TUỆ TĨNH (? - ?) VỊ THÁNH THUỐC NAM
Tuệ Tĩnh Thiền sư, xưa nay được tôn là vị Thánh thuốc Nam. Theo sách Hải dương phong vật chí, mục danh y, thì Tuệ Tĩnh Thiền sư tự là Vô Dật, hiệu là Thận Trai, pháp hiệu là Tuệ Tĩnh (Huệ Tĩnh) quê ở làng Nghĩa Phú, tổng Văn Thái, huyện Cẩm Giàng, phủ Thượng Hồng, tỉnh Hải Dương. Tuệ Tĩnh tu ở chùa Hộ Xá, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Hà, nên sách của ông thường ghi là: khắc in ở chùa Hộ Xá. Hiện nay còn di tích đền thờ Tuệ Tĩnh tại nguyên quán là làng Văn Thái, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương.
Tuệ Tĩnh còn có biệt hiệu là Hồng Nghĩa, có lẽ vì Thiền sư muốn lấy tên sinh quán là phủ Thượng Hồng, làng Nghĩa Phú để đặt biệt hiệu chăng?...
Tuệ Tĩnh là tác giả của hai cuốn sách nổi tiếng: Nam được Thần hiệu là Hồng Nghĩa giác tư y thư, Thiền sư còn giải thích sách Thiền tông khóa hư lục của Trần Thái Tông. Về tiểu sử, Tuệ Tĩnh còn nhiều điểm chưa thống nhất ý kiến như tên thật Tuệ Tĩnh là gì? Tuệ Tĩnh sống ở thế kỷ nào? Có đậu đại khoa không?
Theo tục truyền thì Tuệ Tĩnh Thiền sư tên thật là Nguyễn Bá Tĩnh đậu Thái học sinh đời Vua Trần Dụ Tông (thế kỷ XIV), không ra làm quan mà đi tu; năm ông 55 tuổi bị bắt đi cống cho nhà Minh, Trung Quốc, nổi tiếng là thầy thuốc giỏi có lần đã chữa khỏi bệnh sản hậu cho Vương phi nhà Minh nên được phong là Đại y thiền sư; do đó ở Đền Bia Làng Văn Thái có câu đối ngụ ý về sự tích đó:
Hoàng giáp phương danh đằng Bắc địa,
Thánh sư diệu dược trấn Nam bang.
Nghĩa là:
Khi đậu Hoàng Giáp, tiếng lừng đất Bắc,
Chữa bệnh Thần diệu, tài quán Nam bang!
Ở đền thờ Tuệ Tĩnh ở làng Nghĩa Phú cũng có câu đối:
Danh khôi Nhị giáp tiêu Trần giám
Sứ mệnh thập toàn tỉnh Bắc y.
Nghĩa là:
Danh đầu nhị giáp nêu gương khoa bảng đời Trần,
Sứ mệnh vẹn toàn trổ tài y học đất Bắc.
Cũng theo truyền thuyết thì vào khoảng năm 1676, Nguyễn Danh Nho người cùng làng, từng đi sứ Trung Quốc, có công lập Đền Bia để tưởng nhớ công ơn Tuệ Tĩnh... Khi bia được chở về bằng thuyền nan gặp nước lũ lụt, thuyền bị chìm, bia rơi xuống cánh đồng giữa khoảng làng Văn Thái và Nghĩa Phú, sau dân làng đắp lên ở chỗ đó một cồn đất để dựng bia và xây bệ thờ Tuệ Tĩnh gọi là Đền Bia; trong đền có câu đối ca tụng công ơn Tuệ Tĩnh:
Nghĩa là:
Danh đầu Nhị giáp nêu gương khoa bảng đời Trần,
Sứ mệnh vẹn toàn trổ tài y học đất Bắc.
Theo nhà khảo cứu Trần Văn Giáp trong sách Tìm hiểu kho sách Hán Nôm của Nhà xuất bản Văn hoá - Hà nội năm 1984 thì: khảo trong các sách Đằng khoa lực không thấy chép tên các Thái học sinh đời Trần Dụ Tông (1341 - 1369), không thấy tên Nguyễn Bá Tĩnh đậu Thái học sinh đời Trần.
Khảo về đời Lê Dụ Tông (1705 - 1731) thì chỉ thấy tên Nguyễn Quốc Tĩnh, người làng Ông Mặc, huyện Đông Ngàn. Trấn Kinh Bắc đậu đồng Tiến sỹ khoa Vĩnh Thịnh thứ 6 (1710) tức là năm thứ 6 đời Lê Dụ Tông mà không thấy có tên Nguyễn Bá Tĩnh. Vậy theo Trần Văn Giáp có thể truyền thuyết lầm từ Lê Dụ Tông sang Trần Dụ Tông và từ Nguyễn Quốc Tĩnh sang Nguyễn Bá Tĩnh.
