LEONARD BLOOMFIELD (1887 - 1949)
NHÀ NGÔN NGỮ HỌC LỚN NHẤT CHÂU MỸ
NỬA ĐẦU THẾ KỶ XX
Leonard Bloomfield (Lêonard Blumphin) sinh ngày 1 tháng Tư 1887 tại Chicago và mất ngày 18 tháng Tư 1949 tại Niu Hêvơn. Ông bắt đầu học Đại học tại trường Haward, ngành ngữ văn học Đức, sau đó, học tiếng Sanscrit và ngôn ngữ Ấn - Âu ở Laixich (Đức) cùng với K.Brucgmann và A.Leskien, là hai trong số những người sáng lập trường phái Ngữ pháp trẻ. Sau khi tốt nghiệp, ông trở thành trợ giáo tiếng Đức tại trường Đại học Wisconsin. Ở đây Bloomfield được gặp Giáo sư văn học E.Prokosh. Sau này Prokosh đã kết thân lâu dài với Bloomfleld và giúp đỡ ông trong nghiên cứu ngôn ngữ học.
L.Bloomfield bảo vệ luận án Tiến sĩ năm 1909 về đề tài Sự khác biệt ngữ nghĩa ở biến âm thứ hai trong tiếng Đức. Trong thời gian 1909 - 1927, ông vừa dạy ngữ văn học Đức và ngôn ngữ học, vừa nghiên cứu ngôn ngữ học đại cương ở nhiều trường Đại học của Mỹ, trước khi được mời làm Giáo sư ngữ văn học Đức ở trường Đại học Chicago. Từ năm 1940, ông được mời làm Giáo sư ngôn ngữ học ở trường Đại học Yan. Trường Đại học này nổi tiếng nhờ ngành ngôn ngữ học. Thuật ngữ trường phái Yan được dùng đồng nghĩa với trường phái Bloomfield. Năm 1935, L.Bloomfield được bầu làm Chủ tịch Hội ngôn ngữ học Mỹ.
Những công trình đầu tiên của Bloomfield hướng về ngữ pháp lịch sử. Nhưng sau đó, ông nhanh chóng mở rộng ra nhiều lĩnh vực khác, tiêu biểu là trong công trình Dẫn luận về nghiên cứu ngôn ngữ (1914). Công trình này chịu ảnh hưởng của lý thuyết tâm lý, tâm linh và lịch sử của W.Wundt (1832 - 1920). Ít lâu sau, ông tiến hành hàng loạt công trình nghiên cứu về ngôn ngữ người da đỏ. Đó là loại ngôn ngữ có những đặc điểm khác hẳn các ngôn ngữ Ấn - Âu. Nhờ thế, chúng tạo cho ông một cái nhìn mới mẻ và hoàn chỉnh hơn về ngôn ngữ học đại cương.
Bước ngoặt quan trọng trong quan điểm của L.Bloomfeld về ngôn ngữ học được đánh dấu vào những năm hai mươi, khi mà hầu như đồng thời với những công trình đầu tiên của trường phái ngôn ngữ học Praha, ông công bố bài báo Các định đề cho khoa học ngôn ngữ (1926). Trong công trình này, ông đề xuất một lý thuyết và một phương pháp mới về ngôn ngữ học. Để trình bày rõ ràng và chính xác hơn những tư tưởng của mình, Bloomfeld đã áp dụng hình thức toán học các định đề, nghĩa là các tiên đề và giả thiết. Ông đề ra nhiệm vụ xây dựng các định đề như là nhiệm vụ cơ bản của ngôn ngữ học lý thuyết. Quan điểm xây dựng lý thuyết mới về ngôn ngữ học và phương pháp nghiên cứu ngôn ngữ của L.Bloomfield được trình bày trong công trình dầy gần 600 trang, cho đến nay vẫn được coi là kinh điển: Ngôn ngữ (1933). Công trình đó đã trở thành sách giáo khoa thuộc mọi lĩnh vực nghiên cứu ngôn ngữ đối với các nhà ngôn ngữ học Mỹ. Trong lịch sử ngôn ngữ học Mỹ thế kỷ XX, quyển sách này chiếm một vị trí đặc biệt. Nó được đánh giá giống như Giáo trình ngôn ngữ học đại cương của Ferdinand de Saussure trong lịch sử ngôn ngữ học châu Âu. Nó có vị trí quyết định trong lịch sử ngôn ngữ học cấu trúc. Đó là ''một quyển sách ngôn ngữ học vĩ đại nhất trong thế kỷ chúng ta, ở cả bên này lẫn bên kia Đại Tây Dương'' (R.A.Hall, 1951). Những luận điểm về nhiệm vụ, nguyên tắc và phương pháp do Bloomfield nêu ra đã trở thành cơ sở phát triển của một khuynh hướng: Ngôn ngữ học miêu tả. Khuynh hướng này đã thống trị trong nền ngôn ngữ học Mỹ suốt một phần tư thế kỷ (1933- 1957). Lần đầu tiên, phương pháp so sánh lịch sử đã được áp dụng để nghiên cứu cơ cấu tổng hợp của ngôn ngữ. Bloomfield tổng hợp những kết quả tiêu biểu nhất của phương pháp ngôn ngữ học lịch sử - so sánh, và phát triển sâu sắc phương pháp miêu tả các sự kiện ngôn ngữ, Phương pháp này được các nhà ngôn ngữ học Mỹ vận dụng và phát triển. Những quan điểm lý thuyết của Bloomfield đã được ngôn ngữ học miêu tả Mỹ vận dụng và phát triển mà cơ sở triết học của nó là chủ nghĩa thực chứng. Nhiệm vụ trung tâm của trường phái ngôn ngữ học Mỹ là miêu tả ngôn ngữ. Họ ghi lại những sự kiện ngôn ngữ, nhưng không giải thích chúng. Nếu như những quan điểm đặc sắc và độc đáo của ông đã bị chỉ trích rất nhiều khi công bố quyển Ngôn ngữ, thì sau khi ông qua đời, chúng lại được chấp nhận ở các trường Đại học Mỹ và trở thành cội nguồn một trường phái mới, Trường phái phân bố hay Trường phái Bloomfield mới. Học trò của Bloomfield có rất nhiều người nổi tiếng, trong số đó, tiêu biểu hơn cả là B.Bloch, E.A.Nida, R.G.Wells, Z.S.Harris, Ch.Morris.
Trong thời gian chiến tranh Thế giới thứ hai, do nhu cầu thực tiễn phục vụ mục đích quân sự, ở Mỹ, người ta đề ra một chương trình: “dạy tiếng cấp tốc”. Các nhà ngôn ngữ và các nhà sư phạm phải xây dựng những giáo trình dạy tiếng thực hành, dạy nói chứ không dạy lý thuyết về một ngôn ngữ, bao gồm khoảng 40 ngôn ngữ quan trọng nhất. Bloomfield tham gia rất tích cực công việc này. Ông xây dựng cơ sở lý thuyết cho việc dạy tiếng nước ngoài. Các ngôn ngữ chưa được biết, được xem như một loại mã cần phải được giải. Tất cả về những hiểu biết về loại mã này (tức là một ngôn ngữ) cần phải thu được qua quá trình phân tích nó. Những ý kiến của Aloomfield được thể hiện trong các giáo trình tiếng Nga và tiếng Đức, đặc biệt là ở công trình Hướng dẫn khái quát về phương pháp thực hành trong việc học tiếng nước ngoài (1942). Vào những năm 50, một số lĩnh vực của ngôn ngữ học Mỹ đã được phát triển được ảnh hưởng của công tác dịch tự động các văn bản. Nó đã được xuất phát từ tư tưởng phân tích ngôn ngữ thuần tuý về hình thức của Bloomfield. Leonard Bloomfield được coi là nhà ngôn ngữ học lớn nhất của Châu Mỹ nửa đầu thế kỷ XX. Ảnh hưởng của ông tới nền ngôn ngữ học Mỹ thường được ví như ảnh hưởng của F.de Saussure tới nền ngôn ngữ học Châu Âu.
TS. HÀ QUANG NĂNG