CARL VON LINNÉ (1700 - 1778)
I. Thân thế:
Linné sinh ngày 23-5-1707 ở Thụy Điển. Ngay từ lúc còn học ở tiểu học và trung học, Linné chỉ mải mê quan sát, thu thập mẫu vật của cây cỏ, hoa lá… ngoài trời, trong thiên nhiên. Lúc 8 tuổi, người ta đã gọi đùa Linné là “nhà thực vật trẻ”.
Năm 20 tuổi, anh vào học ở trường y và 3 năm, sau năm 1730, Linné được giữ lại trường làm phụ giảng.
5 năm sau, năm 1735, anh bảo vệ thành công luận án tiến sĩ y khoa tại Hà Lan. Sau đó, trong 3 năm liền, ông lần lượt sang học thêm ở Đan Mạch, Đức, Anh và Pháp là những trung tâm văn hóa lớn thời đó. Năm 1738, Linné mới trở về quê để theo đuổi nghề thầy thuốc. Năm 1741, lúc 34 tuổi, ông được cử làm Giáo sư Đại học và từ đó đến lúc mất; Linné luôn kết hợp giảng dạy, nghiên cứu và biên soạn tài liệu khoa học.
Ông mất năm 1778, thọ 71 tuổi.
II. Sự nghiệp
Từ Tr.CN, nhà triết học kiêm tự nhiên học Aristotle đã mô tả và thống kê được 500 loài động vật. Học trò Arisotle là Theo Phraste cũng mô tả và thống kê thêm được 500 loài thực vật. Số sinh vật được sưu tầm và khảo sát ngày càng tăng, nhu cầu phân loại trở lên cấp thiết.
Công trình phân loại đầu tiên có giá trị là của nhà tự nhiên học người Anh John Ray (Rây, 1628 - 1705). Trong cuốn Thực vật học gồm 3 tập của mình, Ray đã cố gắng sắp xếp 18.600 cây cỏ thành từng nhóm lớn nhỏ. Trong cuốn Tổng quan về phân loại động vật, Rây trình bày quan điểm, tiêu chuẩn phương pháp và kết quả phân loại của mình đối với động vật. Chẳng hạn, các loài thú được chia làm hai nhóm lớn, là thú có ngón và thú có guốc. Thú có guốc được chia làm 3 nhóm vừa là một guốc, hai guốc và ba guốc. Thú hai guốc được chia làm 2 nhóm nhỏ là không nhai lại và nhai lại. Thú nhai lại được chia làm hai nhóm nhỏ hơn nữa là sừng rụng hàng năm và sừng không rụng hàng năm.
Hệ thống chia này đã tương đối hợp lý và chi tiết nhưng chưa thật đầy đủ và cách gọi tên sinh vật cũng chưa thống nhất giữa các tác giả, khiến nhiều lúc có sự nhầm lẫn, hoặc bỏ sót, hoặc lặp lại trong các bản liệt kê thực vật chí hoặc động vật chí.
Công lao của Linné là đã xây dựng được một "hệ thống tự nhiên" gồm 4 nhóm từ nhỏ đến lớn, là Loài - Chi - Bộ - Lớp.
Thí dụ: Linné chia giới thực vật thành 24 lớp, giới động vật thành 6 lớp.
Đóng góp lớn nhất của ông đối với công tác phân loại là đã nghĩ ra được cách đặt tên sinh vật rất chặt chẽ và thuận tiện. Mỗi sinh vật được gọi tên bằng 2 tiếng Latinh, tên đầu viết hoa, chỉ Chi (genus) tên sau viết thường, chỉ loài (Species). Chẳng hạn trong Chi Mèo Felis có mèo nhà (Felis domesticus), sư tử (Felis leo), cọp (Felis tigris).
Từ năm 1746 đến năm 1753, trong 7 năm, ông đã soạn in thêm cuốn Thực vật chí trình bày các chìa khóa và kết quả phân loại thực vật. Việc phân loại dựa chủ yếu trên những khác biệt ngoại hình, dễ thấy và dễ nhận dạng nhất giữa các sinh vật. Chìa khóa phân loại đó có nhược điểm lớn nhất là chưa tính đúng mức đến các khác biệt về kích thước, hình dáng bên ngoài do các giai đoạn phát triển khác nhau (trứng, sâu, nhộng, ngài... ) hoặc chế độ dinh dưỡng khác nhau (nhất là đối với thực vật) gây nên; chẳng hạn, ốc sên thuộc chi Cerion ở Quần đảo Caribê đã được phân loại thành 600 loài, nhưng xét lại kỹ lưỡng thì chỉ gồm có... 2 loài.
Một hạn chế nữa của Linné là, đã phân loại sinh vật theo quan điểm Thượng đế sáng tạo muôn loài bất biến qua thời gian. Song trong lần tái bản Hệ thống tự nhiên lần thứ 12, ông đã nhận ra sai lầm của mình và tự ý tước bỏ các phần liên quan đến quan điểm bất biến. Hiện nay, thế giới vẫn chấp nhận rộng rãi và trong những nét cơ bản phương pháp phân loại của Linné như trình bày trong bản tái bản lần thứ 10 cuốn Hệ thống tự nhiên (1758), gồm 1384 trang. Sinh vật được chia thành các nhóm từ lớn đến nhỏ: giới - lớp - bộ - chi - loài. Các nhóm trung gian được gọi là ''phụ". Nay thêm ngành giữa giới và lớp chẳng hạn: Ngành có xương sống và ngành không có xương sống trong giới động vật, và họ giữa bộ và chi.
Hiện nay, hệ thống phân loại được thừa nhận rộng rãi nhất là của R.H.Whittaker đưa ra năm 1969, gồm 5 giới sinh vật: sinh vật có nhân nguyên thủy, nguyên sinh vật, thực vật, nấm và động vật.
GS. LÊ QUANG LONG