QUÁCH MẠT NHƯỢC (1892- 1978)
Ông nhà học giả, nhà thơ, nhà soạn kịch, nhà hoạt động văn học Trung Quốc; sinh ở Lạc Sơn, tỉnh Tứ Xuyên, trong một gia đình quý tộc. Quê hương hùng vĩ, bà mẹ hay thơ, cuốn Thi phẩm, bàn về thơ của Tư Không Đồ (đời Đường) đã có nhiều ảnh hưởng đối với thị hiếu thơ ca của ông ngay từ những năm còn nhỏ tuổi.
Khi Cách mạng Tân Hợi (1911) bùng nổ, Quách Mạt Nhược tham gia một số hoạt động ở quê nhà. Đến mùa Xuân 1914, mang hoài bão “phú quốc cường binh”, ông rời quê hương sang Nhật. Đến Tokyo, ban đầu ông học thuốc. Về sau, tiếp xúc nhiều với thơ ca cách mạng, năng khiếu có sẵn được phát huy, ông chuyển hẳn sang làm văn nghệ.
Ông thật sự nổi tiếng trên văn đàn từ sau phong trào Ngũ tứ. Tập thơ Nữ thần (1921) bộc lộ ý chí phủ nhận cái cũ, khát vọng sáng tạo cái mới, được coi như tác phẩm mở đầu của thơ ca cách mạng Trung Quốc. Cùng năm ấy, ông thành lập Sáng tạo xã, một đoàn thể văn học chủ trương sáng tác theo phương pháp lãng mạn tích cực, và xuất bản tạp chí Sáng tạo quý san. Năm 1923, ông về nước, dốc sức làm văn nghệ. “Làm văn nghệ - ông nói - tức là động viên nhiệt tình của mọi người để cải cách xã hội”. Với chủ trương đó, Sáng tạo xã đã phiên dịch, giới thiệu lý luận văn nghệ Mác xít và các tác phẩm văn học Liên Xô. Ông còn tham gia hoạt động cách mạng, làm Phó chủ nhiệm Bộ chính trị quân đội Bắc phạt, rồi tham gia cuộc khởi nghĩa Vũ Xương do Đảng cộng sản lãnh đạo. Khởi nghĩa thất bại, ông bị chính quyền Tưởng Giới Thạch lùng bắt, phải lánh sang Nhật Bản, và ở lại đây 10 năm chuyên nghiên cứu lịch sử Cổ đại, văn tự cổ...
1937, cuộc kháng chiến chống Nhật bùng nổ, Quách Mạt Nhược về nước, sống ở Thượng Hải. Lần này, ông chuyên tâm viết kịch lịch sử, và đạt nhiều thành tựu. Đặc biệt là vở kịch Khuất Nnguyên (1942), mượn chuyện xưa để ca ngợi tinh thần yêu nước chống xâm lăng, phê phán chính sách đầu hàng thỏa hiệp, đã được quần chúng hoan nghênh.
1948, trước ngày giải phóng một năm, ông lên Diên An làm Hiệu trưởng trường nghệ thuật mang tên Lỗ Tấn. Sau ngày thành lập nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, ông là Chủ tịch Hội liên hiệp văn học nghệ thuật và tham gia công việc của Hội đồng hòa bình thế giới. Được tặng giải thưởng hòa bình Staline năm 1951.