Tài liệu: Aleksei Nikolaeyits (1883 - 1945) nhà văn Nga Xô Viết

Tài liệu
Aleksei Nikolaeyits (1883 - 1945) nhà văn Nga Xô Viết

Nội dung

ALEKSEI NIKOLAEYITS TOLSTOI (1883 - 1945)

NHÀ VĂN NGA XÔ VIẾT

 

A.Tolstoi sinh ngày 10 tháng Giêng 1883, tại thành phố Nhicôlaievsk, trong một gia đình quý tộc địa chủ. Mẹ là nhà văn chuyên viết cho thiếu nhi. Thuở nhỏ, lớn lên ở trại ấp của bố dượng tại một làng nhỏ trên thảo nguyên gần Samara. Học trung học tại Samara. Sau đó vào Học viện kỹ thuật ở Petersbourg, tham gia biểu tình của sinh viên, bỏ học đi vào nghề văn, chuyên làm thơ viết truyện, tiểu thuyết, ký, kịch. Tác phẩm xuất bản đầu tiên là tập thơ Trữ tình (1907) ảnh hưởng của chủ nghĩa Tượng trưng và phái Suy đồi. Từ năm 1909 chuyên viết truyện hiện thực về giai cấp quý tộc đang phá sản. Trong chiến tranh thế giới I, ông là phóng viên mặt trận, đi Anh, Pháp, thấy rõ bản chất chủ nghĩa đế quốc và bản chất của nhân dân Nga. Hoan nghênh Cách mạng tháng Hai 1917, nhưng lại hoang mang trước Cách mạng tháng Mười 1917; ông cùng gia đình ra nước ngoài sống lưu vong tại Pháp, Đức. Năm 1922 gặp M.Gorki. Năm 1923, trở về Tổ quốc, viết văn, viết báo phục vụ đất nước Xô Viết. Trong chiến tranh thế giới II, ông viết nhiều bài chính luận sắc bén, những vở kịch, tiểu thuyết, truyện ngắn, khích lệ lòng yêu rước và cổ vũ nhân dân chống xâm lược phát xít. Vì những cống hiến to lớn trong sáng tạo, năm 1928 ông được tặng thưởng Huân chương Lênin; năm 1942, được tặng Huân chương lao động Cờ đỏ. Ông còn là nhà hoạt động xã hội tích cực: ông là ủy viên Ban Chấp hành Hội nhà văn Liên Xô trước đây, Viện sĩ Viện Hàn Lâm khoa học Liên Xô, đại biểu Xô Viết Tối cao Liên Xô. Ông mất ngày 23 tháng Mười Một 1945 tại Moskva, thọ 62 tuổi.

A.Tolstoi đã để lại những tác phẩm nghệ thuật kiệt xuất cho văn học Nga và nhân loại. Những tác phẩm ban đầu của ông chủ yếu viết về sự sa đoạ, tàn bạo, vô nghĩa và mất sức sống trong những ngày tàn của giai cấp quý tộc, địa chủ Nga. Nổi bật có những tiểu thuyết: Những người lập dị (1911), Hai cuộc đời (1911), Ông chủ thọt (1912), Những cuộc phiêu lưu của Paschiooghin (1913).

Sau cách mạng tháng Mười ông sống lưu vong ở nước ngoài, viết cuốn tiểu thuyết Hai chị em (1917 - 1919), tập đầu của bộ tiểu thuyết sử thi đồ sộ về Cách mạng tháng Mười và nội chiến. Con đường đau khổ, tập hai của bộ tiểu thuyết này là Năm mười tám phải tới 1929 mới viết xong, và tập cuối Buổi sáng ảm đạm hoàn thành vào năm 1942. Tập tiểu thuyết nổi tiếng phản ánh quá trình phức tạp của người trí thức Nga trên con đường đi tới cách mạng. Tác phẩm được tặng giải thưởng quốc gia Liên Xô. Bộ tiểu thuyết lịch sử ba tập Piotr Đại đế (1929- 1945), cũng là tác phẩm được nhận giải thưởng quốc gia Liên Xô, gây hứng thú với hàng triệu độc giả trên thế giới. Nó đã miêu tả cuộc đời của vị Hoàng đế Nga vĩ đại. Tác phẩm thứ ba của ông được nhận giải thưởng quốc gia Liên Xô là vở kịch lịch sử Ivan Grôdơnưi (1941- 1945). Người đọc còn đặc biệt yêu mến những tác phẩm khoa học viễn tưởng của ông như Aetita (1923) kể về sự chinh phục Vũ trụ của người Xô Viết trên sao Hỏa, Chiếc đèn chiếu của kỹ sư Garin (1927) mang tư tưởng chống chủ nghĩa đế quốc, tư bản... Đặc biệt tác phẩm viết cho thiếu nhi Chiếc chìa khoá vàng đã làm say mê hàng triệu độc giả nhỏ tuổi trên thế giới.

Các tác phẩm của A.Tolstoi thấm đượm tinh thần yêu nước, tư tưởng lạc quan tươi sáng, thể hiện truyền thống văn hóa Nga sâu sắc, với văn phong cổ điển mẫu mực. Ông là người có công lớn trong việc tạo dựng và phát triển thể loại tiểu thuyết sử thi Nga và kịch lịch sử Nga đến độ hoàn mỹ.




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/1060-02-633389496214565778/Danh-nhan-van-hoa-va-nhung-nha-van-noi-ti...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận