GALILEO GALILÉE (1564 - 1642)
Khi Giordano Bruno bước lên dàn lửa, thì nhà thiên văn lỗi lạc người Italia Galileo Galilée (Galilêô Galiê) đã 36 tuổi, ông là người tán thành học thuyết Copernicus, nhưng số phận của Bruno đã làm cho ông sợ hãi nên ông không dám công khai bảo vệ ngay hệ thống thế giới đó.
Chính vào lúc ấy, người ta vừa mới phát minh ra ống kính, đó là một sự kiện vô cùng quan trọng cho sự phát triển của khoa học. Galilée là người đầu tiên đã chiếu ống kính lên bầu trời. Vừa mới quan sát lần đầu ông đã nhận thấy chứng xác thực rằng học thuyết Copernicus là đúng. Ống kính đã cho phép ông nhìn thấy Mặt trăng có núi non và thung lũng; Mặt trăng là một thế giới có nhiều điểm giống Trái đất.
Ông thấy Sao Kim có hình dạng một lưỡi liềm sáng giống như Mặt trăng, chứ không phải là một chấm sáng chói.
Nhưng quan sát lý thú nhất là Sao Mộc. Ngày 7 tháng Giêng năm 1610, khi Galilée chiếu ống Kính tốt lần đầu tiên lên Sao Mộc, ông đã khám phá ra đó không phải là một chấm sáng mà là một cái đã khá lớn có ba ngôi sao nhỏ kèm theo; ngày 13 tháng Giêng ông lại khám phá ra ngôi sao thứ tư, ở bản đồ thiên văn, bạn sẽ thấy rõ trên tấm ảnh có bốn vệ tinh của Sao Mộc, và có lẽ bạn sẽ lấy làm lạ tại sao Galilée không khám phá ra bốn vệ tinh đó ngay một lúc vì chúng rất dễ trông thấy trong tấm ảnh. Điều ấy sẽ dễ hiểu nếu chúng ta nhớ lại rằng, ống kính của Galilée hồi đó rất tồi. Về sau này, ống kính tốt nhất của ông cũng chỉ phóng đại được đến 30 lần.
Galilée xác định rằng, bốn ngôi sao nhỏ đó không những đi theo Sao Mộc trong cuộc hành trình qua bầu trời, mà còn quay xung quanh hành tinh lớn đó.
Như vậy, đã tìm ra được ở Sao Mộc có bốn Mặt trăng!
Các nhà khoa học tỏ ra hoài nghi về phát kiến của Galilée. Giáo sư Crơônini ở trường Đại học Padoue đã từ chối không chịu nhìn vào ống kính:
- Cần gì phải nhìn khi tôi đã biết rằng Sao Mộc không có và không thể có vệ tinh!
Câu trả lời ngu ngốc đó đã làm cho Crơônini "nổi tiếng"!
Những người khác thì nói rằng:
- Các vệ tinh của Sao Mộc không thể tồn tại vì chúng hoàn toàn không có ích gì cho con người.
Lại có cả một Giám mục tuyên bố rằng:
- Một tuần lễ có bảy ngày, đầu con người có bảy lỗ hổng: hai mắt hai tai, hai lỗ mũi và một mồm; trên trời có bảy hành tinh: Mặt trăng, Sao Thủy, Sao Kim, Mặt trời, Sao Hỏa, Sao Mộc, Sao Thổ. Nếu thừa nhận Galilée đã khám phá ra thêm bốn hành tinh nữa, vậy thì sẽ có mười một, như thế thì không thể được!
Và mặc dầu có những lời phản đối, nhưng rồi sau đấy các nhà thiên văn cũng phải thừa nhận là vệ tinh của Sao Mộc là có thật.
Mặt trăng là một thiên thể dễ quan sát nhất. Mọi đêm sáng trăng, dù chỉ với một ống kính yếu nhất, ta đều có thể ngắm được bạn đồng hành trung thành của Trái đất, và việc quan sát đó lúc nào cũng mang lại cho ta nhiều điều thích thú. Galilée bảo với những người chưa tin các phát kiến của ông:
- Mời các ông cứ đến và tự các ông xem.
Ông hiểu rằng, cách tốt nhất để truyền bá kiến thức về bầu trời là làm cho càng nhiều người quan sát bầu trời càng tốt. Bởi vậy, ban đêm các bạn bè, người quen và cả người không quen nữa đã tập hợp tại nhà ông để tự mắt mình nhìn qua ống kính. Và những buổi quan sát đó đã gây cho các khán giả những ấn tượng mãnh liệt biết bao!
Họ đã thấy ở trên Mặt trăng có nhiều khoảng tối mênh mông mà Galilée đã lầm là biển và đại dương, họ đã phân biệt được ở đó có nhiều dãy núi rộng mà Galilée đã đo chiều cao theo chiều dài của bóng núi. Vậy thì khăng khăng xác định Mặt trăng là một cái đã bằng bạc gắn vào vòm trời, hay là một cái đèn tạo ra để chiếu sáng Trái đất, thì thật là một điều khôi hài.
Các cha cố đã nói rằng:
- Ống kính là một phát minh ma quỷ còn Galilée chính là tay sai của ma quỷ đó để làm lung lạc lòng tin của các con chiên.
Sau những phát kiến tuyệt vời của mình, Galilée không thể lặng thinh được nữa. Lúc đó, giáo hội chưa chính thức cấm hệ thống Copernicus, nên ông đã cho xuất bản một cuốn sách dưới nhan đề rất đẹp: Sứ giả của các vì sao. Trong cuốn sách này, ông đã tuyên bố một cách thận trọng đồng tình với học thuyết Copernicus.
Cuốn sách đó đã làm cho giáo hội tức giận: thì ra họ đã giết Bruno nhưng học thuyết Copemicus vẫn còn sống, và còn có người bênh vực và truyền bá nó. Không những thế, người bênh vực và truyền bá đó chính lại là một nhà Bác học nổi tiếng khắp châu Âu.
Năm 1616, Giáo Hoàng ban bố một sắc lệnh cấm xuất bản mọi tác phẩm bảo vệ học thuyết Copemicus, và trừng trị rất nghiêm khắc những ai vi phạm sắc lệnh đó. Sắc lệnh lại còn coi việc tàng trữ và đọc những sách ấy là một trọng tội.
Mối thù của giáo hội đối với "tà thuyết" Copernicus mạnh đến nỗi cho đến năm 1835, tất cả các sách nào xác nhận học thuyết đó đều bị cấm.
Những “cha cố” trong giáo hội cũng thù luôn cả Galilée nữa. Năm 1632, ông xuất bản một tác phẩm mới: Cuộc đối thoại về hai hệ thống, trong đó ông đã bênh vực hệ thống Copernicus. Ông đã phải khắc phục rất nhiều khó khăn để in được cuốn sách ấy vì ai cũng sợ bị buộc tội là tòng phạm trong việc truyền bá “tà thuyết” Copemicus. Nhưng rồi cuối cùng, cuốn sách này vẫn ra đời. Các giáo sĩ tức điên ruột.
Việc truyền bá những tác phẩm của Galilée lập tức bị cấm, và nhà Bác học già đó bị đòi về La Mã để Giáo Hoàng thân hành xét xử.
Người ta đã đem tội tử hình để dọa ông, cuộc thẩm vấn tiến hành trong phòng tối, trước mặt ông là những dụng cụ tra tấn ghê sợ: những phễu lớn bằng da dùng để đổ vào dạ dầy từng khối nước lớn, những cái kẹp bằng sắt dùng để xiết chặt ống chân, những kìm để bẻ xương…
Galilée đã không thể chịu nổi sự khủng bố đó và đã từ bỏ tác phẩm của mình. Ông đã quỳ gối trước nhà thờ, trước mặt đông đảo nhân dân để tỏ lòng hối hận.
Tuy đã làm đến như vậy, nhưng Giáo hội vẫn không trả lại tự do cho nhà thiên văn già nua. Ông vẫn bị tòa án Giáo hội giam cầm cho đến khi chết. Ông không được phép nói chuyện với bất kỳ người nào về sự chuyển động của Trái đất. Nhưng Galilée vẫn ngấm ngầm viết một tác phẩm mới, trình bày sự thật về Trái đất và những vì tinh tú.
Mặc cho sự tra tấn, truy tố và ngay cả khi tuyên bố tử hình cũng không ngăn cản được sự truyền bá học thuyết mới. Các thế hệ những nhà khoa học nối tiếp ông đã làm nên sự nghiệp vĩ đại cho nền văn minh nhân loại hôm nay.
