Tài liệu: Bertolt Brecht (1898 - 1956)

Tài liệu
Bertolt Brecht (1898 - 1956)

Nội dung

BERTOLT BRECHT (1898 - 1956)

 

Bertolt Brecht (Bertôn Brếch) tên thật là Eugen Berthoed Friedrich Brencht. Sinh ngày 10 tháng hai 1898 tại Augsburg (Aoxbuốc), mất ngày 12 tháng Tám 1956 tại Berlin. Ông là nhà viết kịch nổi tiếng thế giới, nhà thơ, nhà văn, nhà lý luận, nhà đạo diễn xuất sắc.

Sinh trưởng trong một gia đình giàu có, bố là chủ nhà máy. Năm 1917, học Đại học văn, triết và y ở Muyních; cuối chiến tranh thế giới I bị động viên vào lính; năm 1918 là ủy viên Hội đồng quân nhân ở Augsburg. Năm 1919-1923, tiếp tục học Đại học. Sau chuyển sang hoạt động sân khấu (viết kịch và đạo diễn ở Muyních: Năm 1922 được giải thưởng Kleist (Claist) về vở kịch Tiếng chày trong đêm - lúc đầu đặt tên là Spactaquit) mà nội dung là nói nỗi thất vọng của ông đối với diễn biến của cuộc cách mạng tháng 11.

Năm 1924, chuyển về Berlin, làm đạo diễn cho nhà hát Đức đến năm 1926. Hai năm sau đó, bắt đầu nghiên cứu chủ nghĩa duy vật biện chứng, tham dự các buổi thuyết trình lập trường công nhân Mác xít. Năm 1928, kết hôn với nữ diễn viên Helene Weigel (Hêlêne Vaighen), thu được kết quả đầu tiên về vở Nhạc kịch ba xu (1931 chống lại hãng làm phim chỉ quay vở nhạc kịch đã xuyên tạc nội dung xã hội).

Năm 1930 cùng Eisler (Aislơ) sáng tác các bài ca chính trị; xuất bản tạp chí Những thí nghiệm; tham gia làm bộ phim hiện thực có giá trị: Kulơ Vămpơ.

Năm 1933, lánh nạn sang áo, Thụy Sỹ, Pháp, Đan Mạch... Tham dự Đại hội các nhà văn Quốc tế tại Paris (1935). Từ 1936 cùng Brêđen và Foivăngngơ xuất bản tạp chí văn học tiếng nói tại Moskva 1941. Qua Thụy Điển, Phần Lan, Liên Xô sang Mỹ; tại đó, năm 1947 ông bị tra hỏi trước Tiểu ban đấu tranh chống những thái độ phi Mỹ. Cùng năm đó, trở về châu Âu, dừng lại ở Thụy Sĩ cho đến năm 1948 và Berlin và cùng vợ lập ra Đoàn văn công Berlin. Ông đã tích cực hoạt động xây dựng nền văn hóa dân chủ và xã hội chủ nghĩa. Trở thành Viện sĩ viện Hàn Lâm nghệ thuật Đức (DAK), Chủ tịch trung tâm văn bút Đông và Tây. Được trao tặng Giải thưởng Quốc gia (1951); Giải thưởng hòa bình Quốc tế Lênin (1954).

Brecht sáng tác rất sớm; chịu ảnh hưởng của Vêndêkin, ông đã viết những bài thơ đả kích chế độ tư bản và đạo đức tư sản bày tỏ tình cảm đối với những người bị chà đạp trong xã hội. Nổi tiếng nhất là bài Truyền thuyết về người lính chết trận.

Brecht sử dụng chất liệu ngôn ngữ, mang đậm màu sắc dân ca để vạch trần bộ máy chiến tranh đế quốc và đạo lý ăn cướp của giai cấp tư sản. Năm 1922-1923 cho ra đời vở ca kịch nổi tiếng Baal nói về một nhà thơ kiên quyết không che đậy các xung đột xã hội người bóc lột người, dù bị đẩy ra bên lề xã hội. Tiếp đó, ông cho ra đời các tác phẩm: Cuộc đời của Eđuác II ở Anh (1924), Trong rừng những thành phố (1923-1927), Người là người (1927). Nội dung: nhằm báo trước tai họa của chủ nghĩa phát xít đang đến; tố cáo chủ nghĩa tư bản biến anh công nhân Gay Gay thành một tên lính thực dân của chủ nghĩa phát xít.

