EDMOND HALLEY (1656 - 1742)
Halley là nhà thiên văn và nhà toán học người Anh, ông là người đầu tiên đã tính toán quỹ đạo và sự chuyển động của Sao Chổi Halley được mang tên ông. Ông cũng nổi tiếng ở chỗ đã đóng vai trò quan trọng trong việc xuất bản tác phẩm bất tử: Philosophiae Naturalis Principa Mathematica (Những nguyên lý toán học của triết học tự nhiên) của Newton.
Halley đã có dịp làm quen với nhà thiên văn John Flamstud (được bầu làm nhà thiên văn Hoàng gia năm 1676) từ khi ông còn đi học ở Queen's College, Oxford (ông vào học ở đây từ năm 1673) và tại đây đã được khuyến khích nghiên cứu về thiên văn học.
Trước dự án của Flamsteed về việc sử dụng kính thiên văn để quan sát các ngôi sao ở phương Bắc, và soạn ra một catalô chính xác về các sao này; Halley đã dự tính cũng làm như vậy đối với các sao ở phương Nam. Được sự giúp đỡ về tài chính của cha và được lời giới thiệu của Vua Charles II với Công ty Đông Ấn, ông đã rời Oxford không nhận bằng cấp rồi vào tháng 11 năm 1676 lên một con tàu của Công ty này đi đến Đảo Saint Hélen thuộc quyền cai trị của Anh ở Nam Đại Tây Dương. Ở đây do thời tiết xấu đã không cho phép ông thực hiện được ý định của mình; nhưng khi trở về nhà vào tháng Giêng năm 1678, ông đã ghi được kinh độ và vĩ độ của 341 ngôi sao. Catalo sao của Halley đã được công bố năm 1678. Cũng vào năm này, Halley được bầu làm Viện sĩ Viện Hàn Lâm Hoàng gia (Royal Society) và, với sự can thiệp của nhà Vua, ông được nhận học vị Thạc sĩ của Đại học Oxford.
Halley còn có những công trình thiên văn quan trọng khác như việc mô tả quỹ đạo của 24 Sao Chổi đã được quan sát trong thời gian 1337 - 1698, chứng minh rằng: ''ba'' Sao Chổi đã xuất hiện trong các năm 1531, 1607 và 1682 thực ra chỉ là một và dự đoán đúng về thời gian quay trở lại của Sao Chổi này vào năm 1758 (ngày nay gọi là Sao Chổi Halley). Và ông còn đề xuất nhiều phương pháp quan sát, nhằm xác định chính xác khoảng cách từ Trái đất tới Mặt trời v.v...
Halley là một nhà thiên văn lớn của thế kỷ XVII. Trong những ngày đầu của Viện Hàn Lâm Anh, ông đã tham gia xem xét nhiều vấn đề khoa học khác nhau, ông đã chú ý nhiều đến việc ứng dựng khoa học vào thực tế, thể hiện sự ảnh hưởng của Francis Bacon đối với Viện Hàn Lâm Anh lúc bấy giờ.
ĐẶNG MỘNG LÂN