ROGER BACON (1212 - 1292)
Roger Bacon (Rôgiê Bêcon), nhà triết học sinh năm 1912 tại Ilchester (Ichéttơ) ở Somerset (Xômơxết) nước Anh. Khi mới 12 tuổi, Roger Bacon vào học trường Oxford, nơi đó các môn học được giảng bằng tiếng Latinh. Khóa học gồm hai phần trivium (gồm các môn văn phạm, hùng biện và lập luận học) và quadrivium (số học, âm nhạc, hình học và thiên văn học). Cả 2 phần học này được biết đến như là: “Bảy bộ môn nghệ thuật tự do”. Bacon nhận bằng tốt nghiệp tại trường Oxford rồi ở lại đó để giảng dạy và nghiên cứu. Ông là học trò của Roger Grossetete (Rôbe Grôxtết). Bacon rất thạo tiếng Latinh, Hy Lạp, Do Thái và Ả Rập.
Khoảng năm 1245, Bacon thuyết trình về Aristotle tại Đại học đường Paris. Khoảng trước năm 1250, ông trở lại nước Anh. Ngày tháng chính xác ông trở thành tu sĩ giòng Francis (Frăngxít) thì không ai rõ. Mặc dù là một thành viên của một giòng tu, ông được phép theo đuổi việc nghiên cứu của mình nhưng ông không được khuyết khích xuất bản. Tuy vậy sau này sự mò mẫm của ông trong các thí nghiệm vẫn bị cấm đoán. Vào năm 1257, ông bị các đức cha bề trên thuyên chuyển sang Paris. Ông cầu cứu sự ủng hộ giúp đỡ của Giáo hoàng Clément IV (Clêmăng). Trong bức thư vào năm 1256, đức giáo hoàng yêu cầu Bacon gửi tác phẩm của ông đến. Tác phẩm của ông Opus Majiur, tác phẩm lớn, và Opus minor tác phẩm nhỏ ra đời chỉ trong vòng một năm. Tác phẩm Opus minor được chia thành 7 phần: (1) Nguyên nhân những sai lầm (2)Triết học với thần học (3) Nghiên cứu các ngôn ngữ (4) Tầm quan trọng của Toán học (5) Quang học (6) Khoa học thực nghiệm (7) Triết học luận lý. Quyển Opus minor là quyển tóm tắt của quyển Opus majiur.
Roger Bacon được coi là một nhà triết học kinh điển tiến bộ. Ông cũng là người tiên đoán trước các phát minh. Trong phần toán học của quyển Opus (majius) Bacon đưa ra khả năng có thể đến Ấn Độ bằng đường biển, khởi hành từ Tây Ban Nha và đi về hướng Tây. Vào thế kỷ thứ XIII, ông đã viết về máy móc có thể chạy trên biển mà không cần có người chèo thuyền (tàu chân vịt). Về những chiếc xe chuyển động với vận tốc nhanh mà không cần thú kéo; hoặc những máy bay với một người điều khiển, chỉ cần đến một động cơ nào đó để nâng bộ cánh nhân tạo là có thể vỗ trong không trung, giống như một con chim đang bay vậy. Về việc sử dụng đặc tính của thuốc súng và khả năng cải tiến tầm nhìn của con người bằng cách áp dụng đúng đắn các thấu kính. Bức thư ông gửi cho đức Giáo hoàng nhằm sửa lại lịch đã góp phần cho Gregory (Grêgori) sửa lại lịch vào năm 1582. Ông cũng là một trong những người đầu tiên nhấn mạnh rằng y học nên sử dụng các phương pháp chữa trị mà hóa học đưa ra. Ông cho rằng, sức nổ của thuốc súng sẽ tăng lên nếu như nó được giữ chặt trong một dụng cụ làm bằng chất liệu cứng, ông tiếp tục nghiên cứu cầu vồng và chỉ ra rằng, cầu vồng được tạo thành bởi sự khúc xạ khác nhau của tia nắng Mặt trời xuyên qua những giọt nước. Trong lĩnh vực quang học, Bacon biết rằng việc sử dụng các gương cầu làm cho tất cả các tia phản chiếu tập trung lại một tiêu điểm duy nhất. Roger Bacon là người có công đưa ra các đề xuất dẫn đến việc phát minh ra kính viễn vọng vào năm 1571. Trở về Oxford ông viết quyển Communis Mathematicae (Cômmunitx matêmatixe - Các nguyên tắc toán học), và quyển Communis naturalium (các nguyên tắc về vật lý - Cômmunitx naturalium) và quyển De Coelestibus (Đê Xơléttibútx - Về bầu trời). Vào năm 1277, Jerôme (Giêrom) của vùng Ascoli (Axcôli) đứng đầu các tu sĩ hành khất giòng thiểu số đã lên án lời dạy của tu sĩ Bacon, ông bị giam cầm mãi đến năm 1292, năm mà Jerôme, người đã trở thành Giáo Hoàng Nicolas IV (Nicôla Đệ IV) qua đời. Ông John Rous (Giôn Rutx) nhà viết tiểu sử đầu tiên về Bacon ghi rằng, Bacon mất năm 1292 và được chôn cất tại Grey Friars (Giây Fraiarx) ở Oxford.
Vừa là nhà khoa học và nhà tiên tri, Bacon là một nhà bách khoa đã để lại những công trình đáng kể cho nền văn minh nhân loại.