Tài liệu: Cuộc du hành vòng quanh thế giới của Fernand De Magellan (1480 - 1521)

Tài liệu
Cuộc du hành vòng quanh thế giới của Fernand De Magellan (1480 - 1521)

Nội dung

CUỘC DU HÀNH VÒNG QUANH THẾ GIỚI

CỦA FERNAND DE MAGELLAN (1480 - 1521)

 

Ngày 20 tháng 9 năm 1519, một hạm đội gồm năm chiếc thuyền nhỏ đã rời cảng Xêvi thuộc Tây Ban Nha.

Đó là những thuyền: “Xan Antôniô”, “Triniđát”, “'Cônxêpxiôn”, "Víchtôria'' và ''Xantiagô''. Trong số 239 sĩ quan và thủy thủ đã tham gia vào cuộc du hành đó chỉ có ít người trở về được.

Hạm đội Tây Ban Nha ấy do Đô đốc Magellan chỉ huy. Magellan vốn không phải là người Tây Ban Nha, mà là người Bồ Đào Nha, nước láng giềng của Tây Ban Nha. Làm cuộc du hành này, Magellan đã tự đặt ra nhiệm vụ rất khó: tìm ra con đường nối liền Đại Tây Dương và Thái Bình Dương.

Bạn hãy nhìn vào bản đồ. Bạn sẽ thấy Châu Mỹ, một lục địa rộng lớn, kéo dài từ những tảng băng của Bắc Băng Dương cho đến các dòng nước lạnh giá vùng Nam Cực; nó là một trở ngại lớn ngăn cách hai đại dương to nhất thế giới: Đại Tây Dương và Thái Bình Dương. Về thời Magellan, người ta đã khám phá ra những vùng biển ở phía Tây Châu Mỹ gọi là Biển Lớn phương Nam.

Trước Magellan đã có nhiều nhà du hành tìm cách đi vào vùng biển chưa biết này, nhưng họ đều vấp phải bờ biển châu Mỹ, hoặc ở miền gần Xích đạo hoặc ở phía Bắc hay ở phía Nam. Do những thất bại đó mà đã có ý kiến cho rằng, không thể đi từ Đại Tây Dương đến biển lớn phương Nam được.

Magellan không đồng ý với điều ấy và tin chắc chắn rằng, ở phía Nam của Nam Mỹ sẽ có một eo biển nối liền hai đại dương. Nếu người ta cung cấp cho ông người và thuyền, ông xin đảm nhiệm việc tìm ra eo biển đó.

Cuộc hành trình của Magellan (xem bản đồ)

Ở Bồ Đào Nha, ông đã vận động cho công việc này trong mấy năm trời nhưng không thành công. Ông phải rời đất nước để sang Tây Ban Nha. Ở đây, ông đã được người ta nghe theo và phong ông làm Đô đốc chỉ huy một hạm đội.

Đó là những lý do mà Magellan, người Bồ Đào Nha, đã trở thành chỉ huy một hạm đội Tây Ban Nha trong cuộc thám hiểm xa xôi mà từ trước đến lúc bấy giờ chưa có người nào thực hiện được.

Magellan đã phải trả giá rất đắt đối với những lời hứa hẹn phong chức tước và ban thưởng của nhà Vua, khi chuyến đi thành công. Theo những điều khoản đã ký kết với Vua Tây Ban Nha, ông sẽ được phong là Toàn quyền ở tất cả các đất đai sẽ tìm thấy và được hưởng một phần hai mươi những lợi tức sẽ thu hoạch được từ các miền đất đai ấy. Song, những thuyền trưởng Tây Ban Nha kiêu ngạo đã ghen tị với ông là một người nước ngoài chỉ huy họ. Họ thù hằn ông ra mặt và quyết định hễ gặp dịp tốt sẽ ám hại ông. Cho đến trước lúc khởi hành, những kẻ thù còn cố sức làm trở ngại kế hoạch của ông: họ không những không cho tiền để mua thiết bị, mua lương thực, mà còn âm mưu giết ông. Họ cấp cho ông loạt thuyền buồm rất cũ nát, thủy thủ gồm đủ loại người: người Tây Ban Nha, Đức, Anh, Italia. Họ phần nhiều là những kẻ chạy trốn từ nước khác tới, vì đã can phạm nhiều tội nặng ở trong nước.

Nhưng Magellan vẫn kiên trì và khắc phục được khó khăn; ông đã xin được số tiền cần thiết, mua được thiết bị và lương thực đủ dùng trong hai năm; sửa chữa lại những thuyền đó và huấn luyện đoàn thủy thủ.

Song vì sao người ta lại cử Magellan để đi thám hiểm những xứ xa xôi? Magellan ước mơ thuyết phục những kẻ còn nghi ngờ không tin rằng Trái đất là một quả cầu. Nhưng thời bấy giờ, chỉ có một số ít nhà Bác học lưu ý đến vấn đề hình dạng Trái đất mà thôi; còn bọn Vua Chúa, bọn quý tộc và bọn lái buôn đều không quan tâm đến. Điều mà chúng quan tâm chính là lợi nhuận, chúng hy vọng sẽ tìm được nguồn lãi khổng lồ khi cuộc thám hiểm thành công.

Ngày nay, bạn sẽ lấy làm lạ lùng và buồn cười khi nghe thấy người ta nói tại chỗ thu tiền trong một cửa hàng:

- Chỗ hàng này giá hai mươi hạt hồ tiêu.

Nhưng thời đó, người ta lấy hồ tiêu thay cho tiền và dùng hồ tiêu để thanh toán công nợ và trả các thuế khóa hoặc để mua nhà cửa, ruộng vườn và thuyền bè.

Ngày nay, khi nói đến người giàu, người ta bảo họ nằm trên đống vàng, nhưng ngày xưa, người ta bảo họ nằm trên đống hồ tiêu. Chính vào thời gian ấy Magellan đã tiến hành cuộc du hành vòng quanh Trái đất nổi tiếng của ông.

Hồ tiêu, quế, gừng, tất cả những hương liệu phương Đông đó dùng để làm gia vị cho các món ăn; các gia vị ấy làm cho món ăn có vị cay, ăn thêm ngon, mà ăn ngon thì có lợi cho sức khỏe. Những hương liệu thời đó rất hiếm, khó mua cho nên mỗi hạt đều rất quý. Các thứ thuốc phương Đông, thí dụ như long não, cũng đắt như vậy. Nhưng ở Ấn Độ và Quần đảo Môluycơ, các hương liệu và dược liệu ấy không đắt hơn lúa mạch và đậu hột ở Châu Âu.

Tại sao những hương liệu và dược liệu ấy ở Châu Âu lại quý và đắt như vậy?

Lý do rất đơn giản: vì đường đi sang phương Đông rất dài và rất khó khăn. Những người lái buôn mang hàng từ phương Đông về lúc nào cũng bị những cơn bão tố đe doạ, rồi bọn cướp biển và cướp đường giết hại; họ còn phải nộp cống rất nặng cho chính quyền của các nước mà họ đi qua. Mặt khác, cuộc hành trình từ châu Âu sang phương Đông thường kéo dài hai hay ba năm; bạn hãy nhớ lại các chuyến đi của Maxco Polo hay Aphanaxi Nikirin.

Sau khi người Thổ chiếm đóng Constantinople năm 1453, thì những cuộc hành trình sang phương Đông trở nên đặc biệt khó khăn, hầu như không thể thực hiện được.

Đó là những lý do làm cho một nắm hồ tiêu ở châu Âu đắt hơn một thùng hồ tiêu đó ở Mãlai.

