Tài liệu: Samuel Backett (1906 - 1989)

Tài liệu
Samuel Backett (1906 - 1989)

Nội dung

SAMUEL BECKETT (1906 - 1989)

 

Samuel Beckett (Samuơl Beckit) là nhà văn, nhà viết kịch nổi tiếng, người gốc Ailen, viết văn bằng tiếng Anh và tiếng Pháp. Ông tốt nghiệp Đại học tại Thủ đô Đublin, sau chuyển  sang dạy văn học tại Paris (1928-1930); từ năm 1938, ông sang sống ở Pháp. Đương thời ông từng là thư ký và môn đệ của Joyce (1882-1941) người gốc Ailen, từ năm 1920, định cư tại Paris, từng được coi là bậc thầy của văn xuôi phương Tây thế kỷ XX và là người có ảnh hưởng quyết định về quan điểm thẩm mỹ - triết học đối với Beckett. Bản thân Beckett từng thử nghiệm ngòi bút trên các lĩnh vực thi ca, truyện ngắn, tiểu thuyết, song tên tuổi ông gắn bó trước hết với trường phái kịch phi lý - một hiện tượng của văn học và triết học thân sinh thế kỷ XX.

Sáng tác của Beckett gồm các tác phẩm văn xuôi như Mơcphi (1938), Môlôi, Malon chết (1951), Cái không thể gọi tên (1953), Như thế đó (1961), Đầu chết (1967)...Các tác phẩm kịch chủ yếu có: Trong khi chờ Gôđô (1949-1953), Tàn cuộc, Cử chỉ không lời (1957), Cuộn băng cuối cùng (1960), Ôi những ngày đẹp (1963), Đồng hành (1980)...

Cả ở văn xuôi cũng như kịch, các tác phẩm của Beckett đều thống nhất ở âm hưởng bàng hoàng, vô vọng trước cuộc sống, sự phai nhạt lòng tin vào các mối quan hệ giữa con người với con người, ở mảng văn xuôi, hình ảnh con người hiện diện hư một nỗi cô độc, đơn lẻ và tuyệt vọng. Các truyện thường ít nhân vật, nghiêng về diễn tả nội tâm; suy cảm, cảm giác bơ vơ lạc lõng giữa thế gian. Điều này tập trung rõ rệt hơn, thậm chí trở thành một quan niệm triết học trong hầu khắp các vở kịch được mệnh danh là kịch phi lý. Tiêu biểu nhất cho dòng sáng tác này là vở kịch Trong khi chờ Gôđô; đây cũng là sáng tác đặt nền móng cho trường phái văn học phi lý trên sân khấu phương Tây hiện đại. Vở kịch nói về hai anh chàng thất nghiệp, khốn khổ, đang chờ đợi một ông Gôđô nào đó mà mãi vẫn không thấy đâu. Suốt cả vở kịch hai hồi, hai chàng hồi hộp định đoán, chờ đón ông Gôđô, người được hiểu như niềm hy vọng của chính họ. Cho đến khi vở kịch hạ màn rồi mà vẫn không thấy ông Gôđo đến. Cốt kịch thật giản dị, hầu như không có cao trào, mâu thuẫn, thắt nút, cởi nút. Tất cả chỉ là khung cảnh biểu tượng, tượng trưng; từ đó gieo vào lòng khán giả cảm giác về sự trống vắng, vô hồn, mòn mỏi, nặng nề là bất lực của thân phận con người. Trên thực tế đã có nhiều phê phán sáng tác văn chương của Beckett là tiêu cực, bế tắc và phi văn học… Song kịch phi lý chính là ra đời vào giai đoạn tâm thế xã hội đang bất ổn, mất phương hướng và tác phẩm của Beckett chính là hệ quả của tâm thức ấy. Do đó nhìn nhận một cách khách quan, kịch phi lý của Beckett góp phần phản ánh tâm trạng xã hội một thời kỳ lịch sử, đồng thời góp thêm những kinh nghiệm và biện pháp tư duy nghệ thuật mới mẻ, khác lạ vào kho di sản văn hoá tinh thần loài người.            




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/1060-02-633389505790815778/Danh-nhan-van-hoa-va-nhung-nha-van-noi-ti...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận