Tài liệu: Antoine Laurent Lavoisier (1743 - 1794)

Tài liệu
Antoine Laurent Lavoisier (1743 - 1794)

Nội dung

ANTOINE LAURENT LAVOISIER (1743 - 1794)

 

Antoine Laurent Lavoisier (Ăng toan Lôrăng Lavoadiê) sinh ngày 26 - 8 - 1743 trong một gia đình quý tộc mới tại thành phố nhỏ Villers - Cotterests (Vilecốttơ) ở vùng Soissonais (Xoatxôngne). Cậu bé mồ côi mẹ từ năm lên 5 tuổi, được nuôi dạy trong gia đình cực kỳ giàu sang của ông bà ngoại. 17 tuổi, anh theo học luật trường Đại học Tổng hợp Paris và mới hai mươi mốt tuổi đã trở thành Tiến sĩ luật khoa. Nhưng sự giàu có của gia đình khiến anh chẳng phải hành nghề ''thày cãi" buồn tẻ mà có thể làm việc theo ý thích cá nhân, cống hiến tài năng của mình cho khoa học.

Năm 1765, Lavoisier công bố công trình khoa học đầu tiên về độ tan của thạch cao, sự mất nước của nó khi nung và khả năng tái kết hợp của nó với nước. Tuy đóng góp cho khoa học còn ít ỏi và tuổi đời còn quá trẻ, năm 1768, anh đã được bầu vào Viện Hàn Lâm khoa học Pháp làm thành viên thứ 71, phá quy định ''Viện Hàn Lâm khoa học Pháp chỉ có 70 thành viên'' vẫn duy trì từ ngày thành lập đến nay. Có lẽ những người đương thời đã tiên đoán được rằng, chàng thanh niên 25 tuổi ấy sau này sẽ trở thành một trong những nhà Bác học vĩ đại nhất trong lịch sử...

Ngày 4-11-1771, khi bước vào tuổi 28, Lavoisier lập gia đình với cô thiếu nữ tuyệt đẹp Marie Anne Pirette mới mười bốn tuổi. Cô M.A. Lavoisier từ một cô gái bình thường đã nhanh chóng trở thành một thiếu phụ thông thái đóng góp vào cuộc đời đầy sáng tạo của chồng. Thông thạo nhiều ngoại ngữ, bà đã đảm nhận dịch cho chồng các công trình khoa học viết bằng tiếng nước ngoài và ngồi hàng ngày trong phòng thí nghiệm để ghi chép kết quả và quan sát hiện tượng. Tận dụng năng khiếu về hội họa, Marie Anne Lavoisier giúp chồng mô tả bằng hình vẽ những dụng cụ và thí nghiệm được tiến hành.

Ngoài công tác xã hội rất bộn bề (Lavoisier làm thủ quỹ rồi Chủ tịch Viện Hàn Lâm, ủy viên cơ quan đấu thầu thuế quan nước Pháp, Giám đốc thuế quan Paris, Tổng Giám đốc cơ quan quản lý thuốc súng), hàng ngày bao giờ Lavoisier cũng dành 6 giờ làm việc trong phòng thí nghiệm và một ngày trong tuần cho công việc đó. Phòng thí nghiệm của ông là nơi thu hút các nhà khoa học ở khắp nơi tới thăm và tranh luận về các vấn đề nóng hổi của hóa học đương thời. Chính những cuộc gặp gỡ ấy đã hoàn thiện ý tưởng của ông: làm cuộc cách mạng lật đổ sự thống trị của thuyết nhiên tố.

Một trong những thành công lớn lao nhất của Lavoisier thuộc về đề tài cổ xưa nhất của nhân loại: tìm ra Định luật bảo toàn vật chất: Ông đã chứng minh được nó bằng định lượng và phát biểu nó như một định luật cơ bản của hóa học (Định luật Lavoisiel). Chỉ riêng với nó, ông đã là bất tử đối với hóa học. Nhưng đóng góp của ông lớn lao hơn nữa. Trong khoảng thời gian 1778 - 1782, Lavoisier trực tiếp phụ trách xưởng chế tạo thuốc súng, nghiên cứu nông nghiệp và đưa ra nhiều cải tiến có giá trị. Năm 1782, cùng với nhà vật lý Laplace, ông nghiên cứu bản chất của nhiệt, chế tạo ra nhiệt lượng kế, đo nhiệt dung, nhiệt chảy của các chất. Sau đó, ông xác định được thành phần của nước, cơ chế phân hủy và tổng hợp nước. Năm 1787, cùng với các nhà hóa học nổi tiếng khác như Bertholet (1748 - 1822), Fourcroix (1755 - 1809) và De Morveau (1787 - 1816), ông đã định ra quy tắc thống nhất về cách gọi tên các hợp chất hóa học đặt nền móng cho sự phân loại các chất. Toàn bộ công trình của ông đã tạo nên một cuộc cách mạng trong hóa học: lật đổ thuyết nhiên tố đang thống trị trong hóa học.

Năm 1789, Lavoisier hoàn thành một tác phẩm quan trọng nhất của đời mình: Các biến đổi cơ bản của hóa học với những hình vẽ tuyệt vời do vợ ông minh họa. Cuốn sách, gây chấn động thế giới và lập tức được nhiều nước dịch (Anh, Mỹ, Đức, Hà Lan, Tây Ban Nha, Italia, Mexico…) và dùng nó làm cơ sở cho các công trình nghiên cứu. Chỉ hai năm sau khi cuốn sách ra đời, năm 1791, người đứng đầu phái nhiên tố là Kizwahl đã tuyên bố: “Tôi xin hạ vũ khí và từ bỏ thuyết nhiên tố”. Hóa học hiện đại đã ra đời. Cuộc cách mạng của hóa học thế kỷ XVIII đã hoàn tất với sự chiến thắng vẻ vang. Thế nhưng cuộc cách mạng xã hội ở Pháp đã nổ ra: Cách mạng tư sản 1789.

Là một nhà hoạt động xã hội rộng lớn, lại là một nhà quý tộc, Lavoisier trở thành đối tượng của cách mạng. Ông bị tước khỏi tất cả các chức vụ. Ngày 4-5-1794, ông bị đưa ra tòa án cách mạng và bị kết án tử hình.

Ngày 8-5-1794, Lavoisier bước lên máy chém. Nhà Toán học nổi tiếng Lagrange đau đớn viết thư cho nhà bách khoa D'Alembert rằng: ''Trong phút chốc người ta đã chặt đi một cái đầu mà hàng trăm năm sau, nhân loại cũng không thể có cái đầu như vậy”.

F. Engels đã đánh giá Lavoisier là một người ''Đã làm cho hóa học đi bằng hai chân, mà trước đó, nó đi ngược bằng đầu''.

KS. NGUYỄN QUỐC TÍN




Nguồn: bachkhoatrithuc.vn/encyclopedia/1061-02-633390099559556250/Nhung-nha-khoa-hoc-tu-nhien-noi-tieng-the...


Chưa có phản hồi
Bạn vui lòng Đăng nhập để bình luận