LÝ THỜI TRÂN (1518 - 1593)
Nhà y dược học vĩ đại Lý Thời Trân, người huyện Tiệm Sơn, tỉnh Hồ Bắc, sinh năm 1518 và mất năm 1593, đã có cống hiến lớn cho nền Y, Dược học thế giới.
Ngoài việc đem hết sức lực nghiên cứu Dược học, soạn thành bộ sách Dược học của Đông y nổi tiếng trên thế giới Bản thảo cương mục, ông còn soạn cuốn Tân Hồ Mạch học và cuốn Kỳ kinh bát mạch là những bộ sách thuốc thực dụng.
Lịch sử phát triển dược học của Đông y gắn với tên ông. Theo truyền thuyết thì Vua Thần Nông (vào khoảng ba ngàn năm Tr. CN) nếm một trăm thứ cỏ thì một ngày gặp tới bảy mươi thứ cỏ độc. Điều đó nói lên nguồn gốc dược vật và sinh hoạt của loài người có liên hệ với nhau. Tri thức về dược vật của Đông y có từ nhiều thế kỷ Tr.CN. Đến thế kỷ thứ II đã có những sách chuyên về dược như: Thần Nông bản thảo kinh. Cuốn sách này chép 365 vị thuốc ứng với 365 ngày trong một năm (thực ra trùng 18 vị chỉ là 347 vị) và tổng kết được một số hiểu biết lý luận cơ bản về dược vật. Đến thế kỷ V và thế kỷ VI trên cơ sở Bản thảo kinh, Đào Hoằng Cảnh đời Lương đã nghiên cứu tăng thêm tổng cộng có 730 vị thuốc. Đến đời Đường, ban hành cuốn Đường tân tu bản thảo; đến đời Tống có cuốn Gia hữu bản thảo số vị thuốc đã có đến 1082 vị, rồi Đường Thân Vi soạn cuốn Kinh sử chứng loại bị cấp bản thảo (Thế kỷ XI) số vị thuốc lên tới 1746 vị. Đời Tống có cuốn Đại quan bản thảo, sau chỉnh lý đổi tên là (Chính hòa tân tu kinh sử chứng loại bị dụng bản thảo).
Đến năm 1578, nhà Y dược học lỗi lạc Lý Thời Trân, căn cứ vào các kiến thức y dược trước đây, đặc biệt là kiến thức Dược học uyên bác của ông mà soạn thành bộ sách Bản thảo cương mục; trong đó viết về 1892 vị thuốc, đã đem Dược vật thời xưa khảo sát và nghiên cứu một cách thiết thực; về sau, năm 1675, Triệu Học Mẫn dựa trên cuốn sách này soạn thành bộ Bản thảo cương mục thập di bổ sung 716 vị thuốc nữa.
Lý Thời Trân chia các vị thuốc làm 16 bộ là: Thủy (nước), Hỏa (lửa), Thổ (đất), Kim (kim loại), Mộc (cây cỏ), Thạch (đá), Thảo (cỏ), Cốc (lúa), Thái (rau quả), Phục khí (gấm, vải, bông, áo của người bệnh), Trùng (côn trùng), Lân (loài có vảy), Giới (loại tôm, cua, trai), Cầm (chim), Thú (loài có vú), Nhân (con người)... Mỗi bộ lại chia thành nhiều loại như bộ thảo (cỏ), lại chia ra Sơn thảo (cỏ núi), Phương thảo (cỏ thơm), Thấp thảo (cỏ mọc nơi thấp ướt), Độc thảo (cỏ độc), Mạn thảo (cỏ leo), Thủy thảo (cỏ mọc dưới nước), Thạch thảo (cỏ mọc ở khe đá), Thai (rêu) và tạp thảo...
Như vậy là đã phân loại vị thuốc theo hình thái rồi phân loại theo tác dụng chữa bệnh để giúp thầy thuốc điều trị dễ sử dụng (cũng như phân loại theo hình thái để giúp cho người dược sĩ thu hái tìm thuốc và phân loại tốt xấu).
Sau này Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác (thế kỷ XVII) ở Việt Nam đã nghiên cứu Dược học và trên cơ sở tham khảo Nam dược Thần hiệu của Tuệ Tĩnh và bản thảo cương mục của Lý Thời Trân cũng như các tác giả kinh điển khác; cộng thêm với kinh nghiệm, nghiên cứu, tập hợp của mình đã biên soạn nên các cuốn Lĩnh Nam bản thảo; Dược phẩm yếu; Bách gia trân tàng... trong pho sách nổi tiếng Hải Thượng y tông tâm lĩnh.
Bộ sách Bản thảo cương mục của Lý Thời Trân rất nổi tiếng ở nhiều nước, nó được dịch ra nhiều tiếng từ thế kỷ XVI, XVII như dịch ra chữ La tinh, Nhật, Pháp, Nga, Đức, Anh... và Lý Thời Trân được tôn là một trong các nhà khoa học lớn của thế giới.
GS. - BÁC SỸ NGUYỄN VĂN THANG