PREM CHAND (1880 - 1936)
NHÀ VĂN HIỆN THỰC LỚN CỦA ẤN ĐỘ
Toàn bộ sự nghiệp sáng tác của Prem Chand (Prem Chanđơ) trung thành và nhất quán với phương châm viết văn mà ông tâm niệm: ''Bảo vệ những người bị áp bức là nhiệm vụ tất yếu của nhà văn" và “văn nghệ phản ánh hiện thực là văn nghệ chân chính". Đương thời, tài năng và cống hiến to lớn cho nền văn học và sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc của ông được đánh giá rất cao. Nhà phê bình văn học xuất sắc của Ấn Độ Ramyila Sarma đã nhận định: ''Những nhà văn như Prem Chand đã giác ngộ cho nhân dân nhiều hơn biết bao nhiêu là hoạt động chính trị đương thời. Những nhà văn như Prem Chand là những người yêu nước thiết tha, có cảm tình với chủ nghĩa xã hội...
Prem Chand cũng được giới văn học nghệ thuật đương thời mệnh danh là ''ông hoàng tiểu thuyết Hinđi" vì đã có công làm cho hai ngôn ngữ miền Bắc Ấn Độ là Urơđu và Hinđi đạt đến một ngữ pháp chuẩn mực, một khả năng diễn đạt giản dị, trong sáng, thoát ly được sự cầu kỳ, ước lệ khuôn sáo của ngôn ngữ quý tộc và sự lai căng văn hóa thực dân Anh. Tiếng Hinđi, nhờ ông đã giành được địa vị xứng đáng làm lu mờ địa vị độc tôn của tiếng Anh.
Prem Chand sinh ngày 31 tháng Bảy 1880, tại làng Lamhi gần thành phố Benarex trong một gia đình nông phu nghèo khổ. Lên 7 tuổi, mồ côi mẹ, 15 tuổi lấy vợ theo tục lệ tảo hôn; 16 tuổi mất cha, Prem Chand phải lao động nặng nhọc để kiếm sống và nuôi nấng gia đình; việc học hành bị bỏ dở, ông lên tỉnh làm gia sư, chép bài thuê cho những sinh viên giàu có để kiếm tiền. Cũng tại đây ông được tiếp xúc với sách vở của nhiều nhà văn Ấn Độ và thế giới. Thương mình, thương đời, bất bình với giai cấp thống trị; ông đã tìm đến con đường sáng tác để gửi gắm tâm sự. Ban đầu ông viết truyện thiếu nhi. Từ năm 1901, ông bắt đầu viết khá nhiều truyện ngắn, phê bình văn học, dịch truyện của Tagore từ tiếng Bengali sang tiếng Hinđi. Chiến tranh thế giới thứ nhất bùng nổ, Prem Chand cho ra đời tập truyện ngắn Đất nước bỏng lửa. Nó như một bản cáo trạng hùng hồn đối với thực dân Anh và là lời kêu gọi nhân dân Ấn Độ vùng lên giải phóng đất nước. Cuốn này bị kết án là “Cuốn sách phản quốc”, tác giả bị cảnh cáo, bản thảo bị tịch thu, sách bị thu hồi. Sau đó ông lại xuất bản tiếp tiểu thuyết Việc nhà, Tổ ấm của tình yêu.
Dấn thân vào hoạt động đấu tranh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, ông đã bỏ nghề dạy học; chuyển sang làm báo, viết văn. Năm 1929, ông làm chủ bút tờ báo Đẹp, sau đó sáng lập tạp chí văn nghệ lấy tên là Cười, tập hợp các cây bút có tinh thần yêu nước. Tiếp đó, ông hoàn thành kiệt tác Gô đan, bộ tiểu thuyết kết tinh phong trào yêu nước và tinh thần chống đế quốc của nhân dân Ấn Độ. Ông là chủ tịch đầu tiên của Hội các nhà văn tiến bộ Ấn Độ. Sự nghiệp văn học của ông đã để lại cho kho tàng văn học Ấn Độ 12 tiểu thuyết, 2 vở kịch, 200 truyện ngắn và nhiều tiểu luận, tạp văn, phê bình văn học. Không chỉ là tấm gương tiêu biểu của một nhà văn yêu nước, mà tài năng văn học của ông đã đưa ông lên một vị trí vững vàng không thể thiếu được trong nền văn học to lớn của đất nước Ấn Độ.