Tài liệu: Fernando Pessoa (1888 - ?) nhà thơ lớn Bồ Đào Nha

Tài liệu
Fernando Pessoa (1888 - ?) nhà thơ lớn Bồ Đào Nha

Nội dung

FERNANDO PESSOA (1888 - ?)

NHÀ THƠ LỚN BỒ ĐÀO NHA

 

Tên tuổi Pessoa đã được liệt vào hàng những đại thi hào của toàn thể loài người: Homère, Virgile, Dante, Camoès, Shakespeare, Goethe, Pushkin, Whitman, Mallarmé, Machado... Bất luận thế nào, dải ngân hà Pessoa cũng đang không ngừng tỏa rộng thông qua những ngôn ngữ ngày một nhiều mà các tác phẩm của thi hào được dịch sang. Mặc dầu Pessoa nói: ''Tổ quốc tôi là ngôn ngữ Bồ Đào Nha, song ông đã viết một phần tác phẩm của mình bằng tiếng Anh. Thậm chí thử cả ngòi bút bằng tiếng Pháp. Chân trời của ông, cũng như của thế hệ mà ông là linh hồn dẫn đường, là chân trời của toàn thế giới: ''Người Bồ Đào Nha chúng tôi viết cho Châu Âu, cho toàn thể nền văn minh; chúng tôi chưa là một cái gì đáng kể, song những gì mà ngày nay - chúng tôi làm rồi một ngày kia sẽ được toàn Thế giới biết đến và thừa nhận”.

Thực vậy theo Pessoa, đó đúng là chí hướng của thế hệ văn nghệ sĩ tập hợp xung quanh tạp chí Orpheu mà ông là người khởi xưởng và cổ xúy: "sáng tạo ra một nghệ thuật không biết đến giới hạn của thời gian và không gian, nói cách khác "một nghệ thuật của mọi nghệ thuật. Ở đó sự ủy mị và huyền bí của châu Á, trạng thái nguyên sơ của châu Phi, chủ nghĩa siêu quốc gia của Châu Mỹ, xu hướng ngoại lai của châu Đại Dương và chủ nghĩa máy móc suy đồi của châu Âu hòa trộn và đan bện với nhau”. Bằng những mỹ học và thi học mà ông đã bênh vực, bằng những bản sắc khác nhau hay những ''biệt danh" (hétéronyme) mà ông đã sáng tạo ra cho mình để thể hiện những học thuyết đó. Mỗi biệt danh của ông là một cái tên riêng biệt, có một cuộc sống riêng biệt và một quan niệm riêng biệt về thi ca; Pessoa đã nhân lên làm nhiều lần bản thể của mình và đất nước Bồ Đào Nha, làm cho bản thân và Bồ Đào Nha trở thành những thứ thuộc về toàn thể loài người. Cũng như mỗi dân tộc hoàn toàn có thể là “một Thế giới riêng”, “mỗi người Ba Đào Nha chân chính đồng thời là nhiều cá thể được gọi bằng những tên như những biệt danh chính của ông: Alberto Cacico, Ricardo Reis, Alvaro de Campos hoặc ''bản thân" Fernando Pessoa, chưa kể đến "bản biệt danh" Bernardooares. Đối với Soares thì "Vũ trụ cũng là Rua dos Douradores”, phố thợ mạ ở Baixa, trung tâm thương mại của Lixboa, ''ngôi nhà" của ông nơi ông đã viết ra tác phẩm Livro do Dessassossego (cuốn sách khắc khoải).

Ở Pessoa cũng như ở Geothe, cái đặc thù với cái phổ biến là một. Một bến tàu ở cảng Lixboa nơi xuất phát những con tàu cho những hành trình khám phá vĩ đại ở thế kỷ XV và XVIII, đối với ông là “toàn Thế giới được thu nhỏ”. Cũng vậy, những biệt danh kia tiêu biểu cho nhân dân Bồ Đào Nha, và cuộc sống tưởng tượng của những biệt danh ấy dựng lại cuộc phiêu lưu của người Bồ Đào Nha trên khắp thế giới.

Như Ricardo Reis chẳng hạn, người cao tuổi nhất trong số các biệt danh của Pessoa trong thi ca, được ông ấn định cho là sinh vào năm 1887 tại Oporte - sinh trước Pessoa một năm - đã được hấp thụ một nền văn học cổ điển, anh ta được đào tạo làm thầy thuốc, nói bằng một thứ tiếng Bồ Đào Nha - Latinh hóa, thấm nhuần ý thức thẩm mỹ kiểu Hy lạp và sống lưu vong tại Brazil vì có tư tưởng quân chủ, đã đi ngang dọc từ Bắc chí Nam, từ Đông sang Tây và đi ngược từ hiện đại trở về quá khứ để tìm kiếm một tradition (truyền thống).

Ngược lại, Alvaro de Campos, được coi là sinh tại Tavira (vùng Algarve) năm 1890 - sau Pessoa 2 năm - được hấp thụ một nền học vấn hiện đại, được cấp bằng Kỹ sư đóng tàu tại Glassgov (Xcốtlen), bị cuốn hút vào chủ nghĩa Vị lai, tiến hành một chuyến đi sang phương Đông qua kênh đào Suez rồi ngược xuôi từ Nam lên Bắc và từ Tây sang Đông, đi từ hiện đại về tương lai với mỹ học tiên phong của mình, với sở thích về máy móc và xu hướng về revolution (cách mạng) của mình.

