PAUTOVSKI KONSTANTIN GEORGIJEVITSH
(3-5-1892 - 14-7-1968)
Nhà văn Nga, sinh và mất tại Moskva. Sinh trưởng trong một gia đình Kozăk miền Dapôrôgie. Bố là nhân viên ngành đường sắt. Học trung học ở Kiev đến lớp sáu thì gia đình bị khánh kiệt phải đi dạy tư để kiếm sống và tiếp tục học lên. Sau khi tốt nghiệp trung học, vào học Khoa lịch sử tự nhiên trường Đại học Tổng hợp Kiev, hai năm sau chuyển sang Khoa luật trường Đại học Tổng hợp Moskva, nhưng rồi bỏ dở. Pautovski bắt đầu viết văn từ những năm cuối của bậc trung học. Truyện ngắn đầu tiên in trên tạp chí Những ngọn lửa của vùng Kiev 1912, song cũng phải mười năm sau sự nghiệp văn chương mới thực sự bắt đầu. Khoảng thời gian 1913-1923, Pautovski lang thang khắp nước Nga và trải qua khá nhiều nghề như: bán vé xe điện, lái xe điện, làm y tá trên các đoàn tàu quân y, chọn phế phẩm trong các xí nghiệp sản xuất đạn trái phá, rồi học nghề đánh cá, v.v... Đầu những năm 20, cho đăng bài trên các báo Người thuỷ thủ (Odessa), Hải đăng (Batum). 1923, ông trở về Moskva làm biên tập viên của một tờ báo, tên tuổi ông trở nên quen thuộc với độc giả trong nước từ đó. Tuy vậy, trước những năm 30, sáng tác của Pautovski chưa phải là những tác phẩm thật có giá trị. Trong các truyện Những người lãng mạn, Những đám mây lấp lánh...nhân vật chủ yếu được tạo dựng do óc tưởng tượng lãng mạn của tác giả chứ chưa phải là những con người có thực trong cuộc sống. Sau này chính nhà văn đã viết : ''Lúc đó, tôi đặt cuốn sách lên trên cuộc đời chứ không phải đặt cuộc đời trên cuốn sách''. 1932, Pautovski cho ra mắt truyện đài Kara-Buga và tiếp đó 1934, là truyện dài Cônkhiđa ca ngợi sức sáng tạo của tuổi trẻ Xô Viết trong công cuộc chinh phục thiên nhiên, xây dựng xã hội mới: Thành công của hai tác phẩm đã gây một tiếng vang lớn, đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong sự nghiệp sáng tác của ông. Từ đây, Pautovski xin thôi công tác ở tòa soạn báo để dành hết thì giờ cho việc viết văn. Hơn nửa thế kỷ hoạt động nghệ thuật, nhà văn đã để lại một khối lượng tác phẩm khá phong phú và đa dạng về đề tài và thể loại. Số phận của Saclơ Lôngxeevin (1933), và Tiểu thuyết phương Bắc (1938) là hai tác phẩm lấy đề tài lịch sử. Truyện đầu miêu tả số phận bạc bẽo của viên Đại úy Kỹ sư pháo binh quân đội Napoléon bị lính Kozăk bắt năm 1812 rồi bị giải về nhà máy Pêtơrôdavôtxkơ - một nhà máy đúc súng thần công và tàu của Piốt Đại đế. Y đã bỏ xác ở đấy vì bệnh sốt nóng. Số phận của Saclơ Lôngxeevin còn dựng lại toàn bộ lịch sử nhà máy với những bức tranh miêu tả cảnh lao động cực khổ của những người thợ thủ công giàu tài năng, về phong tục, tính cách Nga trong lịch sử về phương pháp đúc đồng Công thời cổ. Tuy thế, khi viết tiểu thuyết lịch sử, Pautovski thường không chủ trương tái dựng lại thật tỷ mỹ, xác thực các biến cố lịch sử với số lượng nhân vật đông đảo và những bối cảnh xã hội rộng lớn như nhiều nhà viết tiểu thuyết lịch sử khác. Trong Tiểu thuyết phương Bắc (1938) - lấy bối cảnh là khoảng thời gian diễn ra cuộc cách mạng Tháng Chạp - nhà văn chỉ cố gắng miêu tả những cảm xúc của con người trước chiến công, lòng trung thành với Tổ quốc và sự hy sinh anh dũng của các chiến sĩ đấu tranh cho tự do... qua đó truyện cho người đọc niềm tự hào, sự thân thiết với quá khứ của cha ông. Pautovski còn thường xuyên viết về công việc sáng tạo nghệ thuật của người nghệ sĩ như họa sĩ, nhạc sĩ, nhà văn ông đã cho in: Ôrest Kipreski (1937), Tarax Sevsencô (1939), Tiểu thuyết về rừng (1949), và Bông hồng vàng từ trước những năm 40, song chiến tranh vệ quốc bùng nổ, ông phải dành thời gian cho những sáng tác cấp thiết hơn. Mãi sau này, trong hơn 10 năm tham gia hướng dẫn giảng dạy tại Học viện Gorki, dự định cũ mới được thực hiện. Sách in lần đầu trên tạp chí tháng Mười (số ra tháng Chín và Mười 1955) đã lập tức thu hút được đông đảo độc giả trong và ngoài nước. Bông hồng vàng gồm những ghi chép, suy nghĩ của Pautovski về công việc của người viết văn đã được nghệ thuật hóa dưới dạng những truyện ngắn đặc sắc. Trong vòng 18 năm (1945 - 1963), Pautovski cho in rải rác thiên anh hùng ca tự thuật nhan đề Câu chuyện một cuộc đời, gồm 6 phần lớn, mỗi phần mang một tên riêng, phản ánh đời sống xã hội Nga những năm đầu thế kỷ XX với những biến cố lớn lao của chiến tranh và cách mạng.
Từ nửa sau những năm 30, Pautovski cho đăng liên tục các truyện ngắn viết theo nguyên tắc ít sự kiện, đề tài trữ tình. Đặc điểm của loại truyện này là câu chuyện thường được bắt đầu từ những điều rất nhỏ trong đời sống như một cuộc gặp gỡ bất ngờ, một sự trùng lặp vô tình nào đó gợi thức những kỷ niệm xa xăm còn nằm sâu trong tâm hồn con người; lại có truyện chỉ xoay quanh một con búp bê, một lẵng quả thông, một chiếc lá rụng... nghĩa là tất cả những gì rất đơn sơ trong cuộc sống mà bình thường ta dễ bỏ qua. Và từ những điều nhỏ bé đó nhà văn đã tìm ra những nét trữ tình thú vị của một nội dung sâu sắc; rồi qua câu chuyện của mình làm sống dậy trước mắt người đọc số phận một nhân vật dấu vết một thời gian.
Ở truyện ngắn của ông, người, ta không thấy những cốt truyện đầy tính kịch, các xung đột phức tạp hay nhân vật mang cá tính độc đáo, tuân thủ một diễn biến với đầy đủ các khâu: thắt, điểm đỉnh, mờ v.v... Thậm chí những sáng tác vào giai đoạn cuối, nhà văn dường như còn cố ý xa rời lối kể chuyện có trước, có sau một cách trọn vẹn. Cốt truyện của ông không giống Pushkin, Gogot, Gorki cũng không giống Tshekhov với kiểu cốt truyện ''là một cái gì đó có thể xảy ra, sắp xảy ra, rồi lại không xảy ra…” mà như chính Pautovski đã nói, đó là ''cái không bình thường được hiện ra như cái bình thường và cái bình thường hiện ra như một cái gì không bình thường”, trong đó các yếu tố như tình tiết, sự kiện, nhân vật thường được triển khai theo mạch vận động cảm xúc và suy tưởng. Vì thế có nhiều ý kiến cho rằng truyện ngắn Pautovski thuộc loại ''truyện không có chuyện'', gần với thơ và khó tóm tắt một cách rạch ròi. Chất thơ trong văn xuôi là một biểu hiện đặc sắc trong phong cách nghệ thuật của Pautovski. Đó là sự kết hợp nhuần nhuyễn cái khí sắc lãng mạn – đặc điểm xuyên suốt từ những sáng tác đầu tay của ông với bút pháp trữ tình cùng cái duyên mượt mà của một văn phong điêu luyện làm cho những “bài thơ văn xuôi” của ông thấm vào hồn người một cách nhẹ nhàng tinh tế; và rồi cứ sau mỗi câu chuyện, người đọc lại tìm thấy một niềm vui nho nhỏ, một chút thanh thản trong tâm hồn, xa hơn nữa, nhiều khi đó là “cả một chân trời mới mẻ của cái đẹp”.
(Trích trong Từ điển văn học – NXB KHXH, 1983)