Những nhà giàu Tây Ban Nha giúp cho Magellan tổ chức cuộc thám hiểm chỉ vì họ mong muốnMagellan tìm được một con đường ít nguy hiểm và ngắn hơn để đến Môluycơ, ''Quần đảo hương liệu''. Hơn nữa, họ còn hy vọng sẽ chiếm được các đảo ấy. Hạm đội của Magellan trên đường đến bờ biển châu Mỹ không gặp phải trở ngại gì lớn; mặc dù các thuyền trưởng Tây Ban Nha của các thuyền “Xan Antôniô”, ''Cônxepxion” “Víchtôria” luôn luôn gây sự với Magellan và cố gieo những mối bất hòa giữa các thủy thủ chủng tộc khác nhau. Nhưng khi đến bờ biển châu Mỹ mới bắt đầu thấy sự khó khăn. Magellan ước đoán rằng giữa hai đại dương phải có một eo biển, nhưng ông không biết chính xác vị trí của nó. Bởi vậy, ông phải đi thám hiểm tất cả các vịnh lớn nhỏ để tìm ra cái eo biển bí mật và mong ước ấy.

Việc này đã làm mất nhiều thời gian rất quý báu. Lúc bấy giờ mùa Đông sắp sửa đến, mùa Đông ác nghiệt và rét mướt của Nam bán cầu.

Đã đến lúc Magellan hiểu rằng nếu cứ tiếp tục cuộc hành trình thì thật là điên rồ, vì tất cả sẽ bị chìm đắm trong các cơn bão dữ dội thường hoành hành về mùa Đông ở những khu vực đó. Năm thuyền đều bỏ neo trong một vịnh kín gió; đây là một trong những nơi sầu thảm nhất thế giới. Từng đợt sóng xám lạnh vỗ vào mạn thuyền. Không có một bóng cây, không một ngọn cỏ trên bờ biển vắng tanh. Ngay cả đến chim chóc vì sợ mùa Đông, đều lánh xa nơi buồn tẻ và vắng vẻ này. Tất cả thủy thủ đều sầu não vì Đô đốc Magellan ra lệnh giảm khẩu phần: ông sợ thiếu lương thực để tiếp tục cuộc du hành.

Những thuyền trưởng xấu bụng liền lợi dụng tâm trạng đó của các thủy thủ và xúi giục họ nổi loạn. Magellan đã dẹp yên cuộc nổi loạn ấy và nghiêm trị những kẻ cầm đầu. Không còn ai dám công khai chống cự ông nữa nhưng mối căm thù của những sĩ quan Tây Ban Nha lại càng ngấm ngầm và tăng lên. Sau năm tháng trôi nặng nề tránh rét, hạm đội lại tiếp tục tiến về phương Nam để đi tìm eo biển bí mật. Lúc ấy đã vào cuối mùa Đông, nhưng các tai họa vẫn chưa hết. Thuyền "Xantiagô" là chiếc thuyền đi nhanh nhất đã bị đắm trong khi đi trinh sát. Một cơn bão đã xô mạnh thuyền vào bờ biển và đánh nó vỡ tung. Nhưng tất cả mọi người trên thuyền đều thoát nạn và được phân tán sang các thuyền còn lại.

Nhưng rồi cuối cùng, ngày thắng lợi mà mọi người mong chờ mãi đã đến! Họ đã tìm thấy ở phía sau một mũi đất cao, có một vịnh ảm đạm ăn sâu trong lục địa với nước đen sẫm và nổi sóng dữ dội.

Magellan phái hai chiếc thuyền đi trinh sát. Vài ngày sau, họ đã về với thắng lợi. Cuộc thám hiểm to lớn đã thành công: eo biển bí mật đã được tìm thấy!

Ta có thể hình dung được nỗi sung sướng của Magellan lúc bấy giờ. Không phải vô ích là ông đã vượt qua bao khó khăn, chịu đựng bao thiếu thốn và giờ đây điều dự đoán của ông đã được xác minh, eo biển có thật và ông đã tìm thấy nó!

