ALEJO CARPENTIER (1904-1980)
NHÀ VĂN LỚN CUBA VÀ CHÂU MỸ LATINH
Alejo Carpentier (Alêjo Carpăngtiê) sinh ngày 26 tháng Chạp 1904 ở thủ đô La Habana trong một gia đình trí thức. Cha gốc Pháp, là kiến trúc sư kiêm nhạc sĩ. Mẹ gốc Nga, từng là sinh viên Y khoa. Carpentier đã theo học âm nhạc và kiến trúc, tham gia làm báo từ năm 18 tuổi. Trong những năm 20, ông tham gia trào lưu Thơ ca người da đen do Nikolas Guildel khởi xướng, rồi Nhóm thiểu số gồm những người tri thức chủ trương sự Phục hưng văn hoá - chính trị ở Cuba. Năm 1927, ông ký tên vào một bản tuyên bố chống chế độ độc tài Machađô, nên bị bắt giam. Chính trong thời gian ở nơi này, ông đã viết những trang tiểu thuyết đầu tiên. Năm 1928, ông được trả tự do nhưng bị trục xuất, phải xin cư trú tại Paris. Tại đây, ông viết một vài truyện ngắn theo định hướng chủ nghĩa Siêu thực; nhưng đến năm 1930, lại ly khai với trào lưu văn học này. Khoảng tám năm sau, ông gần như không viết lách gì mà tập trung vào nghiên cứu thư tịch châu Mỹ. Năm 1931, ông chủ trương tạp chí Đá nam châm có khuynh hướng tiến bộ, song chỉ ra được một số.
Năm 1933, ông cho xuất bản cuốn tiểu thuyết Êcuê - Yamba - Ô ở Madríd, trong đó mô tả những lễ nghi tôn giáo của người da đen châu lục Mỹ Latinh. Năm 1936, ông tham dự Đại hội các nhà văn thế giới bảo vệ văn hóa, ủng hộ nền cộng hòa Tây Ban Nha. Năm 1939, ông trở về Cuba và đi thăm Haiti (1943), sau lại sống một thời gian khá dài tại Venezuela (1945-1959). Đây chính là một thời kỳ sáng tác sung sức nhất của Carpentier, đã báo hiệu sự phát triển mạnh mẽ của nền văn học và tiểu thuyết Mỹ Latinh.
Các tác phẩm chính của Carpentier có tiểu thuyết Êcuê - Yamba - Ô (1933), Vương quốc trần gian (1943), Những dấu ấn đã mất (1953), Thế kỷ ánh sáng (1962), Luận về phương pháp (1973) và một công trình khảo cứu Âm nhạc Cuba (1946)...
Nhìn chung, các tác phẩm của Carpentier để lại cho văn học thế giới những sáng tạo tinh thần hết sức đặc sắc gợi mở, đặc trưng cho nền văn học Mỹ Latinh hiện đại. Đề xuất vấn đề lý luận cái hiện thực huyền ảo từ chính thực tiễn các tác phẩm của mình, Carpentier đã cảm nhận được ngọn nguồn phương thức tư duy của những con người tạo nên vùng văn hóa Mỹ Latinh. Ở đây, những ý niệm về lịch sử, hiện thực và huyền thoại không chỉ tồn tại trong ký ức mà hiện diện trong chính đời sống, có ý nghĩa trầm tích và đồng hiện trong thực tại - tức là việc nhìn ra sự tồn tại những thời đại khác nhau ở Châu Mỹ. Cùng với nhiều nhà văn khác, Carpentier là đại biểu ưu tú khơi mở và giới thiệu nền văn học Mỹ Latinh với thế giới, đồng thời là những người đặt nền móng cho nền văn học Mỹ Latinh hiện đại.