JOHANN RUDOLPH GLAUBER
(1604 - 1670)
Johann Rudolph Glauber sinh năm 1604 tại thành phố nhỏ Karlstadt. Là con một người thợ can (vẽ) chắc chắc chẳng bao giờ anh nghĩ rằng mình sẽ trở thành một nhà hóa học. Con đường dẫn anh đến phòng thí nghiệm chỉ là sự ngẫu nhiên. Năm 20 tuổi, anh ốm một trận thập tử nhất sinh mà hầu như không có nguyên nhân. Sau đó, anh khỏi bệnh hoàn toàn nhờ uống nước từ một nguồn suối khoáng. Đó là nguyên nhân khiến anh bắt đầu say mê nghiên cứu các loại muối trong nước khoáng thiên nhiên.
Giống như Paracelse, Glauber ưa thích những cuộc du lịch đó đây để học hỏi: năm 1625, anh từ Karlstadt đến Wien, yết kiến Hoàng đế Ferdinand Đệ II và được nhà Vua trọng dụng. Anh ở lại đây, biểu diễn cho Hoàng đế và triều đình xem những ''phép lạ'' mà anh học được từ nhà giả kim thuật nổi tiếng thời bấy giờ là Sendivogius.
Rồi đột nhiên năm 1626, anh lại rời bỏ cung đình đi chu du thiên hạ, chữa bệnh cho mọi người như một thầy thuốc dân gian. Cuối cùng, Glauber định cư ở Hà Lan vừa buôn bán vừa nghiên cứu khoa học. Phòng thí nghiệm của anh ở Amsterdam là phòng thí nghiệm lớn nhất thời đó.
Vốn là một nhà doanh nghiệp tồi, năm 1648 Glauber bị phá sản. Phòng thí nghiệm bị bán đấu giá, kèm theo món nợ vài nghìn guilder. Ông phải bí mật trốn sang Bremen nhưng không tránh được các chủ nợ săn lùng, mãi sau, ông mới tạm yên ổn định cư ở Wertheim, bán rượu để sinh sống và tạo dựng một phòng thí nghiệm mới để nghiên cứu khoa học.
Nhưng rủi ro vẫn không buông tha ông. Lại vay nợ, lại khánh kiệt và một lần nữa bị đuổi ra ngoài đường. Lần này, ông bỏ đi thật xa, đến một thị trấn nhỏ là Kisimger trên bờ sông Main. Từ đây, dù nghèo khổ, ông chuyên tâm vào một công việc: nghiên cứu hóa học. Tất cả những gì là mê tín, dị đoan thời Trung cổ cho đến những phát minh nghiêm túc đều được kiểm nghiệm và ghi chép đầy đủ. Gian phòng tối tăm, ẩm thấp, trần thấp lè tè chính là nơi ra đời của nhiều hợp chất vô cơ chưa từng được biết đến: các muối, chì, thiếc, sắt, kẽm, đồng, Antimon, Asen... Cũng chính trong gian phòng này đã có những phát minh có tính lịch sử: các muối Clorua (đã tiên đoán sự tồn tại của khí clo) bằng phương pháp đun cách thủy.
Gạt bỏ những gì thiếu cơ sở khoa học (mà thời ấy là không thể tránh khỏi), lịch sử hóa học đã ghi nhận những công lao của Rodolph Glauber. Quan niệm về ái lực hóa học của ông cũng như sự phân loại các nguyên tố thành ''bạn'' và ''thù'' có tính chất mở đường cho nhiều nghiên cứu về sau.
Glauber quan tâm đến cả hóa hữu cơ. Trong phòng thí nghiệm hết sức thô sơ ấy, ông đã điều chế Axeton và Acrolein. Ông tìm ra được Etyl Clorua, một chất mà hiện nay ngành y tế vẫn dùng để gây mê và gây tê cục bộ.
Trong suốt cuộc đời lao động cần cù và luôn đứng vững trước những thất bại, ông đã viết tới 40 cuốn sách: trong đó nhiều cuốn khẳng định một kiến thức uyên bác có cơ sở khoa học như: Công trình về khoáng vật, Những kiểu lò mới, Luận văn về bản chất của muối.
Công lao chủ yếu của Rudolph Glauber là nghiên cứu về muối và axit vô cơ. Các axit clohydric và nitric đã được biết đến từ lâu, nhưng chính ông là người giải thích các axit này đã hình thành như thế nào khi cho muối ăn và diêm tiêu tác dụng với Axit sunfuric và điều chế được chúng dưới dạng tinh khiết. Ông đưa ra một phản ứng hết sức cơ bản mà ngày nay bất cứ một học sinh phổ thông nào cũng biết? axit tác dụng với muối cho một axit mới và một muối mới.
Trong những ngày cuối đời, vào những năm 60 của thế kỷ XVII, Rudolph Glauber trở về Amsterdam. Ở đây, ông bị ốm nặng, nằm liệt giường suốt hai năm liền. Bình phục, ông lại lao vào nghiên cứu. Bốn năm sau một trận ốm khác đã đánh gục ông.
Rudolph Glauber mất ngày 10-3-1670 và chôn tại nghĩa địa Amsterdam.
KS. NGUYỄN QUỐC TÍN