NGUYỄN HOÀNG ĐIỆP
Chú thích:
Nhà thiên văn học Galileo Galilée (Galilêô Galilêi) theo đúng tên Italia sinh ra ở Pise (Pizờ) Italia trong một gia đình có dòng dõi quý phái ở Florence nhưng bị sa sút. Ngoài ông còn có thêm hai người con trai nữa và 4 người con gái. Cha ông là một người có học thức và là một nhạc sĩ tài năng. Ngay từ buổi thiếu thời, Galilée đã tỏ ra có triển vọng về cả hai mặt trí tuệ lẫn kỹ xảo. Năm 1574, gia đình ông đến ở Florence, ông đi học ở Trường Santa Maria de Vallombrosa (Xăng ta Marya đờ Valolômbrôza); ông suýt nữa ở lại đó làm người tập tu. Năm 1579, bố ông đón ông ra vì bị đau mắt nặng. Năm 17 tuổi, ông đậu vào trường Đại học Pise, nơi đây ông theo học y khoa đồng thời nghiên cứu cả toán học và vật lý. Năm 1585, ông rời bỏ Pise chẳng có bằng cấp gì cả. Có một lần khi còn là sinh viên ở Pise ông đã quan sát thấy sự đu đưa đều đặn của một chiếc đèn lồng treo trong nhà thờ. Ông đã phát hiện là chỉ có độ dài của sợi dây là ảnh hưởng tới chu kỳ của con lắc. Điều này được ứng dụng trong đồng hồ. Trở về Florence, ông tiếp tục nghiên cứu cân thủy tĩnh của Archimèdes và trọng tâm của một số vật thể rắn. Năm 1589, khi 25 tuổi ông được bổ nhiệm làm Giáo sư toán học cho Trường Đại học Pise có mức lương tương đương với 65 đô la một năm. Năm 1591, sau khi bố chết, ông phải gánh vác cả gia đình nữa. Trong thời gian này, ông còn nghiên cứu những vật rơi tự do và lăn trên mặt phẳng nghiêng. Năm 1592, ông được bổ nhiệm làm Giáo sư toán ở trường Đại học Padoue (Pađu) với lương tương đương với 200 đô la một năm. Tại đây, ông đã phát minh một dụng cụ để tính toán gọi là hình quạt.
Tháng 6 năm 1609, ông đã chế tạo được một kính viễn vọng có khả năng phóng đại gấp 30 lần. Sau đó ông được làm Giáo sư chính thức của Trường Đại học Padoue với mức lương tương đương 5000 đô la một năm. Ngày 12 tháng 3 năm 1610, ông phát hành cuốn sách Siderius nuncius (sứ giả của các vì sao). Ông quả quyết rằng dải Ngân hà gồm vô số các vì sao.
Galilée nhận lời về Đại học Pise vì ông mong muốn quay trở lại quê hương. Năm 1616. Galilée viết một lá thư chỉ trích tầng lớp thống trị. Việc này khiến ông bị tòa án giáo hội triệu đến. Lúc này ông đã 69 tuổi, tóc bạc phơ như tuyết, đôi mắt ông giờ đây đã mờ đi vì năm tháng. Tòa án giáo hội buộc ông phải thừa nhận trước công chúng là ông đã sai lầm: "Tôi Galilée xin từ bỏ ý nghĩ sai trái của mình, rằng Mặt trời là trung tâm của Vũ trụ và không dời chỗ. Người ta đồn rằng khi ông lão đứng dạy ông đã lẩm bẩm thật khẽ "E pur si mouve" (dù sao thì Trái đất vẫn cứ chuyển động quanh Mặt trời). Sau đấy ông mua một căn nhà nhỏ gắn tu viện nơi mà hai cô con gái của ông cùng với người vợ lẽ đang tu hành đến ở. Năm 1632, ông lại cho xuất bản một cuốn sách khác Bàn cãi xung quanh vấn đề hai hệ thống cơ bản của Thế giới (Dialogo sopra i due massimi sistemi del mondo Ptolemalco e Copemico). Một lần nữa ông bị đòi đến trước tòa án Giáo hội vào ngày 22 tháng 6 năm 1633. Bởi sức khỏe yếu lại tuổi cao, ông được phép giam lỏng trong căn nhà nhỏ mà ông đã mua cạnh tu viện của hai con gái mình. Năm 1638, khi đã 74 tuổi, ông bị mù. Năm 1642 khi ông mất tòa giáo hội đã cấm hành tang lễ cho ông.