NHÀ THIÊN VĂN HỌC VĨ ĐẠI BA LAN
NICOLAS COPERNICUS (1473 - 1543)
Những cuộc du hành lớn của Colomb Magellan và những người đi biển khác đã làm thay đổi bản đồ Trái đất.
Trước con mắt kinh ngạc của con người đã xuất hiện nhiều nước mới, nhiều khu vực rộng lớn của thế giới, mà trong Kinh Thánh không thấy nói tới. Con người bắt đầu nghi ngờ: thì ra các nhà viết Kinh Thánh cũng không phải là biết nhiều. Có thể rằng họ cũng có sai lầm. Và nếu như những người viết: "theo lời Chúa phán" đã sai lầm thì các nhà Bác học cổ như Aristotle, Ptolémée càng có thể sai lầm hơn. Và sự nghi ngờ đã xuất hiện.
Lúc bấy giờ đã ra đời học thuyết mới về cấu trúc Thế giới. Học thuyết đó do Nicolas Copernicus đề xuất. Ông sinh ngày 19-2-1473 ở thành phố Trun nước Ba Lan.
Trong các năm 1491 - 1495, ông học trường Đại học Cơracôvi thuộc Thủ đô Ba Lan. Năm 1496, ông sang học trường Đại học Bologne ở Italia. Sau đấy, ông lại theo học khoa y học, luật học và kinh tế học tại các trường Đại học Padoue và Pherarê ở Italia. Năm 1503, ông được trao bằng Tiến sĩ luật học tại trường Đại học Pherarê. Năm 1504, ông trở về Ba Lan, tham gia các hoạt động xã hội, đồng thời trở thành một thầy thuốc nổi tiếng và một nhà kinh tế học xuất sắc. Trong một tác phẩm về kinh tế học, xuất bản năm 1526, ông phát minh ra một quy luật quan trọng về tiền tệ mà phải mấy trăm năm sau, nhà kinh tế học người Anh Thômát Gờrétsam mới tìm ra.
Ngay từ khi còn học ở nhà trường, môn học mà Copernicus ưa thích nhất là thiên văn học. Quan niệm chính thống hồi ấy về cấu tạo Vũ trụ là "lý thuyết địa tâm" - xem Quả đất là trung tâm của Vũ trụ. Mặt trời, Mặt trăng và các hành tinh quay xung quanh nó. Lý thuyết này được nhà Bác học cổ Hy Lạp Aristotle đề xướng vào đầu thế kỷ thứ IV Tr.CN, và đến thế kỷ thứ III S.CN được nhà Bác học Cổ Ai Cập Ptolémée bổ sung, vì vậy thường được gọi là “lý thuyết Aristotle – Ptolémée”.
Copernicus đã để rất nhiều công phu nghiên cứu quan sát sự chuyển động của Mặt trời, Mặt trăng và các hành tinh. Kết quả đã dẫn ông đến chỗ nghi ngờ "lý thuyết địa tâm". Trong một bản luận văn ngắn xuất bản năm 1507, nhan đề “bình luận của N. Copemicus về các tác giả thuyết liên quan đến chuyển động của các thiên thể”, lần đầu tiên ông đã đề xướng giả thuyết táo bạo về sự quay của Quả đất quanh Mặt trời. Tác phẩm nổi tiếng nhất của Copernicus mang tên Về chuyển động của các thiên thể hình cầu trên bầu trời gồm 8 cuốn, đã được biên soạn rất công phu trong 18 năm (1515 - 1533); nhưng mãi đến năm 1543, cuốn sách mới ra đời, chỉ ít ngày trước khi ông mất. Trong cuốn sách này ông trình bày một cách có hệ thống "lý thuyết Nhật tâm'' về cấu tạo của Vũ trụ. Thay thế cho bức tranh Vũ trụ của Aristotle - Ptolémée, Copernicus đã đề xuất một bức tranh Vũ trụ mới, trong đó, Mặt trời ở trung tâm, xung quanh có Sao Thủy, Sao Kim, Quả đất, Sao Hỏa, Sao Mộc, Sao Thổ; ngoài cùng có các định tinh gắn trên một hình cầu gọi là ''hình cầu các vì sao cố định''.
Thời ấy, Nicolas Copernicus đã không thừa nhận các câu chuyện của giáo hội về sự sáng tạo ra thế giới và việc Trái đất là trung tâm của Vũ trụ. Nhà tu hành Copernicus là một ủy viên của Hội đồng giáo hội. Làm sao một người tu hành lại có can đảm phản đối những quan điểm của giáo hội về sự sáng tạo thế giới?
Thời xưa, học vấn chỉ dành ưu tiên cho những người chuẩn bị để nhận các chức vị của giáo hội. Những người đó phải học cho biết đọc để có thể hành lễ theo đúng sách Kinh. Họ phải học viết vì những cha cố và giám mục tương lai cần phải trao đổi thư từ về những công việc của giáo hội; khi chưa có máy in thì chính các tu sĩ đã chép lại những sách của nhà thờ.
Vì vậy gặp được một người không đi tu mà biết đọc và viết là đều rất hiếm. Cho đến các Vua, Chúa và Hoàng đế, nhiều khi chỉ biết ký tên của mình chứ cũng không biết đọc, không biết viết; và việc nước của họ đều do những người trong giáo hội điều khiển.
Cho nên, những người muốn chuyên về khoa học đành phải chọn nghề tu hành. Là con một người làm bánh mì, Copernicus cũng phải làm như thế. Chú ông, một giám mục Đạo Gia tô, đã nuôi dạy và gửi ông sang Italia theo học trong một vài năm. Ở đấy ngoài những môn học về tôn giáo, ông đã được học cả y học và kỹ thuật; sau này ông đã trở thành một thầy thuốc và một kỹ sư giỏi.
Ông là một người Ba Lan nhiệt tình yêu nước. Mặc dầu đã đi tu, ông cũng tham gia vào cuộc chiến tranh chống bọn Đức. Nhờ biết về công binh, ông đã củng cố những lâu đài và chỉ huy các đội quân bảo vệ các lâu đài đó.
Copemicus đã phải mất rất nhiều thời giờ và công sức để hành lễ ở nhà thờ. Những buổi thăm bệnh cho người nghèo không lấy tiền cũng làm ông rất bận rộn.
Các buổi tối và ban đêm nhàn rỗi ông đã hoàn toàn dành cho môn khoa học mà mình yêu thích nhất: thiên văn học.
Công việc của nhà thiên văn học thời ấy không giống chút nào với công việc của nhà thiên văn hiện nay. Ngày nay, đã có những kính viễn vọng lớn để dễ dàng quan sát những thiên thể. Họ có thể chụp ảnh bất cứ khu vực nào của bầu trời, và trên tấm ảnh có tất cả các vì sao trông thấy được và cả các vì sao không trông thấy được trong kính viễn vọng.
Nhưng thời Copernicus, người ta chỉ có thể quan sát những thiên thể bằng mắt thường.
Để cho sự quan sát các hành tinh và sao có một giá trị khoa học, người ta cần phải biết cách xác định vị trí của chúng trên bầu trời, giống như người ta biết cách xác định vị tất của một thành phố trên bản đồ địa lý. Muốn vậy, các nhà thiên văn đã kẻ trên bản đồ bầu trời một mạng lưới đường giống như mạng lưới đường trên bản đồ địa lý.
Thời xưa, muốn xác định vị trí một ngôi sao, phải dùng một dụng cụ rất đơn giản, đó là thước đo góc bằng gỗ lớn có hai kim để chỉ: một kim cố định hướng về chân trời, còn kim kia di động hướng về ngôi sao. Góc đo được giữa hai kim là độ cao của ngôi sao ở trên chân trời. Thời bấy giờ không có cả đồng hồ để chỉ phút và giây. Để đo thời giờ, người ta đã dùng những dụng cụ không chính xác như đồng hồ nước hoặc đồng hồ cát.
Phải có lòng yêu khoa học tha thiết, phải tỏ ra khéo léo và kiên nhẫn đặc biệt, con người mới theo đuổi được công việc nghiên cứu khoa học đầy khó khăn với các dụng cụ không hoàn chỉnh như vậy.
![](/upload/s/20141023/aa6c49ce4b5d95be3469dafd092cc2d9image002.jpg)
Hàng chục năm, cứ mỗi đêm trời quang, dù nóng Hè oi bức hoặc rét đóng băng, Copernicus đều leo lên ngọn tháp của bức tường thành bao bọc nhà thờ Thành phố Phơrômboóc.
Trong suốt đời mình, Copernicus đã tiến hành biết bao lần quan sát các vì sao và hành tinh. Những sự quan sát đó đã làm cho nhà thiên văn đại tài người Xlavơ tin rằng, hệ thống Ptolémée là sai. Copernicus chỉ tìm thấy trong hệ thống đó một điều đúng: Mặt trăng đúng thực quay xung quanh Trái đất. Nhưng Sao Thủy, Sao Kim, Sao Hỏa và các hành tinh khác không quay xung quanh Trái đất, mà quay xung quanh Mặt trời. Còn bản thân Trái đất thì sao? Nó có chiếm một vị trí đặc biệt trong các hành tinh không? Không, nó cũng quay xung quanh Mặt trời. Do đó, theo Copernicus, người ta không thể coi Trái đất là trung tâm bất động của Vũ trụ, còn các phần khác của Vũ trụ là để phục vụ cho Trái đất.
Đối với các sao, Copernicus đã nhận định hoàn toàn đúng đắn rằng, chúng không nằm trong hệ Mặt trời của chúng ta. Khoảng cách từ Trái đất đến Mặt trời vô cùng nhỏ so với khoảng cách từ Trái đất đến các ngôi sao.
Sự chuyển động của các ngôi sao xung quanh Trái đất, Copernicus giải thích rằng: đó là do chuyển động của Trái đất xung quanh trục của nó một lần trong một ngày đêm. Cũng do chuyển động này mà ta thấy Mặt trời và các hành tinh hình như quay xung quanh Trái đất.
Phát kiến vĩ đại đó, Copernicus tìm ra vào lúc ông gần 40 tuổi. Nhưng ông vẫn giữ bí mật trong nhiều năm sau và chỉ nói riêng cho các bạn rất thân của mình biết mà thôi. Ông sợ bị giáo hội trừng phạt, vì học thuyết mới của ông chống đối với Kinh Thánh.
Chỉ vào cuối đời, do các bạn hết sức khuyến khích, ông mới quyết định cho xuất bản tác phẩm của mình. Cuốn sách được in xong vào năm 1543. Người ta kể rằng, cuốn sách đầu tiên đã được trao cho ông trong khi ông đang hấp hối.
NHỮNG MẨU CHUYỆN VỀ NICOLAS COPERNCUS
Những vòng nút bí ẩn nói gì?
Trong những năm theo học ở trường giòng Vlôxláp Copernicus được người ta dạy rằng Trái đất ở trung tâm Vũ trụ và Mặt trời, Mặt trăng cùng các thiên thể đều quay quanh Trái đất. Qua khung cửa sổ mở của căn phòng ở, cậu học sinh ham hiểu biết ấy tự mình tiến hành quan sát. Thực tế cho thấy rằng, những thiên thể đã không đi theo một đường tròn đều đặn; có lúc đi nhanh, có lúc đi chậm, có khi còn lùi trở lại nữa.
