Tài liệu: Jean Paul Sartre (1905-1980) nhà văn, nhà triết học hiện sinh Pháp

Tài liệu
Jean Paul Sartre (1905-1980) nhà văn, nhà triết học hiện sinh Pháp

Nội dung

JEAN PAUL SARTRE (1905-1980)

NHÀ VĂN, NHÀ TRIẾT HỌC HIỆN SINH PHÁP

 

Jean Paul Sartre (Giăng Pôn Sart'rơ) là nhà triết học, nhà văn, nhà hoạt động xã hội nổi tiếng nước Pháp. Sinh tại Paris. Cha mất khi mới 2 tuổi; 11 tuổi mẹ tái giá. Năm 1924, vào học Cao đẳng sư phạm. Năm 1929, đỗ Thạc sĩ triết học. Năm 1931-1939, đi dạy học. Năm 1939, vào lính; đến năm 1940, bị bắt làm tù binh và trốn thoát năm 1941. Từ đó, tiếp tục dạy học và tham gia phong trào kháng chiến chống phát xít. Từ năm 1945, thôi dạy học và sáng lập báo Thời hiện đại, trở thành người mở đường cho triết học chủ nghĩa Hiện sinh (Existentialisme). Đương thời, là một nhà văn hoá có lương tri, từng nhiều lần lên tiếng phản đối chế độ phân biệt chủng tộc, phản đối các cuộc chiến tranh xâm lược. Năm 1964, ông từ chối giải Nobel. Về tư tưởng, ông muốn đóng vai một pháp quan công minh, tự mình soi xét mọi lẽ đúng sai, không thiên tả cũng không thiên hữu.

Về sáng tác, Sartre viết nhiều thể loại, bao gồm cả khảo cứu, bút ký, tiểu luận triết học như Tưởng tượng (1936), Hữu thể và hư vô (1943), Phê phán lý trí biện chứng (1960), Chủ nghĩa Hiện sinh là một chủ nghĩa nhân văn (1946). Phần văn học có các tiểu thuyết và truyện ngắn như: Buồn nôn (1938), Bức Tường (1939), Những con đường của tự do (1945); Các vở kịch như Ruồi, Cửa đóng kín, Cô gái điếm khuôn phép, Chết không mai táng (tập kịch ngắn, 1947), Những bàn tay bẩn (1948), Những người bị giam ở Antôna (1966)...

Sáng tác của Sartre có mối liên hệ chặt chẽ với toàn bộ hệ tư tưởng - triết học của ông. Điều quan trọng hơn là các tác phẩm văn học đều có giá trị biểu cảm nghệ thuật cao, tính sáng rõ, chứ không đơn thuần là thứ loa phát ngôn cho chính kiến của tác giả. Đơn cử tiểu thuyết Buồn nôn có ý nghĩa đặt nền móng cho triết thuyết về cái phi lý, thời gian Hiện sinh và quan niệm tự do. Ở đây, nhân vật chính Rôcăngtanh bỗng nhiên từ bỏ quá khứ, phát hiện ra sự chán chường, phi lý, vô nghĩa lý của cuộc sống. Ôgiê Người - tự học cũng thấy vạn sự trong đời là chắp nối, manh mún, buồn nôn. Song, chính vì tri giác, nhận thức được trạng thái buồn nôn ấy mà con người đạt tới tự do, tự tại, tách bạch cá nhân mình với phần thế giới phi lý thực tại, kể cả sự gián cách với chính con người mình vốn cũng là một thực thể phi lý... Đến vở kịch Ruồi gồm ba hồi, lấy cốt truyện trong thần thoại Hy Lạp, kể về chàng Orest sau 15 năm lưu lạc trở về thành phố quê hương, nơi mẹ chàng đang sống cùng Vua Êgixet, kẻ đã giết cha chàng và chiếm đoạt người mẹ, và một cô em gái bị đày đọa như một kẻ nô lệ. Chàng cùng thầy học trở về thành phố cũ nhưng tất thảy đều hóa thành xa lạ, bẩn thỉu. Chỉ có những con ruồi, những đàn ruồi là sinh sôi nảy nở. Kết cuộc, dù có trả thù được cho cha, cứu được em gái, chàng vẫn thấy cô độc, bị lưu đày giữa thế gian... Nói chung, qua ngòi bút sắc sảo của Sartre người đọc nhận ra tâm trạng của cả một thế hệ, những khía cạnh khác nhau trong xã hội phương Tây và đặt những sáng tác của ông vào tầm cỡ nhân loại.




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/1060-02-633389504137378278/Danh-nhan-van-hoa-va-nhung-nha-van-noi-ti...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận