Tài liệu: Gabrel Garcia Marque (1928)

Tài liệu
Gabrel Garcia Marque (1928)

Nội dung

GABREL GARCIA MARQUE (1928)

 

Marquez là nhà văn Cômlôbia. Lúc nhỏ sống ở quê với ông bà nội cho tới 1936. Tốt nghiệp Tú tài,  ông vào học Luật vào trường Đại học Tổng hợp Bôgôta và viết những truyện ngắn đầu tay về sau in thành tập Đôi mắt chó xanh (1955). 1940, chuyển sang học tại trường Đại học Tổng hợp Cactahêna, bắt đầu viết báo; 1950, lại chuyển về thành phố quê hương Barăngkiđa, cộng tác với tờ Thế giới và tờ Người truyền lệnh chuyên viết cho mục “Hươu cao cổ”, 1954, lại chuyển đến sống tại thành phố Bôgôta, làm biên tập viên cho tờ Quang cảnh, chuyên viết phóng sự và phê bình phim. 1955, giành được giải nhất với truyện ngắn Một ngày sau ngày thứ bảy và cho xuất bản tập Lá rụng và tập Chuyên của kẻ chìm tàu. Ông đi du lịch châu Âu với tư cách phóng viên của tờ Quang cảnh mà tên độc tài GuxtavôRôhax đóng cửa sau đó ít lâu ông sống lưu vong ở Paris, sau đó ở các nước Đông Âu; rồi trở về Caracat (thủ đô Vênzuela) và 1958 làm lễ thành hôn với Macxeđex Rôcha, cho in truyện vừa Ngài đại tá chờ thư trên tờ tạp chí Huyền thoại. 1959, Cách mạng Cuba thành công ông đã nhiệt liệt chào mừng và nhận làm phóng viên của Prenxa Latina (Hãng thông tấn của Cuba) thường trú tại Cuba, sau đó ở Cuba và New York. Từ 1961-1967, ông chuyển sang sống ở Mêxicô, cho in tiểu thuyết Giờ xấuĐám tang của bà mẹ vĩ đại. 1967 ông xuất bản Trăm năm cô đơn, cuốn tiểu thuyết nổi tiếng của ông được tăng giải Chianchianô của Italia, được Pháp công nhận là cuốn sách nước ngoài hay nhất trong năm được giới phê bình Văn học ở Mỹ xếp là một trong 12 cuốn sách hay nhất những năm 60 của thế kỷ này. Hai năm sau, ông in chuyện vừa Chuyện buồn không thể tin được của Êrênhđixa ngây thơ và của người bà bất lương; cùng năm này ông nhận giải thưởng văn học Rômugô Gađêgô của Venezuela 1971, được trường Đại học Côlômbia (Mỹ) tặng bằng tiến sĩ danh dự về văn học và giải Nôxát dành cho người nước ngoài. 1975 xuất bản tiểu thuyết nổi tiếng Mùa thu của người trưởng lão và trở về sống ở Mêxicô và Bôgôta; viết báo và phóng sự quan trọng về Chilê, Cuba, Nicaragoa, Việt nam, Ăngôla,… cho xuất bản tập Ký và phóng sự 1981, ông bị Chính phủ Côlômbia vu cáo là người có những liên hệ bí mật với phong trào du kích ở miền núi của nước này buộc phải lưu vong sang Mêxicô, tuy nhiên chúng vẫn đe dọa tính mạng của nhà văn, cùng năm ông cho xuất bản tiểu thuyết Ký sự về một cái chết đã được báo trước. Chính phủ Pháp tặng ông huân chương Bắc đẩu bội tinh và 1982, ông được tặng giải Nôben.

Toàn bộ sáng tác của Marquez xoay quanh trục chủ đề chính Cái cô đơn. Cái cô đơn được hiểu là mặt trái của tình đoàn kết, lòng thương yêu giữa con người. Đó là tình trạng cổ hủ, lạc hậu, trì trệ đến mục ruỗng của xã hội: Ngài đại tá về hưu sống khắc khoải trong sự trông đợi khoản lương hưu mà chẳng bao giờ có. Làng Macônđô sống mòn mỏi dưới sự cai quản tàn ác và bất lực của tên lý trưởng kiêm cảnh sát trưởng: giòng họ của Buenđa ra đời, thịnh vượng và tuyệt diệt trong lối sống, loạn luân; Ngài trưởng lão (một Quốc trưởng, một Tổng thống, hay một thống lĩnh nào đó) sống trong sự bất lực của tình yêu, đau khổ vì bị tách khỏi thiên nhiên và cuộc sống xã hội; tội ác có khả năng chặn được lại thì nó vẫn không bị chặn đứng trong vụ án mạng Xăngtingô Naxa. Cái cô đơn là thói sống ích kỷ, vụ lợi đến mức bản chất con người của thời đại tư bản hiện nay được tác giả vật chất hóa được biểu tượng ở cái đuôi lợn của kẻ cuối cùng được giòng họ Buenđa sinh ra; ở cái bộ lông thú mà ngài trưởng lão mang, ở thứ máu xanh lê của người bà bất lương. Đó là loại người chưa thành người hay đúng hơn, ở dưới mức người trong tác phẩm của Marquez. Đó còn một tầng nghĩa ẩn rất sâu mà mới đọc qua một vài lần không dễ gì nhìn thấy. Đó là tiếng gọi đoàn kết yêu thương giữa những con người, đó là đòi hỏi một loại người mới đối lập với loại người chưa thành người. Với chủ đề cái cô đơn, Marquez đã miêu tả sự sụp đổ không thể tránh khỏi của hình thái kinh tế - xã hội người bốc lột người, đồng thời cũng báo hiệu sự ra đời tất yếu của một hình thái kinh tế - xã hội mới. Nói cách khác, Marquez đã thể hiện mặc cảm khải huyền trước thực tại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội của châu Mỹ la tinh một cách độc đáo. Để thể hiện mặc cảm khải huyền này Marquez đã vận dụng kiểu kiến trúc nhiều tầng, phương thức kỹ thuật tự sự nhiều người kể trên cơ sở thời gian đa chiều, sử dụng phép loại hình hóa nhân vật và nghệ thuật kể chuyện dân gian: xây dựng những biểu lượng đa nghĩa và luôn luôn kích thích tính năng động của người đọc.

Marquez là một trong những nhà văn lớn của văn học Mỹ la tinh hiện đại và sáng tác của ông tiêu biểu cho tiểu thuyết hiện thực huyền ảo của Mỹ la tinh từ sau đại chiến thế giới lần II.

(Trích trong Từ điển văn học - NXB KHXH, 1983)




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/1060-02-633389507425972028/Danh-nhan-van-hoa-va-nhung-nha-van-noi-ti...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận