ANNA AKHƠMATÔVA MỘT HỒN THƠ NGA (1889- 1966)
Tên thật là Anna Anđrêevna Gôrenko. Sinh ngày 23 tháng Sáu năm 1889, trong một gia đình Đại úy hải quân tại Bôlsôi Fontan, gần thành phố cảng Ôđessa. Đặt tên Thánh tại nhà thờ Prêôbragienxkaia (Ôđessa) vào ngày 29 tháng Sáu năm 1889. Sau này, nữ sĩ đã ghi lại trong thơ: Tôi được đặt tên Thánh trong lễ rửa tội.
Năm 1890, mới hơn một tuổi, Anna đã theo gia đình chuyển nhà về Pavlôvsk, năm sau lại chuyển đến Hoàng thôn, một trung tâm văn hóa nổi tiếng gần kinh đô Petersbourg thời ấy. Cô bé Anna, con gái thứ ba của gia đình, từ tấm bé đã lớn lên và trải qua tuổi ấu thơ và thời thiếu nữ ở Hoàng thôn.
Mười một tuổi, Anna vào học trường trung học tại Hoàng thôn. Tuổi cắp sách đến trường ngây thơ hồn nhiên của Anna trải qua nơi trung tâm văn hoá gần chốn kinh kỳ đã sớm để lại một hồn thơ Nga trong tâm tưởng cô bé mới mười một tuổi. Đó là năm Anna bắt đầu làm thơ với bài thơ đầu tay Tiếng nói (Gôlôs). Những cảm xúc thơ của tuổi nhỏ, cũng như sau này nữ sĩ kể lại, bà đã chịu ảnh hưởng của thơ Đergiavin và Nhêkráxôv trước khi ảnh hưởng thơ Pushkin đến chiếm linh hồn thơ bà.
Mười bốn tuổi, Anna gặp và làm quen với Nhicôlai Gumilốv, sau này là người bạn đời của bà. Năm Anna mười sáu tuổi, bố mẹ li dị nhau, Anna theo mẹ chuyển đến Evpatoria trên bờ Biển Đen. Tại đây, Anna đã làm rất nhiều thơ trong chuỗi ngày buồn thảm nhớ Hoàng thôn.
Hai mươi mốt tuổi, Anna làm lễ cưới với nhà thơ N.Gumilốv tại nhà thờ Nhikôlskaia gần Kiév. Ngày 13 tháng Sáu năm 1910, ở Petersbourg, lần đầu tiên Anna Akhơmatôva đọc thơ trước công chúng. Gặp gỡ và làm quen với Osiv Manđelstam (1911), với Alersxanđr Blôk (1911, 1913, 1914). Năm 1912, ra tập thơ đầu tay Chiều hôm với số lượng in 300 bản.
Anna Akhơmatôva có quan hệ văn thơ với A.Blôk, hai nhà thơ nhiều lần gặp gỡ, đàm luận, tặng sách và thơ cho nhau. Thơ Anna Akhơmatôva tặng A.Blôk có những câu:
Tôi tới nhà thi sĩ
Ngày chủ nhật Giữa chưa
Phòng thênh thang lặng lẽ
Ngoài song trời buốt tê…
(Tháng Giêng 1914)
Ngày 25 tháng Chạp 1915, nhà thơ Sergeei Esênin đến Hoàng thôn thăm Anna Akhơmatôva. Năm 1914, cho in lần đầu tập thơ thứ hai - Chuỗi hạt với số lượng in 1000 bản, tái bản đến lần thứ ba (1915, 1916). Năm 1917, in tập thơ thứ ba - Bầy chim trắng, năm sau tái bản lần hai. Năm 1918, ly dị với Nhicôlai Gumilốv.
Ngày 20 tháng Hai 1919, tại câu lạc bộ văn học nghệ thuật Nơi dừng chân của các diễn viên hài kịch đã diễn ra Dạ hội lần thứ 30 của các nhà thơ Nga. Anna Akhơmatôva tham dự và đọc thơ của mình cùng với các nhà thơ có tên tuổi như Alếsanđơ Blôk, N.Gumilốv, S.Êsênin, G.lvanốv, M.Kuzmin...