Về sau, eo biển đó mang tên Magellan để tưởng nhớ đến nhà đi biển nổi tiếng. Độc giả có thể tìm thấy tên đó trên bản đồ Nam Mỹ. Bốn chiếc thuyền còn lại, hết sức thận trọng và chậm rãi tiếp tục cuộc hành trình.

Hạm đội Magellan phải mất một tháng mới vượt qua eo biển vừa tìm thấy. Và cuối cùng, "cửa mở" vào một đại dương mới, mà người Châu Âu chưa biết, đã hiện ra trước mắt. Niềm vui sướng lớn đến nỗi làm cho Magellan vốn bản tính nghiêm nghị cũng không cầm được nước mắt.

Bây giờ cần phải mau chóng đi về hướng Tây, tới những “Quần đảo hương liệu”!

Nhưng khi sắp sửa thành công, nhà thám hiểm dũng cảm lại bị thêm một tai họa mới: một cuộc mưu phản suýt làm thất bại toàn bộ công cuộc của ông. Người thuyền phó thuyền "Xan Antôniô" đã xúi giục thủy thủ nổi loạn và bí mật đưa thuyền quay về Tây Ban Nha.

Kẻ phản bội đã làm cho Magellan bị tổn thất nặng: thuyền ''Xan Antôniô'' đã mang đi phần lớn lương thực dự trữ và loại lương thực tốt, vì ''Xan Antôniô" là thuyền có trọng tải lớn nhất nên Đô đốc đã để trong đó lương thực dự trữ cho lúc trở về.

Magellan phải xử trí ra sao trong tình trạng đó? Ông chỉ còn có ba chiếc thuyền buồm và rất ít lương thực. Nhưng ông đã quả quyết rằng: Chúng ta cứ tiếp tục cuộc hành trình, dù có phải ăn những miếng da bọc các trang bị trong thuyền!

Ngày 28 tháng 11 năm 1520, hạm đội tiến vào vùng biển mênh mông của Thái Bình Dương, mà chưa một thuyền của người châu Âu nào vượt qua. Nếu Magellan có thể biết trước được khoảng cách rộng lớn mà ông phải vượt qua với chiếc thuyền cũ và hư hỏng có nhiều cột buồm bị lung lay và những cánh buồn rách mướp, thì chưa chắc ông đã dám phiêu lưu mà thực hiện một cuộc du hành nguy hiểm như vậy. Nhưng ông không biết gì hết về điều ấy.

Trước chuyến đi của Magellan, người ta không ngờ rằng Trái đất lại to lớn như thế. Bởi vậy, Đô đốc đã tưởng rằng, muốn đi đến Quần đảo Môluycơ chỉ phải vượt độ 3 hay 4 nghìn kilômét. Nhưng sự thực là khoảng 18 nghìn kilômét!

Đại dương mới đã đón tiếp những người du hành vào lúc thời tiết rất êm dịu, trời trong vắt không một đám mây. Mặt trời ấm áp sưởi ấm cho những thủy thủ đã bị giá rét trong suốt một mùa Đông dài, từng cơn gió nhẹ đẩy thuyền đi về phương Tây. Vì thế, Magellan đặt tên cho đại dương mới là Thái Bình Dương.

Nhưng sau này, người ta mới rõ là đại dương này không phải luôn luôn trung thành với tên đó. Do diện tích mênh mông của nó nên người ta đã đặt cho nó một tên khác. Vì thế trên các bản đồ địa lý của một số nước, nó thường có hai tên: Đại Dương Lớn hay Thái Bình Dương.

Mấy tuần trôi qua, rồi một tháng, và một tháng nữa; nhưng trước mặt ba chiếc thuyền buồm nhỏ, lúc nào cũng chỉ thấy đại dương mênh mông hùng vĩ. Trên thuyền, cảnh thiếu đói đã đến. Bấy giờ người ta mới biết rằng trong khi chuẩn bị cuộc du hành, những kẻ thù của Magellan đã đánh tráo mất nhiều hòm lương thực, đáng lý là bánh khô họ lại nhét đồ thối hỏng vào. Khốn khổ thêm nữa là nạn chuột phá các hòm lương thực. Các thủy thủ bèn tổ chức những cuộc săn chuột quyết liệt, và mỗi lần bắt được chuột là lại có một bữa ăn tươi ngon lành.

Rượu vang dự trữ hết đã lâu, nước ngọt trong các thùng đã bị hỏng, mùi vị ghê tởm đến nỗi mỗi lần uống, người ta phải bịt mũi.

Rồi cuối cùng cũng đến ngày mà mối linh cảm sầu thảm của Magellan trở thành sự thực: những người đi biển đã phải ăn những miếng da bọc các trang bị trong thuyền. Để làm cho da mềm, các thủy thủ phải ngâm nó mấy ngày trong nước biển, rồi cắt nhỏ, nướng vào lửa và nuốt chửng vì không thể nào nhai được. Mọi người đều bị đau ghê gớm trong dạ dày.

Tháng thứ ba trong cuộc du hành sắp hết. Nhiều thủy thủ đã chết đói. Người chết phải vứt xuống biển, bị biến thành mồi cho đàn cá mập hám đói.

Mọi người đều khiếp sợ. Họ cảm thấy trước là mình sẽ chết ở nơi mênh mông vô tận này và không bao giờ còn được trông thấy đất liền nữa.

Nhưng Magellan hiểu rằng, quay trở lại là điều không thể được; sớm hay muộn thế nào cũng đến được một hòn đảo nào đấy, còn quay trở lại thì không đủ sức và lương thực nữa.

Họ phải mất trên ba tháng trong cuộc du hành ghê sợ này mới trông thấy được đất, hay nói cho đúng là một dải núi đá trơ trụi và sầu thảm, không có một giọt nước, một ngọn cỏ. Tuy vậy, các thủy thủ lại thấy phấn khởi: đại dương mênh mông đã hết và có thể sắp sửa sẽ thấy những hòn đảo, ở đó có nước ngọt và lương thực. Thật vậy, chẳng bao lâu điều chờ đợi của họ đã đến.

Ngày 6 tháng 3 năm 1521, các thủy thủ đã tìm ra một hòn đảo. Thật là một kỳ quan: đảo có nhiều cây dừa và suối nước ngọt, thứ nước trong và mát mà họ đã khao khát từ lâu. Trên đảo có người ở, có gia súc. Thế là có thể được ăn thịt tươi! Những đau khổ dai dẳng của họ đã chấm dứt...

Lúc này, người ta có thể hy vọng rằng tất cả tai họa của cuộc thám hiểm đã chấm dứt, ba chiếc thuyền còn lại sẽ đi từ đảo này đến đảo kia, từ bến này đến bến khác một cách yên lặng thanh bình và về đến châu Âu, đến nước nhà trong thắng lợi vinh quang.

Nhưng không, sự việc đã không phải như vậy! Magellan và các bạn đồng hành lại tự chuốc thêm biết bao tai họa. Những tai họa ấy không phải do thiên nhiên, mà do lòng hám lợi và tính hiếu xâm lăng của các thủy thủ.

Magellan đã can thiệp vào cuộc xích mích giữa các tù trưởng các bộ lạc nhỏ ở Đảo Philippines. Ông muốn tỏ ra cho họ biết sức mạnh của vũ khí châu Âu rồi với một nhóm 60 người có mang áo giáp và khí giới, Magellan đã tấn công một nghìn thổ dân Đảo Matan chỉ có cung tên và giáo mác. Và Magellan đã hy sinh tại đó.

Như vậy là kết thúc cuộc đời của một nhà đi biển nổi tiếng, không hoàn thành được sự nghiệp của mình.

Sau cái chết của Magellan và nhiều bạn đồng hành, các thuyền Tây Ban Nha còn đi lang thang trong một thời gian dài nữa giữa các hòn đảo nằm rải rác trong vùng biển từ châu Á đến châu Úc. Họ chỉ còn lại hai chiếc thuyền là ''Triniđát'' ''Vichtoria". Còn chiếc thuyền ''Cônxepxiôn'' bị hư hỏng nhiều, phải đốt đi để khỏi rơi vào tay các thổ dân.

Nhưng rồi thuyền “Triniđát” cũng bị hư hỏng nhiều, không thể đương đầu với sóng biển để đến châu Âu được. Người ta quyết định phải đỗ lại để sửa chữa, chỉ còn một mình thuyền ''Víchtoria'' với 47 thủy thủ trở về dưới quyền chỉ huy của thuyền trưởng Xêbachiênđen Canô, là một trong những thủy thủ giỏi nhất trong số những người còn lại.

Chiếc “Triniđát” sau đấy không trở về được Tây Ban Nha. Sau những chuyến đi dài trong các quần đảo, thuyền bị đắm, các thủy thủ đều bị chết, trừ bốn người sống sót trở về  được quê hương. Còn chiếc ''Víchtoria'' có đầy đủ lương thực và nước uống đã lên đường về châu Âu.

Đoạn đường này thật ghê sợ. Lương thực bị hư hỏng, nước uống bị thối...

Thuyền đã mang được 26 tấn hương liệu, đó là một giá trị rất lớn vào thời bấy giờ. Người Tây Ban Nha có được những hương liệu đó là nhờ họ trao đổi với thổ dân trong các Quần đảo thuộc Biển Đông; nhưng hương liệu chỉ dùng để làm gia vị cho thức ăn, mà thức ăn thì họ lại không có.

Chiếc "Víchtoria'' đã cập bến Xêri vào ngày 8 tháng 9 năm 1522. Chỉ có 18 thủy thủ đứng trên mạn thuyền dưới lá cờ Tây Ban Nha bay phấp phới. Cuộc du hành vòng quanh thế giới đầu tiên đã kéo dài trong ba năm kém mười hai ngày.

Tuy nhiên, những người lái buôn Tây Ban Nha lấy làm thỏa mãn. 26 tấn hương liệu đã bù lại rộng rãi tất cả phí tổn của cuộc thám hiểm, kể cả tiền mua các thuyền.

Thật ra đã có hơn một trăm sáu mươi sĩ quan và thủy thủ bị chết trong cuộc thám hiểm đó, nhưng điều đó không hề làm cho họ ưu phiền: tính mệnh của con người đối với họ không đáng giá một đồng xu!

Cuộc thám hiểm nổi danh của Magellan đã kết thúc như vậy đó.

Lần đầu tiên, người ta có thể chứng minh một cách không thể chối cãi được rằng, Trái đất là một quả cầu và ta có thể đi vòng quanh được. Ngày nay ta khó mà hình dung được phát kiến vĩ đại đó đã gây ấn tượng kinh ngạc lớn lao như thế nào đối với những người cùng thời với Magellan.

Bạn hãy nhìn lên bản đồ thế giới, trước Christophe Colomb, người Châu Âu chưa hề biết có một lục địa châu Mỹ khổng lồ; trước Magellan, họ không có quan niệm gì về khoảng rộng của Thái Bình Dương. Họ đã hình dung Trái đất như người ta đã quan niệm cách đây bốn trăm năm. Những phát kiến phi thường của Christophe Colomb và Magellan đã tạo ra những bước tiến lớn về nghiên cứu địa hình Trái đất.

NGUYỄN HOÀNG ĐIỆP




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/1061-02-633390081779712500/Nhung-nha-khoa-hoc-tu-nhien-noi-tieng-the...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận