ISAAC NEWTON (1642 - 1727) NHÀ VẬT LÝ HỌC NGƯỜI ANH
VỚI ĐỊNH LUẬT VẠN VẬT HẤP DẪN
Isaac Newton sinh ra đã là một đứa trẻ thiếu tháng, gày gò, ốm yếu tại xóm Woolsthorpe gần Thị trấn Grantham, quận Lincolnshire. Lại thêm sự qua đời của người cha. Chỉ hai năm sau đó, mẹ ông lấy một thầy tu giáo hội Anh, nên đã giao ông cho bà bác chăm sóc. Ông học tiểu học ở trường làng và trung học ở thành phố nhỏ Grantham. Những bài học trong nhà trường càng ngày càng làm ông chán ngán, thất vọng. Ngày nào cũng phải học lịch sử các Thánh và cầu Kinh. Tiếng La tinh và Hy Lạp hoàn toàn xa lạ với cuộc sống. Thời ấy, Newton say mê đọc những tác phẩm của Roger Bacon (Rôgiơ Bêcơn). Trong thời gian ở tại nhà dược sĩ Cơlác, ông đã trở thành bạn thân của Xtôrây Cơlác - con gái riêng của dược sĩ. Ông thích chế tạo đồ chơi như đồng hồ nước, chiếc thuyền vỏ trứng chạy bằng hơi nước, cối xay nước. Nhưng nhà trường nhận xét về Newton là: học kém, thích nghịch ngợm, đánh nhau với bạn học. Và Newton thời ấy thành thật bộc lộ những cảm nghĩ của mình về các môn học và kể cho đức cha, Hiệu trưởng Henri xtâucơ nghe về những cuốn sách và những trò chơi của mình. Cha Henry đưa cho ông những cuốn sách của Leonardo da Vinci (Lêônácđô da Vinxi), Archimèdes (Acsimét) viết bằng tiếng La tinh và tiếng Hy Lạp. Cha khuyên ông hãy cố học cho giỏi để đọc được những quyển sách này. Những lời khuyên nhủ chân tình của cha Henry đã tác động mạnh tới Isaac Newton. Cuối cùng ông đã trở thành một trong số rất ít những học sinh giỏi nhất Trường Trung học Grantham. Trình độ toán học của Newton đã vượt xa các bạn cùng lớp và đủ giúp ông hiểu được các sách của Copernicus (Côpécníc), Galilée (Galilê), Descartes (Đề các), Képler (Kêpơle).
Việc học tập của Isaac Newton đang tiến triển mạnh mẽ thì dượng Xmit chết, Newton lập tức bị mẹ gọi trở về Woolsthorpe, cùng với ba con nhỏ của bà; Isaac Newton buộc phải thôi học để trở về nhà giúp mẹ trông nom ruộng vườn. Bà Anne Newton hy vọng rằng, sau vài năm tham gia công việc nông phu con trai lớn của mình sẽ trở thành một ông chủ vườn tháo vát và thay thế bà quản lý cái sản nghiệp nhỏ bé của tổ tiên để lại. Nhưng Isaac Newton đi chăn cừu thì lại để cừu phá lúa và hoa màu của dân làng, vì các cuốn sách đã làm cho ông quên hết mọi sự trên đời. May mắn cho Isaac, bà mẹ Anne đã nghe theo lời khuyên của em trai vẫn tiếp tục cho ông đi học. Isaac sung sướng trở lại trường trung học. Năm 1660, Newton 18 tuổi, là sinh viên Trường Đại học Tơriniti của hệ thống học đường Cambridge. Phải đợi mãi đến năm 1663, khi Isaac Newton 21 tuổi, bước vào năm thứ ba của Trường Đại học Trinitt, thì ông mới được Isaac Barrow (Izăc Bêrau) - một nhà toán học giỏi vào bậc nhất nước Anh thời đó dạy toán. Chính nhờ sự hướng dẫn của Barrow, trong hai năm cuối ở Trường Đại học Triniti, Isaac Newton đã hoàn toàn nắm vững tất cả những điều cơ bản mà các nhà khoa học, toán học cơ học, quang học thiên văn học thời đó đã đạt được. Tháng Giêng năm 1669, ông đỗ tú tài kỹ thuật. Sau đấy, ông buộc phải trở về Wollsthorpe trong 2 năm vì Trường Đại học Cambridge phải đóng cửa do bệnh dịch hạch. Chỉ riêng thủ đô London, đã có gần hai chục ngàn người bị chết trong trận dịch hạch khủng khiếp vào năm 1669.
Truyền thuyết cho rằng, nhìn thấy một quả, táo rơi trong vườn cây ăn quả của ông ở Woolsthorpe, Newton đã khám phá ra Định luật vạn vật hấp dẫn. Phải chăng kết quả đó là từ sự quan sát, nghiền ngẫm suy tư và biết bao sự lao động trí tuệ nhọc nhằn đã đến với ông trong giây phút phát minh ra định luật đó. Ngay từ thời ấy, Isaac Newton đã tán thành ý kiến của Képler nói rằng, trong hệ Mặt trời có một lực hấp dẫn hướng về phía Mặt trời và lôi cuốn các hành tinh quay xung quanh nó; lực hấp dẫn ấy cũng tồn tại giữa Trái đất và Mặt trăng khiến cho Mặt trăng phải quay xung quanh Trái đất.
Trong quang học, Isaac Newton đã nghiên cứu hiện tượng lăng kinh phân tán ánh sáng trắng thành một dải bảy sắc màu cầu vồng. Ngược lại một đĩa có bảy màu nói trên, khi quay nhanh thì cái đĩa bảy màu chỉ còn lại một đĩa màu trắng. Ông đã có sáng kiến thay thấu kính vật trong ống kính thiên văn bằng một gương cầu. Ông đặt tên nó là kính thiên văn phản xạ để phân biệt với kính thiên văn khúc xạ dùng thấu kính.
Sau khi trở lại Cambridge, ngài Barrow đã trịnh trọng giao lại chức Giáo sư bộ môn toán cho Newton, khi đó Newton mới 26 tuổi. Số tiền lương trả cho chức vụ Giáo sư của ông thật là ít ỏi, Isaac Newton chỉ được lĩnh một số tiền đủ để ăn và ở ngay trong trường. Đơn của ông gửi lên đức Vua Charles II (Sách Đệ II), cho phép mình tái nhận chức Giáo sư Trường Đại học Triniti mà không phải thụ chức giáo sĩ đã được nhà Vua chấp thuận.
Năm 1686 - 1687, ông xuất bản cuốn Những nguyên lý toán học của triết học tự nhiên. Đến năm 1713, tức là sau 26 năm tính từ lần xuất bản thứ nhất, bộ sách bất tử đó lại ra mắt bạn đọc lần thứ hai. Cho đến cuối thế kỷ này, cơ học Newton đã trở thành một lĩnh vực khoa học hoàn chỉnh.
Năm 1696, ông nhận chức làm chủ Nhà Tiền. Lúc này Isaac Newton vừa trải qua một trận ốm thập tử nhất sinh vì đau buồn trước cái chết của bà mẹ và tai họa cháy nhà thiêu hủy hết bản thảo bộ sách Quang học mà ông đã mất gần 20 năm lao động cật lực để viết ra nó. Chỉ sau 3 năm nghiên cứu ông đã thay đổi toàn bộ dây chuyền sản xuất theo một quy trình công nghệ mới. Với những máy móc đúc tiền do ông sáng chế ra và một phương pháp tổ chức lao động mới, ông đã đạt được mức cứ hai giây sản xuất ra được một đồng tiền bạc theo đúng tiêu chuẩn quy định và đảm bảo phân biệt được với tiền giả một cách chắc chắc. Do sự tín nhiệm đối với ông, Giám đốc nhà đúc tiền, Chính phủ Hoàng gia còn giao cho cơ quan này cả nhiệm vụ thiết kế khuôn đúc và chế tạo huân chương, huy chương các loại của Chính phủ.
Năm 1699, Viện Hàn Lâm Khoa học Paris (Pháp) lần đầu tiên định ra thể thức bầu các Viện sĩ nước ngoài và họ chọn ngay Isaac Newton làm Viện sĩ nước ngoài thứ nhất. Tháng 11 năm 1703, toàn thể Hội Hoàng gia Anh nhất trí cử ông làm Chủ tịch Hội và năm nào cũng lại bầu ông vào cương vị ấy cho tới khi ông qua đời. Năm 1704, bộ sách Quang học (viết lại) được xuất bản.
Cho đến lúc già, Isaac Newton vẫn không ngừng làm việc. Năm 1717, ông cho tái bản cuốn sách Quang học mà ông đã để hết tâm trí trong suốt 10 năm sửa chữa. Năm 1722, tức là lúc đã 80 tuổi ông lại bắt tay vào việc sửa chữa cuốn sách Những nguyên lý để chuẩn bị cho lần xuất bản thứ ba. Công việc đang gấp rút tiến hành thì đầu năm 1727, bệnh sỏi thận và bệnh sung huyết phổi đã buộc nhà Bác học phải giao việc này cho người học trò là Pempơton để về nghỉ dưỡng bệnh tại một miền quê cách London không xa. Ba tuần sau, nhà Bác học cảm thấy mình hơi khỏe nên đi Lonđon. Khi quay về nơi dưỡng bệnh, cơn đau đột nhiên trở lại. Đến ngày 30 tháng 3 năm 1727, trái tim con người vĩ đại ấy ngừng đập vĩnh viễn. Thi hài nhà Bác học được mai táng tại nghĩa trang Nhà thờ Westminster dành riêng làm nơi an nghỉ cuối cùng của các bậc vĩ nhân nước Anh.
Ông đã được Nữ hoàng Anh Anne ban cho danh hiệu ''Tôn ông''. Ông là người đầu tiên được nhận danh hiệu đó do những công lao đóng góp cho khoa học.
GS. VŨ VĂN NGUYÊN