Hoàn toàn phù hợp với kết cấu sâu xa của vở kịch về thi ca mà các biệt danh ấy thủ vai Alberto Caeiro, "người thầy'' sinh tại tixboa năm 1889, được tiếp nhận một nền học vấn “hầu như không có gì”, ở lại sinh sống tại ngôi làng trong tỉnh Ribatejo làm ''người chăn giữ gia súc”, chiêm ngưỡng các sự vật bên ngoài thời gian và không gian, trong sự ngây thơ của infants (đứa trẻ) tức nhà thơ ở dạng nguyên sơ nhất.

Còn bản thân Fernanđol Pessoa, nhà thơ mang đúng tên mình, thì sinh tại Thủ đô Bồ Đào Nha năm 1888. Sau khi mồ côi cha, Pessoa sống tuổi thơ ấu và niên thiếu cùng với mẹ và bố dượng tại Nam Phi, sau đó trở về Lixboa với một nền học vấn Anh và không bao giờ rời quê hương đi đâu nữa, sống giản dị bằng nghề phiên dịch cho các hãng buôn. Vì vậy ta dường như lặp lại trong cuộc đời và sự nghiệp của Pessoa - thực tế hai mặt đó hòa nhập làm một hai xu hướng - song song là sinh sống cố định ở một nơi và đi phiêu bạt, là vừa theo truyền thống vừa theo cách mạng. Đó chính là đặc điểm của người Bồ Đào Nha nói chung, là cách sống của họ trong nước và ở ngoài nước, là cách họ hòa giải cái đặc thù với cái phổ biến.

“Tôi không diễn tiến mà tôi Du Hành”, Pessoa có lần viết như Vậy. Nhưng cuộc du hành ấy chỉ diễn ra “trong vòng tay của trí tưởng tượng”, cho dù trong đó có sự hồi tưởng về những chuyến du hành thực sự, nhất là là các cuộc viễn du bằng đường biển của người Bồ Đào Nha và bản thân Pessoa giữa Lixboa và Mũi Hảo Vọng. Nhờ trí tưởng tượng, chuyến du hành dần dần đạt tới tầm vóc biểu tượng, trở thành một hành trình duy linh, khai tâm và được biểu lộ trong các bài thơ bí hiểm của ông. Khi đi, nhà thơ dàn trải bản sắc của những nhân vật mà ông khoác lên mình:

“Ra đi! Mất dần đi từng nước, từng nước!

Luôn làm một con người khác với trước…”

Thi sĩ du hành như thế đó, từ pessoa đến pessoa, từ vô ngã đến vô ngã (''pessoan trong tiếng Bồ Đào Nha có nghĩa “không phải là ai cả''. Đối với nhà thơ, nhân cách chỉ là một ''bến cuối'' mà ta quay trở lại, là nơi mà điểm xuất phát và điểm đích trùng hợp nhau trong đường tròn vô tận của một hành trình luôn luôn phải khởi đầu lại.

Thực ra, toàn bộ tác phẩm của Pessoa là một cuộc du hành vô tận, một cuộc du hành tưởng tượng trong thi ca: du hành qua các ngôn ngữ, các nền văn học, tôn giáo và các thế giới quan mà các biệt danh lần lượt theo đuổi và đối lập nhau. Cả ở đây nữa, nổi bật lên vẫn là tính phổ biến. Tiếng vọng của nền văn minh và văn hóa vang lên trong thi phẩm và văn phẩm của Pessoa. Mọi hình thức của tri thức và tâm linh, bất kể thuộc nguồn gốc nào đều thu hút Pessoa và được nhà thơ không ngớt lời bình giải: chỉ cần nhắc lại ở đây ''thuyết tiên nghiệm phiếm Thần'' của ông, kết hợp Đạo đa thần và Đạo Kito, Đạo Juđa với Đạo Xufi, Đạo Lão với Đạo Phật. Tất cả những thứ đó đã thấm nhuần một thứ chủ nghĩa bí truyền bắt nguồn từ các giáo phái Rosicrucian và Templar và được thể hiện đầy đủ nhất trong luận thuyết về sứ mệnh cứu thế của một Quinto Império (Đế chế thứ năm) của hòa bình và tính hữu ái toàn cầu dưới hình thức Bồ Đào Nha được gọi là “thuyết Sebastien”. Xoay quanh huyền thoại về sự trở về của Vua Bồ Đào Nha Sebastien (1557- 1678) bị mất tích vào cuối thế kỷ XVI trong trận Alcacar - Quivir ở Maroc. Thuyết về sứ mệnh cứu thế này được thể hiện chủ yếu trong cuốn Mensagem (Thông điệp) cuốn sách duy nhất bằng tiếng Bồ Đào Nha được xuất bản lúc sinh thời của tác giả (ông cũng đã xuất bản các bài thơ viết bằng tiếng Anh, nhưng phần lớn khối lượng tác phẩm rất đồ sộ của ông chưa hề được ra mắt bạn đọc vẫn nằm sâu trong một cái hôm mà nội dung hầu như không hề biết cạn của nó chỉ dần dần được tiết lộ sau ngày nhà thơ qua đời).

Nhan để cuốn sách đó, hiện đã được xuất bản bằng song ngữ Bồ Đào Nha - Pháp trong “Tủ sách của tác phẩm tiêu biểu" của Unesco, nói lên rõ mối quan tâm của Pessoa về tính toàn cầu - đến phút cuối cùng, ông đã lấy nhan đề đó thay cho nhan đề ban đầu là Portugal. Mong rằng Thông điệp đó, như mong ước của nhà thơ, sẽ là một thông điệp hy vọng cho mọi dân tộc, mọi con người.

JOSEAU GUUSTO SLABRA

(Nhà thơ, nhà phê bình văn học Bồ Đào Nha)




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/1060-02-633389497505972028/Danh-nhan-van-hoa-va-nhung-nha-van-noi-ti...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận