính chất thứ yếu và ít nhiều ngẫu nhiên''. Trong quan niệm của ông, ngôn ngữ đã được trừu tượng hóa khỏi con người, khỏi xã hội, khỏi lịch sử, xem xét ngôn ngữ trong cái trật tự của chính bản thân nó mà thôi. Coi ngôn ngữ là một cái gì đó "tất cả đều dựa trên những mối quan hệ'' và ''giá trị của bất cứ một yếu tố nào cũng đều do những yếu tố xung quanh quy định". Như vậy, tất cả vấn đề đặt ra là phải nghiên cứu ngôn ngữ như là một hệ thống. ''Thực chất học thuyết của F.de.Saussure là sự phân biệt giữa ngôn ngữ và lời nói. Tất cả phần còn lại của học thuyết là rút ra một cách logic từ luận điểm cơ bản ấy (L. Hjelmslev).
Trên đây là cái cốt lõi của những tư tưởng của F.de Saussure. Ông đồng thời còn đề xuất ra một loạt vấn đề mới khác nữa, như ngôn ngữ là một hệ thống tín hiệu, diện đồng đại và điện lịch đại, quan hệ hình tuyến và quan hệ liên tưởng, học thuyết giá trị trong ngôn ngữ, bản chất hai mặt của tín hiệu ngôn ngữ v.v... Những tư tưởng, những luận điểm cơ bản của F.de Saussure, ở mức độ nhất định, đã dọn đường cho ngôn ngữ học của thế kỷ XX. Chính Viện sĩ thông tấn Viện Hàn Lâm khoa học Liên Xô R.A. Buđagốv đã nhận xét: trong ngôn ngữ học “không có một nhà nghiên cứu nghiêm túc nào ngày nay lại bỏ qua không nói đến'' những luận điểm cơ bản của F.de Saussure, vì ''vấn đề chỉ là ở chỗ mỗi người hiểu các luận điểm ấy như thế nào và rút ra từ đó những kết luận gì”.
Năm 1963, kỷ niệm 50 năm ngày mất của F.de Saussure, nhà ngôn ngữ học nổi tiếng người Pháp E.Benvena (E.Beveniste) đã viết rằng, trong thời đại chúng ta, vị tất tìm được một nhà ngôn ngữ học nào mà không mang ơn F.de Saussure và học thuyết của ông có ảnh hưởng to lớn đến sự phát triển tiếp tục của ngôn ngữ học.