TYCHO BRAHÉ, NHÀ THIÊN VĂN HỌC NỔI TIẾNG (1546 - 1601)
Tycho Brahé (Ticô Brahê), nhà thiên văn học ra đời năm 1546 tại vùng Elsinore (Enxinor – Đan Mạch).
Tên thật của ông là Tyge (Tighê, Tycho là tên La tinh). Ông là con cháu của một giòng địa chủ phong kiến Đan Mạch từ lâu đời. Một người chú không có con đã bắt cóc cậu bé Tycho. Lên 7 tuổi, Tycho đã nói được tiếng La tinh lưu loát, đánh kiếm, soạn nhạc. 12 tuổi, Tycho được gửi đi học tại trường Đại học Copenhagen (Côpenhaghen). Sau đó, ông vào trường Đại học Leipzig (Laixich). Lúc 17 tuổi, Tycho bắt đầu lập biểu đồ những gì ông quan sát thấy trên bầu trời một cách có hệ thống. Tycho ủng hộ ý kiến của Copernicus nhưng lại cho rằng, toàn bộ bầu trời ngôi sao và thiên thể quay xung quanh Mặt trời; còn Mặt trời quay quanh Trái đất.
Năm 1572, Tycho nhìn thấy một ngôi sao mới hiện rất sáng: ông gọi nó là Nova. Theo ông các ngôi sao cũng có mở đầu, phát triển và kết thúc.
Hoàng đế Frederick Đệ II (Frêđêrich) của Đan Mạch đã tặng cho Brahé Đảo Hveen gần Coperthagen để đặt đài thiên văn. Một món tiền 20.000 bảng Anh được dùng để trang bị đồ đạc cho hòn đảo này. Cộng thêm số tiền 20.000 bảng Anh của riêng mình, Tycho tiến hành trang trí hòn đảo của ông. Tòa nhà chính là một lâu đài mà ông gọi là Uranienborg (nghĩa là lâu đài của Vũ trụ). Lâu đài được xây như một khu vườn, các góc của nó chỉ về phương Bắc, Nam, Đông và Tây. Những bức tường trong lâu đài treo nhiều bức vẽ và công trình điêu khắc. Các phòng ngủ sang trọng xa hoa dành cho Brahe và những đoàn người chức sắc đến viếng thăm ông. Các phần khác của cung điện lộng lẫy này được dùng làm phòng in, thư viện, phòng thí nghiệm và đài quan sát. Một tòa nhà thứ hai để làm đài quan sát được xây dưới lòng đất, chỉ có mái nhà là nhô lên để bảo quản các dụng cụ. Trên mô hình bầu trời có đường kính 5 bộ, Tycho đánh dấu vị trí các ngôi sao mà ông nhận biết được. Ông còn sáng chế một dụng cụ có kẽ hở để mắt nhìn được rõ hơn.
Năm 1559 Hoàng đế Rudolf Đệ II (Ruđôn) của xứ Prague cho ông một lâu đài cùng một đài quan sát. Ông quan sát Sao Hỏa trong 4 năm, Sao Thổ trong ít nhất 30 năm. Phụ tá của Brahé là Johannes Kepler (Giohannetx Kêpler) được gọi đến Prague vào năm 1600. Tycho Branhé qua đời vào năm 1601.
(13,22) GS. VŨ VĂN CHUYÊN