Năm 1921, xuất bản tập thơ thứ tư của nữ sĩ Cây mã đề với số lượng in 1000 bản. Cùng năm đó in riêng trường ca Bên bờ biển với số lượng in 3000 bản. Tập thơ thứ năm là Anno Domini (1921) in 2000 bản. Gặp gỡ và làm quen với B.L.Pasternak (tháng Giêng 1922), với S. la Marshak (1927).
Thơ Anna Akhơmatôva từ năm 1927 đã được dịch ra tiếng Anh (Akhmatova A.Forty-seven Love Poems. Translated and introduced by Natalie Duddington. London, 1927), những năm sau được dịch ra tiếng Đức, tiếng Pháp, tiếng Balan, tiếng Nhật, tiếng Do Thái Cổ đại, tiếng Ucraina.
Từ đầu những năm 20, Anna Akhơmatôva trở thành nhà thơ nữ có tên tuổi trên văn đàn thơ ca Xô Viết. Thơ Anna được lưu truyền rộng rãi khắp đất nước Nga, được những người dân Nga bình thường yêu thích tìm đọc và nhớ nhập tâm nhiều bài. Nhưng văn nghiệp của nữ thi sĩ đã trải qua hai lần sóng gió: lần đầu, chồng bà nhà thơ Nhicôlai Gumilốv (trong nhóm nhà thơ đỉnh cao gồm Gôrôddetxki, Kuzmin, và thời kỳ đầu có Gumilốv, Akhơmatôva, Manđelstam) bị kết tội chống chính quyền Xô Viết và lãnh án tử hình; lần thứ hai Anna Akhơmatôva bị chính thức lên án trong một nghị quyết về tạp chí Ngôi sao và Lêningrad (14 tháng Tám 1946), sau đó ít lâu Akhơmatôva cùng với Dôshenkô bị khai trừ ra khỏi Hội nhà văn Liên Xô (ngày 4 tháng Chín 1946). Bốn mươi hai năm sau (tháng Mười 1988) danh dự của Akhơmatôva được khôi phục trong một nghị quyết khác của Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô phủ nhận nghị quyết sai lầm ngày 14 tháng Tám 1946. Trước đó, năm 1953, Akhơmatôva đã được khôi phục là hội viên Hội Nhà văn Liên Xô.
Ngoài sáng tác thơ ca, Akhơmatôva còn để tâm nghiên cứu về cuộc đời là sự nghiệp sáng tác của thi hào Pushkin, quan tâm đến kiến trúc của thành phố cổ Petersbourg. Cuộc chiến tranh giữ nước vĩ đại của nhân dân Liên Xô nổ ra khi bà ở Lêningrad, sau đó vài tháng bà ở Moskva, rồi ở Tashkent đến tháng Năm 1944. Cũng như nhiều nhà thơ Xô Viết khác, trong thời gian này Akhơmatôva thường đến nói chuyện ở các quân y viện, đọc thơ cho thương binh nghe.
Anna Akhơmatôva cũng rất quan tâm đến những vấn đề dịch tác phẩm văn học nghệ thuật. Bà dịch khá nhiều cho đến tận cuối đời. Bà dịch thơ nước ngoài và thơ của các nước cộng hoà trong Liên bang Xô Viết, đáng kể là bà đã để nhiều tâm sức dịch những áng thơ trữ tình cổ đại của Hàn Quốc, Trung Quốc, trong đó có bài thơ trường thiên Ly Tao của Khuất Nguyên (khoảng năm 340- 278 Tr.C.N).
Năm 1950, xuất bản tập thơ Ngợi ca hòa bình và đến cuối đời xuất bản Tuyển tập thơ Akhơmatôva Thời gian trốn chạy (1965). Tháng Mười Hai 1964, trường Đại học Tổng hợp Oxford (Anh) phong học vị danh dự Tiến sĩ văn học cho nữ sĩ. Năm 1989, nhân kỷ liệm 100 năm ngày sinh Anna Akhơmatôva, Unesco lấy tên nữ sĩ đặt cho năm 1989 là Năm văn hóa thế giới. Thơ Akhơmatôva thường cô đọng, mỗi bài thơ là một câu chuyện tâm tình độc đáo, thơ bà là tiếng nói riêng được nén chặt từ con tim chất phác, không dối lừa, tiếng nói giàu sức biểu cảm từ bên trong.
Anna Akhơmatôva là một hồn thơ Nga chân chính, một hiện tượng thơ lớn đáng chú ý trong nền thơ ca Nga Xô Viết.
PTS. NGUYỄN XUÂN HÒA