Việc nghiên cứu lý luận kinh điển và chính trị kinh tế học đã giúp ông sáng tác nhiều vở kịch tiêu biểu. Sự vùng lên và thất bại của thành phố Mahagonny (1927). Nhạc kịch ba xu (1928) với nội dung tố cáo chế độ tư bản độc quyền. Đây cũng là thành công bước đầu của hình thức kịch tự sự mà Brecht có ý thức xây dựng. Ông dày công nghiên cứu, tìm ra cách thể hiện trên sân khấu mối quan hệ biện chứng giữa thực trạng xã hội và thái độ của người xem nhằm thay đổi thực trạng đó. Với lối diễn xuất này, tạo ra được sự đồng cảm, ảo tưởng được thay thế bằng việc cùng suy nghĩ, thái độ tỉnh táo và phê phán. Sân khấu tái hiện các quá trình xã hội, thuật lại những gì đã xảy ra và nhấn mạnh yếu tố giáo huấn, giác ngộ người xem. Tình trạng xã hội và đời sống con người không phải là bất biến, trái lại có thể và cần phải thay đổi. Những chuyện đời thường được trình bày một cách xa lạ đi để người xem đặc biệt chú ý đến và sẽ nhận ra rằng, các chuyện ấy có thể thay đổi được, không hề bất biến. Phương pháp biểu hiện này được gọi là gián cách hoặc xa lạ hóa. Các vở kịch mang tính giáo huấn như: Biện pháp. Bài ca về cuộc đời dễ chịu, Mácki Metxơ, Khúc ca đại bác... được coi là những thành công to lớn của việc đưa biện chứng duy vật vào trung tâm tư duy và nghệ thuật. Những quan điểm nghệ thuật kịch của ông được trình bày trong các bài viết: Bàn về kịch (1930), Kịch giải trí hay kịch giáo huấn (1935), Kỹ thuật mới và nghệ thuật sân khấu (1940), Tính biện chứng trên sân khấu (1953)...    

Cũng mang tính chất giáo huấn ấy, nhiều vở kịch của ông với những nội dung khác nhau đã khẳng định những lý tưởng nhân đạo, tiến bộ của con người. Tác giả vạch rõ trong tác phẩm của mình: ''Trẻ con phải thuộc về tình mẹ để chúng được lớn khôn, và thung lũng phải thuộc về người tưới nước để nó đâm hoa kết trái”.

Ngoài kịch, Brecht còn sáng tác nhiều thơ, truyện và tiểu thuyết. Tập 100 bài thơ là một đóng góp vào bản sắc của thi ca Đức; có nhiều bài được phổ nhạc, được in trong sách giáo khoa, như: Gửi đồng bào tôi, Bài ca xây dựng, Những bài ca mới của các em... Ông quan niệm: “Phải tạo ra một thứ thi ca đáp ứng tốt nhất nhu cầu của xã hội”. Về truyện ngắn, đáng chú ý là Những mẫu chuyện kể thao lịch, Chàng Sôkrat bị thương, Những câu chuyện của ngài Kbôinơ. Về tiểu thuyết, có Các cửa hàng của ngài Giulius Xexa được coi là mẫu mực của một thể loại dài hơi mà diễn đạt bằng thứ ngôn ngữ súc tích, mạch lạc, khẳng định sự phát triển của sự sống.

Johannes R. Becher (G.Bêsơ), nhà lãnh đạo văn hoá, thi sĩ lỗi lạc của Đức đã làm thơ tỏ lòng thương tiếc vì Brecht qua đời quá sớm. Ông cho rằng, Brecht là một trong những nghệ sĩ lớn nhất của thế kỷ XX.

DƯƠNG TUẤN HOA




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/1060-02-633389501251597028/Danh-nhan-van-hoa-va-nhung-nha-van-noi-ti...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận