ALBERT CAMUS (1913 - 1960)
NHÀ VĂN HIỆN ĐẠI PHÁP NỔI TIẾNG
Albert Camus (Albe Camuy) sinh tại Monđovi (Algerie) trong một gia đình nghèo. Cha là người Pháp làm công nhân nông nghiệp, tham gia Đại chiến thế giới I và chết trong trận Lamacnơ, khi Camus mới lên một tuổi. Mẹ là người Tây Ban Nha đã chăm chút, nuôi dưỡng Camus suốt thuở thiếu thời trong một xóm nghèo. Học xong trung học, Camus vào học ban triết nhưng phải bỏ học vì mắc bệnh lao. Thời gian này ông phải làm nhiều nghề kiếm sống. Nhưng vẫn rất say mê văn chương. Năm 1933, Camus cưới vợ, rồi lại bỏ vợ ngay năm sau đó. Cũng năm ấy, ông gia nhập Đảng Cộng Sản được một năm rồi cũng lại ly khai ngay năm sau đấy. Từ sự ham thích sân khấu Camus thành lập đoàn kịch riêng. Cho dựng một số vở phóng tác theo tác phẩm của Manrô (1901-1976), Đôstôievski (1821-1881), Phôcnơ (1897-1962)... đồng thời là phóng viên báo Paris buổi chiều (1940). Trong thời gian đại chiến thế giới II, Camus tham gia nhóm Chiến đấu trong phong trào chống phát xít Đức và là tổng biên tập báo Chiến đấu (1934 - 1947). Về sau ông lên tiếng ủng hộ các phong trào yêu nước giải phóng dân tộc của Mađagasca, Hy Lạp, Algerie... Ngày 17 tháng Mười 1957, ông được trao giải thưởng Nobel do tác phẩm của ông đã Mang ra ánh sáng những vấn đề hiện nay đang đặt ra trước lương tâm con người. Giữa lúc tài năng đang nở rộ, Camus không may chết vì tai nạn ô tô ở gần Viôblơvanh.
Các tác phẩm chính của Camus có Bề trái và bề mặt (Tập tùy bút, 1935), Huyền thoại Xidip (tiểu luận, 1942); các tiểu thuyết như Người xa lạ (1942), Dịch hạch (1947), Các vở kịch như Caligula, Ngộ nhận (1944) ngoài ra còn có các tác phẩm Tình trạng vây hãm (1948), Nơi lưu đày và vương quốc (1957), Người nổi loạn (tiểu luận 1951), Diễn văn ở thủy điện (1957)... Với tư cách là nhà văn, nhà lý luận triết học của chủ nghĩa Hiện sinh, Camus đề xuất khái niệm về cái phí lý, quan niệm cuộc sống là vô nghĩa buồn tẻ, không thể lý giải và càng không thể chấp nhận. Con người là những Thân phận đơn lẻ, mỏng manh buộc phải sống giữa hai nghịch lý: Chối bỏ và chấp nhận. Theo Camus thì từ cái phi lý tôi rút ra ba kết luận: Nổi loạn, tự do và đam mê. Hình tượng con người nổi loạn đã được tác giả thể hiện qua các nhân vật Mơcxôn (Người xa lạ), Mácta (Ngộ nhận)... như là vang bóng tâm thức ở một giai đoạn lịch sử, có ảnh hưởng xã hội rộng lớn. Tiểu thuyết tiêu biểu của Camus là Người xa lạ gồm 2 phần, 11 chương, được viết theo hình thức tự chuyện. Nhân vật chính là chàng Mơcxôn sống lạnh lùng, xa lạ với mọi người, mọi sự kiện, bàng quan với mọi hành vi của chính mình. Chàng đưa tang mẹ trong tâm trạng dửng dưng, giết người do những bức bối không đâu, và rồi chấp nhận tội tử hình cũng rất bình thản. Tác phẩm toát lên nỗi vô vọng, cô đơn của mỗi sinh linh sống vật vờ giữa cõi đời. Đến vở kịch Ngộ nhận gồm ba hồi kể về việc hai mẹ con Marta đã giết chết anh Giăng, sau 25 năm tha phương kiếm sống nay trở về và những người thân không còn nhận ra anh nữa. Vở kịch là bi kịch của những sự ngộ nhận kế tiếp nhau: Cha mẹ, anh em không nhận ra nhau, không ý thức được cuộc sống, niềm tin, thực tại. Ở đây mỗi con người là một cá thể lặng câm, chia lẻ, tách biệt nhau không còn đâu hơi thở của ấm áp của sự sống. Về thực chất, ý nghĩa thanh lọc của tâm trạng bi kịch này là nhu cầu hòa kết, tiếng kêu cứu thức tỉnh lương tâm con người cần xích tại bên nhau.
NGUYÊN HỮU SƠN