JEAN BAPTISTEVAN HETMONT (1579 - 1644)
Từ thời Cổ Hy Lạp, nhà triết học kiêm tự nhiên học Aristotle đã nghĩ nhầm là cây lấy mọi nguyên liệu xây dựng từ đất, để lớn lên. Helmont là người đầu tiên chứng minh sự nhầm lẫn đó.
Helmont sinh năm 1579 tại Hà Lan và mất năm 1644, thọ 65 tuổi. Năm 1630, lúc đã 51 tuổi, ông làm một thí nghiệm nay đã trở thành kinh điển. Ông đổ 90kg đất cát mịn vào một chậu gỗ và trồng lên đó một cây liễu con nặng 2,25kg. Hàng ngày, Helmont lấy nước mưa tưới cho cây.
Sau năm năm, ông đánh cây lên, rửa sạch đất cát và cân lại. Cây đã nặng thành 258kg, nhưng trọng lượng đất trong chậu gỗ vẫn như cũ, không suy suyển. Helmont kết luận: cây lớn không phải nhờ “ăn đất”, mà nhờ "uống nước''.
Foseph Priestley (Prixlây) sinh ngày 13-3-1733, tại một thị trấn nhỏ gần thành phố Leeds ở Anh, trong một gia đình thợ dệt rất nghèo. Bố mẹ mất sớm. Priestley được một bà dì nuôi. Cậu theo học 4 năm ở tu viện đa phương về thần học, triết học, các khoa học tự nhiên và tỏ ra có năng khiếu đặc biệt về ngoại ngữ (về sau, Priestley đã đọc thông viết thạo 8 ngoại ngữ Đức, Pháp, Italia, Hy Lạp, Ả Rập, Syrie, La tinh cổ và Do Thái cổ). Ở tu viện ra, ông được bổ nhiệm làm Linh mục, nhưng vì chống lại các điều sùng tín của Đạo Gia tô, nên bị rút phép thông công và khai trừ ra khỏi giáo hội địa phương. Priestley chuyển sang dạy tư để kiếm sống một cách vất vả. Năm 1780, khi đã 47 tuổi, ông mới được nhà thờ nhận lại, làm Linh mục ở địa phận thành phố Burmingham. Nhưng vì ủng hộ công khai Cách mạng Pháp và tiếp tục chống đối nhà thờ, nên nhà cầm quyền đã sai người đốt nhà ông để trừng phạt và hủy các bản thảo đang viết dở của ông. Priestley phải chuyển lên London và cuối cùng, năm 1794, phải sang cư trú ở Mỹ. Priestley mất vào tháng 2 - 1804, thọ 71 tuổi. Công trình khoa học lớn nhất của ông là đã phát hiện ra ôxy trong quang hợp của cây xanh, vào năm 1772.
Ông bỏ một ngọn nến cháy trong một cái chuông úp kín. Sau một thời gian, nến tắt do không khí đã bị “làm độc” (phlogisticated). Sau đó ông đưa thêm vào trong đó một cây bạc hà nhỏ: nến tiếp tục cháy. Priestley kết luận là cây đã sản xuất một chất có khả năng ''làm lành'' (dophlogisticate) không khí, mà ngọn nến cháy đã “làm độc”.
Về sau, ta đã biết là cây bạc hà lấy đi khí CO2 và thả ra khí O2, trong quang hợp.
Bảy năm sau, năm 1779, nhà tự nhiên học Hà Lan Yan Inghel Honz (In ghen Hao) lại chứng minh thêm trong bóng tối cây xanh cũng “làm độc” không khí như cây nến cháy (hô hấp), chỉ ''làm lành'' không khí độc khi có ánh sáng (quang hợp).
Ba năm sau, năm 1782, một nhà tự nhiên học Hà Lan khác là Yansenebier (1742 - 1809) đã hoàn chỉnh được bức tranh quang hợp của cây xanh bằng cách cụ thể hóa sự tuần hoàn chéo của CO2 và O2 qua thí nghiệm cho cây và chuột sống chung một thời gian lâu trong chuồng kín đặt ở chỗ sáng: chuột hô hấp (lấy O2 thải CO2) còn cây thì vừa hô hấp (không mạnh) vừa quang hợp mạnh (lấy CO2, thải O2). Như vậy là những cố gắng cộng lại của ba nhà khoa học Hà Lan và một nhà khoa học Anh, đã giúp loài người bước đầu hiểu đúng thực chất của quang hợp, một hiện tượng cực kỳ quan trọng đối với cuộc sống trên trái đất. Quá trình quang hợp của cây xanh đã cung cấp cho trái đất mỗi năm khoảng 200 tỷ tấn chất hữu cơ, nguồn thức ăn gốc của toàn bộ sinh giới, cũng như 20% ôxy của khí quyển, nguồn thở và ôxy hóa duy nhất, của vật chất vô sinh và hữu sinh.
GS. LÊ QUANG LONG