Theo bài tựa sách Thiền tông khóa hư lục của Trần Thái Tông có dòng chữ chua: "Thiên tử Thận trai, pháp hiệu Tuệ Tĩnh tự Võ Dật giải” và để niên hiệu “Đức long tam niên Tân Mùi (1631), do đó Trần Văn Giáp xác định: Tuệ Tĩnh Thiền sư là người triều Lê, sống vào thế kỷ XVII; và ông xin cải chính lại nhận định của chính ông viết trước đó theo truyền thuyết rằng, Tuệ Tĩnh sống ở đời nhà Trần thế kỷ XIV trong cuốn Lược truyện các tác gia Việt Nam. Nhận định rằng Tuệ Tĩnh sống ở đời Lê có phần hợp lý nếu theo lời đề tựa cuốn: Lãn ông ngoại cảm thông trị của Ngự Y Chính Mặc trai Thái thị:
Niên hiệu Cảnh Hưng năm Quý Hợi (1743), tôi ngẫu nhiên cùng ngồi phiếm luận với Đạo sĩ Bút phong và mấy thầy toán số... Có người nói đến chuyện: nước ta có quyển Thập tam phương gia giảm (Hồng Nghĩa giác tư y thư của Tuệ Tĩnh), ai nấy đều khen là hay…Đó là do tấm lòng sáng suốt của Thiền sư Tuệ Tĩnh, tìm ra một lối dễ dàng trong phương pháp sử dụng Dược phẩm và gia giảm các bài thuốc... Ta biết niên hiệu Cảnh Hưng từ năm 1740 đến năm 1786 (47 năm) vào thế kỷ XVIII, sinh thời của Hải Thượng Lãn ông; như vậy có lẽ thời đại và tác phẩm của Tuệ Tĩnh mới có ở thế kỷ trước Hải Thượng tức là ở thế kỷ XVII thì hợp lý hơn.
Dù còn một số nhận định khác nhau, nhưng các tác giả đều thống nhất rằng:
- Tuệ Tĩnh Thiền sư là tác giả của hai cuốn: Nam dược Thần hiệu và Hồng Nghĩa giác tư y thư và là người giải thích sách Thiền tông khóa hư lục của Trần Thái Tông.
- Quê của Tuệ Tĩnh là làng Nghĩa Phú, tổng Văn Thái, huyện Cẩm Giàng, phủ Thượng Hồng, tỉnh Hải Dương.
- Về bộ sách Nam dược Thần hiệu và Hồng Nghĩa giác tư y thư hiện nay còn lưu tàng được nhiều bản sách khác nhau có thể là đã bị sửa chữa thêm bớt nhiều; nhưng vào năm Vĩnh Thịnh thứ 13 (1717), Chúa Trịnh Cương có sai quan Nội phủ và Y viện khảo đính lại. (Bản này có một bài tự đề Tháng Quý Hợi năm Đinh Dậu niên hiệu Vĩnh Thịnh thứ 13 (1717).
- Nam dược Thần hiệu, như tên sách đã nói lên, tác giả đã giới thiệu các vị thuốc Nam, ca tụng tác dụng điều trị rất hiệu quả của các vị thuốc Nam (thần hiệu!). Bộ sách này gồm 11 quyển. Quyển đầu giới thiệu dược tính của 499 vị thuốc Nam từ tên gọi khí vị đến chủ trị... xếp làm 22 loại dược vật như: loại cỏ hoang, loại dây leo, loại cỏ mọc ở nước, loại ngũ cốc, rau, quả, cây, côn trùng, loại có vẩy, loài cá loài có mai, loài chim, loài gia súc, loài thú rừng, loại đất kim loại,… cho đến dược phẩm nguồn gốc từ con người như sữa, nước tiểu trẻ em, tóc, phân,…
Mười quyển sau, mỗi quyển nói về chữa một khoa từ điều trị các bệnh trúng phong, các bệnh nội thương đến phụ khoa, nhi khoa, ngoại khoa...
- Hồng Nghĩa giác tư y thư đó là tên sách mà Chúa Trịnh mệnh danh cho là sách thuốc của Hồng Nghĩa Đường (biệt hiệu của Tuệ Tĩnh Thiền sư) soạn ra. Bộ sách này gồm hai quyển Thượng và Hạ vừa viết bằng chữ Nôm, vừa viết bằng chữ Hán, nội dung chủ yếu gồm có:
+) Bài phú về thuốc Nam.
+) Bài phú về dược tính bằng chữ Hán.
+) Các mục về y lý chung như Can, Chi, Bát quái, Tạng phủ, Kinh lạc...
+) Chủ trị của các vị thuốc, Bài thuốc...
+) Thập tam phương gia giảm
+) Ba mươi bảy phương chữa Thương hàn…
Hai bộ sách Nam dược Thần hiệu và Hồng Nghĩa giác tư y thư đã có ảnh hưởng rất sâu rộng trong nền y học cổ truyền dân tộc Việt Nam. Đại y tôn Hải Thượng Lãn Ông đã kế thừa Tuệ Tĩnh và phát huy những thành tựu của bậc tiền bối trong các tác phẩm Lĩnh Nam bản thảo, Hành giản trân nhu, Bách gia trân tàng...
Khẩu hiệu và chủ trương mà Tuệ Tĩnh nêu ra: Thuốc Nam chữa người Nam, vừa mang tính chất dân tộc đại chúng vừa mang tính chất khoa học; bởi dùng các dược vật ở miền địa lý khí hậu nào, chữa cho người ở miền đó, là thích hợp. Do vậy, Tuệ Tĩnh Thiền sư được tôn thờ là Vị Thánh thuốc Nam.
GS. BÁC SỸ NGUYỄN VĂN THANG