WILLIAM HARVEY
(1578 - 1657)
William Harvey (Uyliam Harvây) sinh ngày 1 - 4 - 1578 tại một cảng nhỏ ở miền Nam nước Anh. Ông đã học 5 năm tại trường Hoàng gia văn phạm ở Canterbury, và không theo nghề buôn bán của bố mà thi vào trường Đại học Cambridge để học tiếp. Sau 4 năm, ông lại theo học ở trường Đại học Padoue ở Italia. Năm 24 tuổi, ông đỗ Bác sĩ và trở về Anh để học tiếp khoa Y tại trường Cambridge và năm 27 tuổi Harvey lại đỗ Bác sĩ lần thứ hai.
Từ năm 29 tuổi, ông dạy học ở trường Y Hoàng gia, kiêm Bác sĩ phẫu thuật ở Bệnh viện Saint Bartholomew.
Năm 35 tuổi, Harvey được cử làm Giáo sư trường Đại học Y ở London.
Năm 40 tuổi, Harvey được mời làm Ngự y riêng của Vua Anh James I. Ông tranh thủ mọi thời gian rỗi rãi để mổ xẻ và nghiên cứu chim, thỏ, rắn, nai, hoẵng...
Năm 1628, Harvey cho in cuốn Hoạt động của tim và máu động vật, trong đó ông dùng thực nghiệm để chứng minh máu động vật tuần hoàn liên tục và lực đẩy của máu là sự co bóp của tim. Sách của Harvey chỉ dày có 72 trang, nhưng gây chấn động lớn ở Châu Âu. Một số người quá khích gọi ông là “thằng mất trí”, “kẻ điên khùng”!. Harvey lúc đó đã 50 tuổi, không hề nhụt chí và vẫn tiếp tục nghiên cứu.
Năm 73 tuổi, ông cho in cuốn thứ hai Về sự hình thành của Động vật (năm 1651). Đó là sách về phôi học có giá trị nhất thời đó. Trang đầu có ghi câu: "Mọi sinh vật đều sinh ra từ trứng''. Sách này cũng không được ai hoan nghênh. Harvey tiếp tục sống khiêm nhường và thanh thản. Ông mất ngày 3 tháng 6 -1657 ở London, thọ 79 tuổi.
Pavlov, nhà sinh lý học được suy tôn là “số một của Thế giới”, giải Nobel năm 1904, đã nhận xét: “Ngày nay, thật khó tưởng tượng rằng trong cái tối tăm sâu thẳm và sự lẫn lộn mơ hồ bao trùm các quan điểm thời đó, và trong vòng vây của quyền lực người thầy thuốc lỗi lạc Harvey lại phát hiện được một trong những chức năng quan trọng nhất của cơ thể: sự tuần hoàn máu. Harvey đã đặt nền tảng hiểu biết vững chắc cho một ngành khoa học mới: ngành sinh lý học động vật.
GS. LÊ QUANG LONG