Tài liệu: Anđre Platonov (1899-1951) nhà văn hiện đại Nga

Tài liệu
Anđre Platonov (1899-1951) nhà văn hiện đại Nga

Nội dung

ANĐRE PLATONOV (1899-1951)

NHÀ VĂN HIỆN ĐẠI NGA

 

A.Platônôv sinh ngày 20 tháng Tám 1899 trong một gia đình thợ nguội, năm 15 tuổi đã làm thợ máy, thợ điện, tập làm thơ, viết báo. Thời kỳ nội chiến (1918-1923) tham gia Hồng quân, sau đó vào học trường Bách khoa Vônônhegiơ và trở thành kỹ sư điện. Nhưng ngay từ năm 1927, Platônôv đã trở thành người chuyên tâm với sáng tác văn học. Có điều do định hướng miêu tả đời sống một cách chân thực nên chẳng bao lâu người ta xem tác phẩm của ông là “tự  nhiên chủ nghĩa”, “có hại với chế độ mới”,… vậy từ năm 1931, các tác phẩm của Platônôv ít xuất hiện trên văn đàn. Ngay đến bản thảo tiểu thuyết Chêvengua mà ông gửi qua nhờ M.Gorki can thiệp cũng bị từ chối. Không nén lòng, Platônôv vẫn tiếp tục viết và đổi bút danh thành F.Trelôvêkôv, hoặc A. Phirsov, v.v… Trong suốt thời kỳ chiến tranh Vệ quốc (1941-1946), Platônôv là phóng viên mặt trận. Với năng khiếu trào lộng sắc sảo, các tác phẩm văn, thơ, tiểu phẩm, tiểu luận của Platônôv được đăng nhiều trên các báo và tạp chí. Tài năng của Platônôv đã được M.Gorki và nhiều văn tài đàn anh đánh giá cao. Nhưng sau chiến thắng (1945), truyện ngắn Gia đình Ivanov của ông vừa được đăng thì bị một nhà phê bình giáo điều quy kết là ''Một truyện vu khống" (Mãi đến 18 năm sau 1964, nhà phê bình này mới lên tiếng trên báo chí cải chính cách đánh giá thiển cận của mình. Hỡi ôi, đến lúc đó thì Platônôv đã yên nghỉ dưới mồ được 13 năm rồi).

Do bị vô hiệu hóa trên văn đàn chính thống, Platônôv cậy cục xin làm một chân quét rác trong trường viết văn mang tên M.Gorki. Nhưng ngay từ năm 1947, nhà văn lớn C.Pautôvski đã nói với các học trò: “Ngay trong trường này đang hiện diện một nhà văn cổ điển!”.

Rồi qua cửa sổ giảng đường, ông chỉ cho các học trò thấy một ông già đang chậm chạp quét rác: ''Các em trông thấy rồi chứ? Người lao công kia là ai ư? Anđrây Platônôv đấy! Ông ấy chắc chắn sẽ là một nhà văn cổ điển của văn học Xô Viết thế kỷ hai mươi này!”. Vào thời gian ấy, lương lao công chỉ một mình ông còn chưa đủ sống, huống hồ con trai ông lại mắc bệnh phổi. Không có tiền cho con, ông lại còn bị nhiễm bệnh. Giữa năm 1950, người con qua đời. Đầu năm sau, vào ngày 5 tháng Giêng 1951, Platônôv cũng vĩnh viễn ra đi trong nỗi cô đơn, đói nghèo và tật bệnh.

Ngoài một số thơ, truyện, ghi chép, tiểu luận... đăng rải rác trên các báo, tạp chí hầu hết các tác phẩm lớn của Platônôv đều in sau khi ông qua đời: một số tuyển tập Hố móng, Chêvengua, Thành phố Gradoph, Pro (1986)... Đây là những tác phẩm tiêu biểu mà các nhà nghiên cứu thời kỳ Perestrôika (cải tổ) coi là ''A.Platônôv đã sớm rung chuông cảnh tỉnh về nguy cơ của những ảo tưởng cuồng tín, những lầm lạc và biến dạng của lý tưởng nhân văn gây nguy hại cho cả dân tộc và chế độ”. Đồng thời, Platônôv đã tạo nên một phong cách văn chương biếm hoạ độc đáo, góp phần cách tân và thúc đẩy nghệ thuật văn xuôi Nga hiện đại phát triển. Điều này được khẳng định hơn nữa khi tác phẩm và tên tuổi A.Platônôv chính thức được hiện diện trong bộ Tuyển tập Hàn lâm của Viện Văn học thế giới thuộc Liên (1989).

NGUYỄN HỮU SƠN - LA PHƯƠNG THẢO




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/1060-02-633389502000972028/Danh-nhan-van-hoa-va-nhung-nha-van-noi-ti...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận