ANTON VAN LEEUWENHOECK
(1632 - 1723)
a. Thân thế:
Leeuwenhoeck (Lơvenhuc) sinh năm 1632 trong một gia đình nghèo ở thành phố Delft Hà Lan. Vì hoàn cảnh khó khăn, Leeuwenhoeck không được học tập nhiều, vì phải giúp đỡ bố bán bia trong một quán nhỏ.
Năm 16 tuổi, bố qua đời, ông phải rời quê hương lên thủ đô Amsterdam, để làm công trong một hàng bông vải sợi len dạ. Năm 22 tuổi, ông lấy vợ, 3 năm sau rời thủ đô, trở về quê cũ, xin vào làm nhân viên trong tòa án thành phố, ông bắt đầu nghiên cứu làm và dùng “kính hiển vi”. Năm 1723, Leeuwenhoeck qua đời, thọ 91 tuổi.
b. Sự nghiệp:
Từ xưa, có lẽ có người đã biết một giọt nước đọng trên mặt lá hoặc trên một vảy cá, có thể giúp ta nhìn thấy những vật nằm ở phía dưới to hẳn lên và rõ hơn.
Trên các bình cổ của Trung Quốc, từ 700 đến 1000 năm Tr.CN, đã có hình người đang dùng những "thấu kính thủy tinh" để quan sát đồ vật. Người Hy Lạp và La Mã Cổ đại cũng đã biết nhìn đồ vật qua những bình cầu thủy tinh đựng đầy nước, để thấy nó to và rõ hơn. Kính lúp xem như chính thức được chế tạo từ đầu thế kỷ XIII, khi các thợ kim hoàn, các nhà buôn tơ lụa vải sợi có nhu cầu đánh giá chất lượng thấy được của các vật liệu.
Năm 1590, hai anh em Janxon ở thị trấn Midleburg tại Hà Lan đã đặt song song hai thấu kính ở những khoảng cách khác nhau nhằm tăng khả năng nhìn to hơn và chính xác hơn. Cũng trên cơ sở nguyên lý đó, năm 1608, nhà vật lý học và thiên văn học người Italia Galileo Galilée (1564 - 1642), về sau được xem như một trong những người đã đặt nền móng cho thiên văn học hiện đại, cũng đã làm được kính thiên văn (viễn vọng) đầu tiên để quan sát các núi của Mặt trăng, vệ tinh của Sao Thiên Vương và chụp hình thù của Sao Vệ nữ. Ngoài ra, ông còn lắp một số thấu kính trên giá gỗ thành “kính hiến vi”, nhờ đó mà đã “thấy con ruồi to như con bò!”.
Ngay từ thời còn bé, khi giúp bố bán bia, Leeuwenhoeck đã ước ao được nhìn các bộ phận bé tí xíu của các côn trùng nên cậu thường hay sán đến gần các thùng bia. Vì thế lúc lớn lên, khi đã có việc làm ở tòa án thành phố quê hương, Leeuwenhoeck dành mọi thời giờ rỗi rãi để “làm kính hiển vi”, ông đã kiên nhẫn mài, dũa, đánh bóng 419 thấu kính. Ông cũng đã chế tạo rất nhiều khung kim loại để lắp các thấu kính đó thành những kết hợp rất đa dạng để tăng khả năng phóng đại của chúng. Leeuwenhoeck còn lắp thêm các que đẩy có ren để thay đổi độ gần xa của vật cần nhìn và lắp thêm cả kính phản chiếu hoặc hội tụ ánh sáng, nhằm tăng độ chiếu sáng cho vật quan sát, ông đã lần lượt chế tạo và cải tiến tới 2177 “kính hiển vi” như vậy.
Nhờ chúng, Leeuwenhoeck đã quan sát được đủ loại đối tượng: tương ớt, máu, nước ao hồ, phân động vật, râu tóc, côn trùng nhỏ... ông còn theo dõi cả máu chảy trong mao mạch đuôi nòng nọc, và lá một số cây.
Suốt 46 năm ròng, từ năm 1673 đến năm 1719. Leeuwenhoeck đã gửi đến Hội Hoàng gia Anh (Cơ quan khoa học có uy tín nhất thời đó) 375 bản vẽ những vật ông đã nhìn thấy nhờ kính hiển vi và 27 bản vẽ cho Viện Hàn Lâm Khoa học Pháp.
Leeuwenhoeck đúng là người đầu tiên đã khám phá và thám hiểm một thế giới mà "người trần mắt thịt” không hề biết là có thật, thế giới các VI SINH VẬT.
Toàn bộ công trình của ông đã được in thành sách, nhan đề: Những bí mật của giới tự nhiên nhìn qua kính hiển vi gồm 4 tập.
GS. LÊ QUANG LONG