CLUADE PTOLÉMÉE
(CLAUDIUS-PTOLEMAUS 100 - 178)
Nhà thiên văn học ở Alexandria, tác giả của tác phẩm kinh điển Almagest, trong đó sự chuyển động của các hành tinh được xem như là diễn ra theo những đường tròn, tức là chạy theo những đường tròn và tâm của chúng theo chuyển động tròn. Chuyển động của các hành tinh theo cách mô tả như vậy là rất phức tạp, nhưng rất gần với chuyển động biểu kiến của chúng xung quanh Trái đất. Ý tưởng này chủ yếu là của Hipparchus (người đã hoạt động tích cực ở Alexandria trong thời gian 160 - 127 Tr.CN) nhưng người ta thường gọi nó là hệ thống Ptolémée. Nói hệ thống Ptolémée có nghĩa ta hiểu đó là sự hình dung về Vũ trụ với Trái đất nằm ở trung tâm, còn Mặt trăng, Sao Thủy, Sao Kim, Mặt trời, Sao Hỏa, Sao Thổ, Sao Mộc và các định tinh thì quay xung quanh.
Ptolémée còn là tác giả của một tác phẩm về địa lý và là người đã có những nghiên cứu thực nghiệm về sự khúc xạ của ánh sáng.
Sau Aristotle năm trăm năm, một nhà Bác học Hy Lạp khác, tên là Ptolémée đã nêu ra một hệ thống khác. Ông không tin có những bầu trời bằng pha lê của Aristotle, cho rằng tất cả các thiên thể đều chuyển động xung quanh Trái đất trong không gian Vũ trụ.
Hệ thống Ptolémée rất phức tạp và rối ren đến nỗi, ngay bản thân nhà Bác học đã tự thú rằng: ''Tự mình làm chuyển động những hành tinh còn dễ hơn là giải thích sự chuyển động của chúng''.
Song hệ thống đó đã cho phép đoán trước vị trí của những hành tinh trên bầu trời. Mặc dầu có những sai lầm, Ptolémée vẫn là một nhà Bác học lớn của thời xưa; học thuyết của ông đã là một bước tiến dài so với học thuyết của Aristotle.
Về sau, hệ thống Ptolémée đã được giáo hội Cơ Đốc chấp nhận. Nếu ai hoài nghi tính chất thật của hệ thống đó thì sẽ bị trừng phạt. Giáo hội Cơ Đốc đã chống lại mọi sự tự do tư tưởng. Những giám mục và tu sĩ đều thù ghét khoa học; đối với họ không những các nhà Bác học mà ngay đến các tác phẩm của các nhà Bác học cũng là những kẻ thù nguy hiểm.
Đây là sự việc đã xảy ra ở Alexandria thành phố mà Ptolémée đã sống, gần hai thế kỷ sau khi ông đã mất: Alexandria có một thư viện nhiều sách nhất thời Cổ; ở đấy có hơn bốn mươi vạn cuốn sách chép tay. Ngày nay, một thư viện như vậy vẫn được coi là một thư viện lớn. Trong thư viện ấy có nhiều công trình của những nhà Bác học thế giới về y học, sử học, địa lý học, thiên văn học, toán học và các ngành khoa học khác. Các nhà Bác học của các nước đều đến đấy để nghiên cứu và làm việc. Năm 391, một bọn cuồng tín theo Đạo Cơ Đốc do Giám mục Têôphin xúi bẩy, đã đốt thư viện đó. Kho tàng vô giá đã bị phá hủy, những sách ấy còn quý hơn cả vàng ngọc vì chúng không thể nào khôi phục lại được.
Và hai mươi năm sau, một bọn người theo Đạo Cơ Đốc hung hãn đã xé xác bà Hypatia, một trong những người phụ nữ xuất sắc nhất thời Cổ, bà là nhà giáo đầu tiên về môn thiên văn và toán học. Hypatia đã chống lại những mê tín của Đạo Cơ Đốc và đã can đảm đấu tranh cho một nền khoa học chân chính. Bởi vậy, giám mục Kirin đã sai người đến giết bà.
Thái độ của giáo hội đối với các nhà khoa học như thế đấy!
Tại sao học thuyết Ptolémée đã làm hài lòng giáo hội?
Bởi vì học thuyết này có nhiều điểm phù hợp với Kinh Thánh qua các câu chuyện về sự sáng tạo ra thế giới. Riêng về điểm Trái đất hình cầu, không phù hợp với giáo hội thì họ ra lệnh cho các tín đồ phải công nhận Trái đất là phẳng.
Ròng rã mười bốn thế kỷ, hệ thống Ptolémée được công nhận là đúng. Nhưng vào giữa thế kỷ XVI lý thuyết ''Nhật tâm" (lấy Mặt trời làm trung tâm) đã thay thế cho lý thuyết ''Địa tâm'' (lấy Quả đất làm trung tâm của Aristotle - Ptolémée).
KS. NGUYỄN BẰNG