IONESCO EUGÈNE (30 - 11 - 1912)
Ionesco Eugène (Iônescô Ơgien) là nhà viết kịch phi lý, Viện sĩ Viện Hàn Lâm Pháp. Sinh tại Brasov, Rumanie. Cha người Rumanie, mẹ người Pháp. Từ nhỏ sống ở quê mẹ nên nói và viết tiếng Pháp. Đỗ cử nhân văn chương tại Rumanie, dạy tiếng Pháp tại Bucarest từ 1936 -1938. Sau đó về Pháp. Vào giữa những năm 40 - 50, ông cùng với A.Adamốv (1908-1970) và S.Beckett (Sinh 1906) lập ra trường phái Đa đa siêu thực ''Nhà hát tiên phong", Trong những vở kịch đầu tiên của mình, Ionesco đã nêu lên tính phi lý của xã hội tư sản hiện đại trong cái hư vô của cuộc đời. Tác phẩm gồm 30 vở kịch: Nữ ca sĩ hói đầu, Những cái ghế, Bài học, Nạn nhân của nghĩa vụ, Mêđê, Tê giác, Đói và khát,…những bút ký, ghi chép về văn học nghệ thuật (Nhật ký và những ý kiến vụn vặt, ghi chú và phụ chú).
Là một trong những người đề xướng ra kịch phi lý, ông gọi kịch của mình là “Phản kịch”, “Sân khấu”, ''Sân khấu phản sân khấu”, phá vỡ những yếu tố của sân khấu truyền thống. Ở đó không có cốt truyện, xung đột, hành động, tính cách. Ông sử dụng những yếu tố thô kệch của hài kịch để tạo nên ấn tượng phi lý và gớm ghiếc. Kịch phi lý tiếp thu một số khái niệm cơ bản của triết học Hiện sinh (cái phi lý, lo âu, tuyệt vọng, hư vô...), khai thác sâu Thế giới tiềm thức là vô thức của phân tâm học Phroid là được viết với nghệ thuật huyền thoại. Kịch của Ionesco phiêu lưu vào thế giới bí ẩn của tiềm thức, thoát ly hiện thực. Đi sâu vào nỗi khắc khoải siêu hình, Ionesco coi con người chỉ là những biểu tượng, các con rối triền miên trong lo âu, chỉ thấy thế giới là hư vô, ghế thống trị toàn thế giới (Những cái ghế) hoặc cả một thành phố biến thành Tê giác (Tê giác), ở đó lần đầu tiên Ionesco đã tạo nên hình tượng những "Con người bé nhỏ'' cam chịu với cái ác của xã hội, ở đó có sự suy đồi và tàn ác trở thành bình thường, ông dùng cái cười chua chát để phản ánh "Thân phận con người" nhỏ nhoi, bất lực. Đó là con người tha hóa, không lý trí, tình cảm vô nghĩa.
Kịch phi lý của Ionesco ngoài quan điểm duy tâm và siêu hình mang ý nghĩa tiêu cực và hủy hoại, nó đã phản ánh một cách sâu sắc đầy tính triết lý về những mặt trái đen tối, phi nhân tính của xã hội tư bản hiện đại, đặc biệt là trước tấn bi kịch do chủ nghĩa phát xít gây ra cho loài người. Bên cạnh những cách tân về mặt nghệ thuật, có ảnh hưởng đến sân khấu hiện đại, không phải ngẫu nhiên kịch của ông đã từng làm thế giới phương Tây sửng sốt và say mê, được trình diễn khắp thế giới.
TS. VŨ THANH