Copernicus đưa điều nhận xét ấy ra hỏi các thầy giáo, và được giải đáp:
Nhà Bác học vĩ đại bậc thầy của chúng ta là Ptolémée đã chỉ rõ, các thiên thể không phải chỉ quay quanh trái đất mà còn quay quanh các điểm tưởng tượng trên bầu trời; những điểm này tới lượt chúng lại quay quanh trái đất. Vì thế, đường đi nhìn thấy của các thiên thể có những chỗ thắt nút.
- Lạ thật! Tại sao các thiên thể vận hành một cách rắc rối như vậy?
- Vì ý Chúa muốn thế! Ta không nên hỏi tại sao mà chỉ nên nhận biết.
Nhưng Copernicus đã không lấy làm thỏa mãn với cách giải thích ấy. Cậu bé tiếp tục quan sát, suy nghĩ. Những mầm mống đầu tiên về một cách giải thích cấu trúc thực tế của Vũ trụ đã hình thành dần dần. Sau này, Copernicus đã tìm ra rằng, những vòng nút bí ẩn trên đường đi của các thiên thể kia, không phải là biểu hiện ý chí Thần linh nào, mà chỉ phản ánh chuyển động tương đối của Trái đất và các hành tinh xung quanh Mặt trời.
Nhà Bác học yêu nước
Khi quân xâm lược Tôtôn kéo đến uy hiếp đất nước Ba Lan và thành phố Phơrômboóc, nhân dân thành phố hội họp lại để tìm một người có tài đảm đương việc chỉ huy công cuộc chiến đấu phòng thủ. Mọi người đều đồng thanh hô lớn:
- Bác sĩ Copemicus! Bác sĩ Copemicus!
Từ lâu, với chức vụ trợ giáo, Copernicus đã tham gia vào nhiều hoạt động xã hội như chữa bệnh, quản lý tài chính, cải cách xã hội, chấn chỉnh kinh tế và được toàn dân quý mến. Nhưng ông chưa hề có ý niệm gì về chỉ huy chiến trận.
Song, trước sự tín nhiệm tuyệt đối của dân chúng, trước mối nguy cơ đất nước đang bị đe dọa, nhà Bác học đã dũng cảm đứng ra nhận lấy trọng trách tổ chức chiến đấu.
Thái độ của ông đã nêu cao tấm gương yêu nước trong số những thân sĩ, trí thức và làm nức lòng mọi người. Kết quả, quân xâm lược Tôtôn bị đánh đại bại.
“Người giữ lại Mặt trời và đẩy Trái đất chuyển dịch”
Trước khi thuyết Copernicus ra đời, người ta tin rằng Trái đất đứng yên và là trung tâm Vũ trụ; Mặt trời, trăng, sao đều quay quanh Trái đất. Bằng những lập luận tương đối chặt chẽ, Copernicus đã lật đổ quan niệm ấy và chỉ ra rằng, chính Trái đất cùng các hành tinh đã chuyển động quanh Mặt trời. Trái đất không hề chiếm một vị trí đặc biệt nào trong Vũ trụ cả.
Quan điểm của Copernicus đã có ý nghĩa như một cuộc cách mạng trong nhận thức của con người về thế giới. Nó soi sáng thực chất của quy luật Vũ trụ, chứ không chỉ dừng lại ở hình thức bên ngoài. Từ những luận điểm cơ bản của Copernicus, các nhà Bác học kế tục ông như Bruno, Kepler, Galiléo Galilée, Newton, Laplace, v.v. . . đã mở rộng và bồi bổ thêm những hiểu biết của con người về Vũ trụ.
Trên mộ chí, nơi yên nghỉ của nhà Bác học vĩ đại những bạn hữu và học trò của Copernicus đã ghi lại dòng chữ đầy ý nghĩa:
"Người đã giữ lại Mặt trời và đẩy Trái đất chuyển dịch''.
NGUYỄN HOÀNG ĐIỆP